Ba thế hệ Làm nên diện mạo điện ảnh phía Nam

Ba thế hệ Làm nên diện mạo điện ảnh phía Nam

Có thể nói, phim truyện điện ảnh cách mạng phía Nam bắt đầu hình thành từ năm 1976 khi đạo diễn – Nghệ sĩ ưu tú Khương Mễ bấm máy bộ phim Cô Nhíp, kể về cuộc đời cô giao liên đã dẫn đường cho xe tăng cách mạng tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Diện mạo điện ảnh cách mạng phía Nam trong 30 năm qua, có thể tạm chia ra làm ba thế hệ theo ba thời kỳ: từ 1975 đến 1985, từ 1985 đến 1995 và từ 1995 đến 2005.

  • Thế hệ thứ nhất (từ 1975 đến 1985): Hội nhập và chuyển giao
Ba thế hệ Làm nên diện mạo điện ảnh phía Nam ảnh 1

NSND Lâm Tới.

Có thể gọi đây là giai đoạn hội nhập và chuyển giao thế hệ. Hội nhập bởi đất nước thống nhất, những người con miền Nam sống trên đất Bắc trở về, hòa cùng những người làm điện ảnh tại Sài Gòn tạo thành một lực lượng khá hùng mạnh. Tiêu biểu cho những diễn viên vừa trở về là nghệ sĩ Lâm Tới.

Trước đó, anh là một tên tuổi của điện ảnh phía Bắc với các vai: Núi trong phim Đường về quê mẹ, Trần Sùng trong Vĩ tuyến 17, ngày và đêm... Trở về quê hương, anh đã góp phần tạo nên sự thành công cho hai bộ phim Cánh đồng hoang với vai Ba Đô và Mùa gió chướng với vai ông Tám Quyện. Bên cạnh anh, những diễn viên “tại chỗ” tiếp tục tỏa sáng như “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng với phim Như thế là tội ác (ĐD Huy Thành), Nơi em gặp anh (ĐD Long Vân); Lý Huỳnh với Mùa gió chướng (ĐD Hồng Sến), Hai Cũ (ĐD Lam Sơn), Vùng gió xoáy (ĐD Hồng Sến).

Ba thế hệ Làm nên diện mạo điện ảnh phía Nam ảnh 2

NSƯT Thùy Liên.

Nghệ sĩ Thùy Liên, vốn là người từng đóng kịch, diễn cải lương trước năm 1975 ở Sài Gòn song chỉ đến khi xuất hiện như một diễn viên nữ sáng giá nhất của điện ảnh cách mạng sau ngày giải phóng, chị mới được công chúng biết đến. Với nét đẹp giản dị, đằm thắm đầy chất Nam bộ, Thùy Liên là ứng cử viên hàng đầu cho những vai nữ cán bộ cách mạng, trong đó, xuất sắc nhất là vai Sáu Linh trong phim Mùa gió chướng. “Sáu Linh” trở thành tên gọi của Thùy Liên (được chị lấy đặt tên cho con gái đầu lòng) và đem lại cho chị danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Ba thế hệ Làm nên diện mạo điện ảnh phía Nam ảnh 3

NSƯT Nguyễn Chánh Tín.

Một người nữa cũng có tiếng trên sân khấu ca nhạc cũng như trên màn ảnh ở Sài Gòn trước đó là Nguyễn Chánh Tín nhưng anh chỉ thực sự trở thành ngôi sao hàng đầu của điện ảnh phía Nam khi đóng xuất sắc vai nhân vật tình báo Nguyễn Thành Luân trong série 8 tập phim truyện nhựa Ván bài lật ngửa (ĐD Lê Hoàng Hoa). Đây là bộ phim truyện nhựa nhiều tập nhất trong lịch sử điện ảnh VN cho đến nay. Ở giai đoạn này, điện ảnh TP.HCM còn giới thiệu thành  công một số gương mặt mới.

Điển hình là Thúy An, từ một cô gái bán đậu đỏ, bánh lọt ở Thảo Cầm viên được đạo diễn Hồng Sến phát hiện, dẫn dắt trở thành một diễn viên khả ái của màn ảnh với vai Bé Ba trong Mùa gió chướng, Sáu Xoa trong Cánh đồng hoang, Quyên trong Chị Sứ,... Hoặc Hương Xuân, từ một diễn viên chỉ đóng vai phụ ở đoàn Cải lương Nam bộ trở thành một diễn viên điện ảnh sáng giá với vai Duyên trong Về nơi gió cát (ĐD Huy Thành). Hay như Thương Tín, một diễn viên trẻ của đoàn kịch Cửu Long Giang cũng trở thành một ngôi sao đắt giá, có lúc anh phải đóng 11 phim truyện nhựa trong một năm.

  • Thế hệ thứ hai (từ 1985-1995): Nhiều biến động
Ba thế hệ Làm nên diện mạo điện ảnh phía Nam ảnh 4

DV Lý Hùng.

Đây được coi là giai đoạn có nhiều biến động nhất trong hoạt động nghệ thuật bởi đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ mở cửa về kinh tế, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Các nhà sản xuất phim tư nhân, tuy chưa được chính thức hoạt động, song đã bắt đầu bỏ vốn hợp tác với quốc doanh làm phim. Đây cũng là giai đoạn phim vidéo ngoại nhập tràn lan, tạo nên một làn sóng làm phim vidéo.

Thời gian này, một thế hệ diễn viên trẻ lần đầu tiên lọt vào “tầm ngắm” của các nhà làm phim. Đầu tiên là Diễm Hương với phim Phạm Công – Cúc Hoa. Nở rộ sau đó là những tên tuổi “thống trị” điện ảnh vidéo thương mại mà cát xê một vai có lúc lên đến 30 triệu đồng/tập (cách đây 15 năm) như Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh,...Việt Trinh là trường hợp khá đặc biệt. Không xuất thân từ trường lớp như Diễm Hương, chỉ tình cờ được đóng một vai phụ trong phim truyện nhựa Ngọc trong đá (ĐD Trần Cảnh Đôn) nhưng với khả năng nhập vai chân thật, sinh động, thu hút, Việt Trinh đã được các nhà làm phim tư nhân chào mời với mức cát xê khá hậu hĩ. Chẳng bao lâu sau cô đã đánh bạt Diễm Hương, giành ngôi vị số một ở dạng phim thị trường.

Ba thế hệ Làm nên diện mạo điện ảnh phía Nam ảnh 5

NSƯT NGọc Hiệp

Là bạn đồng môn của Diễm Hương nhưng Ngọc Hiệp lại nổi lên như một ngôi sao của phim nghệ thuật khi rất thành công ở những bộ phim của các đạo diễn “nhiều suy tư” như Dấu ấn của quỷ (ĐD Việt Linh), Giữa dòng (ĐD Trần Mỹ Hà), Chuyện ngã bảy (ĐD Trần Mỹ Hà),... Ngọc Hiệp là người “đi sau về trước”. Khi các bạn đồng môn như Lý Hùng, Diễm Hương đã thành sao, Ngọc Hiệp chưa được ai biết đến. Nhưng sau một số vai diễn trong những phim gai góc, chị đã vụt sáng, trở thành gương mặt diễn viên tiêu biểu cho thế hệ mình, là người duy nhất trong lớp diễn viên khóa 1 ấy được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và cũng là người duy nhất được mời tham gia ban lãnh đạo một hãng phim tư nhân.

Một trường hợp khác cũng khá đặc biệt là Mỹ Duyên vừa trở về từ Liên Xô sau 8 năm học múa cổ điển, tình cờ được mời vào vai phụ trong phim Vị đắng tình yêu 2 của đạo diễn Lê Hoàng, cô đã được chú ý bởi gương mặt rất “điện ảnh”. Mỹ Duyên cùng với Lê Hoàng, trong suốt hơn thập niên qua, đã tạo nên những bộ phim nghệ thuật như Lưỡi dao, Lương tâm bé bỏng, Băng qua bóng tối và những phim thương mại gần đây như Gái nhảy, Lọ Lem hè phố, Nữ tướng cướp... Về phía diễn viên nam, ba gương mặt Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh là những diễn viên sáng giá nhất ở giai đoạn này.

  • Thế hệ thứ ba (từ 1995 đến 2005): Năng động nhưng không chói sáng
Ba thế hệ Làm nên diện mạo điện ảnh phía Nam ảnh 6

DV Chi Bảo.

Khác với hai giai đoạn trên, ở giai đoạn thứ ba, các ngôi sao điện ảnh Việt Nam gần như “chào thua” trước sự đẹp đẽ, giỏi giang, hấp dẫn của các ngôi sao điện ảnh thế giới, đang được du nhập tràn lan vào, không chỉ ở các rạp chiếu mà còn tuyên truyền mạnh mẽ trên sóng truyền hình. Ở giai đoạn này, vị trí của các diễn viên điện ảnh đã phải nhường chỗ cho các diễn viên truyền hình như Trương Ngọc Ánh, Chi Bảo, Trương Minh Quốc Thái, Trung Dũng, Kinh Quốc, Quyền Linh... Huỳnh Anh Tuấn là trường hợp đặc biệt, anh là một Việt kiều, nhân về thăm gia đình mà nhận lời đóng cho một bộ phim ở trong nước, nhưng khi thấy ở quê nhà có “vị trí” hơn, được đóng phim theo sở thích nên anh đã ở lại hơn 10 năm nay.

Ba thế hệ Làm nên diện mạo điện ảnh phía Nam ảnh 7

DV Hồng Ánh

Anh tham gia cả phim nhựa lẫn vidéo và vừa qua được chú ý với vai Bảo Đại trong phim Ngọn nến hoàng cung. Một gương mặt khác, cũng khá đặc biệt là Hồng Ánh. Cô khởi đi từ một vai phụ trong phim Người đẹp Tây Đô và được khẳng định tài năng qua vai chính trong phim truyền hình một tập Cầu thang tối (ĐD Đào Bá Sơn) nhưng cũng tương tự như Ngọc Hiệp – thành danh ở phim truyện nhựa nghệ thuật với những phim như Đời cát (ĐD Nguyễn Thanh Vân), Thung lũng hoang vắng (ĐD Nhuệ Giang). Hồng Ánh là diễn viên duy nhất cho đến nay nhận được ba giải thưởng cá nhân tại các liên hoan phim VN: một giải diễn triển vọng và hai giải diễn viên xuất sắc.

Xuất hiện khá đông đảo, song các gương mặt diễn viên ở giai đoạn này chưa mấy ai sáng chói trong lòng công chúng như các thế hệ ở giai đoạn trước. Một mặt, họ phải “cạnh tranh” tình cảm khán giả với các ngôi sao nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc), mặt khác họ không chỉ lo làm điện ảnh mà còn mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, có thể nói diễn viên thế hệ thứ ba này, tuy đa năng hơn song sự ái mộ của công chúng dành cho họ không mấy trọn vẹn so với đàn anh, đàn chị các thế hệ trước.

CÁT VŨ

Tin cùng chuyên mục