"Thơ thành phố Hồ Chí Minh 1975 - 2005"

Dàn hợp xướng đa thanh

Dàn hợp xướng đa thanh

Chào mừng 30 năm đại thắng mùa xuân 1975, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tập “Thơ thành phố Hồ Chí Minh 1975 – 2005”.

Ba mươi năm, thời gian đủ để đội ngũ thơ thành phố, những cây bút từ trăm quê về sống ở Sài Gòn và những cô bé, cậu bé năm ấy còn lẫm chẫm cầm cờ Mặt trận đón các chú giải phóng quân, nay đã trưởng thành.

Tác giả của 3 thế hệ và hơn 200 bài thơ được chọn chưa thể nói là đủ mặt nhưng cũng đã tiêu biểu cho lực lượng thơ của thành phố Hồ Chí Minh.

Hai bài thơ của nhà thơ bậc thầy Chế Lan Viên (Tân Bình đã thành quê, Địa đạo Phú Thọ Hòa) mang nặng tình cảm mãnh liệt của ông với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và với dân thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông chọn làm điểm dừng chân cuối cùng:

Phú Thọ Hòa mảnh đất bỏng ven đô

Một vùng nhỏ năm trăm nhà liệt sĩ

Càng xa cách càng bền lòng chung thủy

Mỗi tấc đất miền Nam đều là đất Bác Hồ.

Dàn hợp xướng đa thanh ảnh 1

Các nhà thơ và nhà văn tại ĐH Nhà văn TPHCM lần thứ 3. Ảnh: LÊ TƯỜNG VÂN

Nhà thơ ra đi đã 20 năm nay nhưng những vần thơ giàu suy tưởng và thắm thiết của ông như vẫn còn phập phồng trong tim bạn đọc.

Với hai bài “Tương lai ai dắt cầm tay” và “Bên chị xóm nghèo”, Bảo Định Giang đã nói lên lòng biết ơn với mẹ, với cách mạng, với những chiến sĩ tiền bối đã dìu dắt ông từ những ngày đầu đến với cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ. Không tài hoa về câu chữ, không mới mẻ, tìm tòi về ý tưởng nhưng thơ của người cán bộ quản lý văn nghệ lão thành này bao giờ cũng chí tình, da diết, ân nghĩa.

Bạn đọc gặp trong tập thơ bài thơ “Gửi lòng con đến cùng Cha” của nhà thơ Thu Bồn viết trong những ngày Bác ra đi. Đây là một bài thơ cảm động, giàu ý tưởng được đón nhận trân trọng trong tháng 9 năm 1969 tang tóc ấy. Và thật thú vị, bài thơ được in ngay và phát hành ở Sài Gòn. Hai câu thơ “Cho con núi rộng sông dài/Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm” được sinh viên căng ngay giữa cổng Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn để tưởng niệm Bác.

Tập thơ của các nhà thơ, bạn thơ thành phố Hồ Chí Minh nhưng cảm hứng được mở rộng ra đến mọi miền của Tổ quốc. Đó là khúc “Hát mừng đất nước”, của Hà Nhật với “Khúc này tặng Tổ quốc tôi/Từ đau thương đến nụ cười hôm nay/Từ chia tay đến cầm tay/Nỗi buồn xưa để vui nay muôn vàn”. Đó là một “Hà Nội phía sau mình” của Mai Quốc Liên với “Bãi sông Hồng chơ vơ ngày nước cạn/Gió xuân về xanh lại những vòm cây”. Đó là “Một chút Đà Lạt” mộng mơ, hư thực trong những câu thơ mềm mại của Nguyễn Thái Dương:

Đà Lạt rét, chạm vào anh sáng đó

Một chút len em khoác ở bên ngoài

Chưa đủ ấm, lòng anh cần hơi thở

Em xua giùm cái lạnh buổi ban mai

Từ Quốc Hoài viết về những chú “Cá bống cát Sông Trà” mà gợi lên những hương vị, những kỷ niệm về một vùng quê Quảng Ngãi.

Những chú cá bống tươi rói

ào lên cát

nghe lanh lảnh tiếng cười trẻ con

khắp trời đất

còn Dương Trọng Dật thì bồi hồi với “Đêm xòe xứ Thái”:

Anh vượt núi

Gặp sương mù Tây Bắc

Điệu xòe trôi trong sắc trắng hoa ban

Màu thổ cẩm đốt lòng như lửa

Siêu thực bước chân em

Huyền ảo giữa non ngàn.

Tác giả đến Tây Bắc vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với nỗi xao xuyến khi trở về:

Mai anh xuôi phương Nam

Nửa trái tim gửi lại

Nghe trong hồn vía mình

Miền Thái trắng chờ mong

Tập thơ chấp nhận sự rộng rãi về đề tài, chấp nhận mọi cung bậc tình cảm, chấp nhận những cách viết khác nhau. Có người viết theo thể thơ truyền thống; có người muốn nén chữ, nén câu để ý tưởng thơ bật lên từ cảm xúc và liên tưởng của người đọc (Thảo Phương, Lê Xuân Đố...).

Cao Xuân Sơn sở trường về thơ lục bát đã có những bài thơ chất lượng như “Khóc ông”, “Tiễn em trai đi Hàn Quốc” nhưng trong tập này, anh có bài “Tự sự cát” với cách viết hiện đại, nói trực tiếp mà không cần “ý tại ngôn ngoại” (mới thì có mới nhưng có hay hay không thì lại là chuyện khác).

Trần Thị Khánh Hội, trong hai bài “Tưởng tượng” và “Tạ ơn nỗi buồn” có ý thức đổi mới cách viết nhưng vẫn giữ được sự tinh tế, dịu dàng của một cây bút nữ.

Tập thơ chọn in hai bài thơ “Nắng chiều” và “Thăm mộ cha” của nhà thơ Phan Trác Hiệu. Ông thuộc lớp văn nghệ sĩ đã từng Nam tiến, có thơ in trong kháng chiến chống Pháp, rồi im hơi lặng tiếng từ 1950 đến 1974 và từ khi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh (năm 1978) thì làm thơ lại. Cuộc sống sôi động ở một thành phố lớn phương Nam đã hồi sinh thơ ông chăng?

Nhiều bạn đọc chắc sẽ ngạc nhiên và mừng rỡ khi đọc bài thơ “Đêm ấy, đêm này” của nhà văn, nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn. Bài thơ xuất hiện lần đầu có khoảng 12 câu đã rút ngắn lại thành một bài tứ tuyệt say đắm:

Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng

Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn

Anh đến với em đêm thần tiên ấy

Trăng với đèn chếnh choáng hơi men.

Hai bài thơ “Bùi Vương xuống phố” và “Bài thơ bán cá” của Bùi Chí Vinh làm cho tập thơ sinh động, tươi tắn hẳn lên. Ở cái vỏ ngôn ngữ bề ngoài cười cợt, bông phèng, hai bài thơ chứa đựng những nỗi niềm, nhân thế nghiêm túc. Hãy nghe tác giả nói về “khí phách” của con cá khi nằm trên thớt:

Trên thớt, cá thách người dám cá

Vây giương mắt trợn nhớ ao hồ

Nếu ta nằm thớt như tôm cá

Đã chắc gì dám nhớ tự do.

So với 10 năm trước, thơ Bùi Chí Vinh vẫn cười cợt tếu táo nhưng thấu tình, đạt lý hơn nhiều và đã thành một phong cách.
Tập thơ được chọn với tinh thần mặt trận: hầu hết các tác giả đều 2 bài, rất ít người có 1 bài.

Bên cạnh những bài thơ có chất lượng của các nhà thơ Chế Lan Viên, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Trần Nhật Thu, Thu Bồn, Hoài Vũ, Nguyễn Vũ Tiềm..., Đặng Hữu Ý có bài thơ “Đàn đáy” rất gợi tả:

Ai dạo hài theo chót vót mây

Không gian chùng hẳn phía bên này.

Lắng sâu trong đáy đàn không đáy

Cả một vườn trăng lặng lẽ say

Và còn có bài thơ “Trở về” của Chinh Văn với cách diễn đạt có tìm tòi (nhưng theo tôi hơi sa vào hình thức, làm cho bài thơ tãi ra):

Nai đi hoài, đi hoài

nai một mình xông pha

đường càng xa, càng xa

đường quanh co bao la...

rồi một hôm, một hôm

lần đầu tiên, đầu tiên

đôi chân tơ dừng bước

trước mặt hồ bao la

Trong bài, phần “ca” đã lấn át phần “thơ”.

Trong tập cũng còn có bài lép vì viết dễ dãi, vì “nói” bằng khái niệm chứ không “nói” bằng cách “nói” của thơ như: “Thành phố cần được thở”, có bài chịu ảnh hưởng của một số tác giả khác đã viết trước đó (Mưa chiều)...

Mặc dù còn điều này điều nọ, “Thơ thành phố Hồ Chí Minh 1975 - 2005” là một tập thơ chững chạc, phong phú của một đội ngũ thơ đông đảo và chuyển động không ngừng cùng với sự phát triển không ngừng của 30 năm thành phố được giải phóng.  

NGUYỄN BÙI VỢI

Tin cùng chuyên mục