Một con đường chinh phục thế giới

Việt Nam Fastfood

Việt Nam Fastfood

Tờ New York Times (Mỹ) mới đây đã đánh giá Việt Nam là “ngôi sao ẩm thực mới ở châu Á”. Nhiều du khách quốc tế cũng nhận xét, ẩm thực Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các nền ẩm thực lớn. Thế nhưng, con đường để ẩm thực Việt Nam lọt vào “Top ten” ẩm thực thế giới còn khá xa. Vì sao?

  • Ẩm thực Việt Nam lên ngôi

Bếp trưởng khách sạn 5 sao New World cho biết, trước đây, thực khách chỉ nhắc đến ẩm thực Thái, Hoa, Hàn..., nhưng gần đây họ đã bắt đầu quan tâm nhiều đến các món ăn Việt Nam bởi nó không quá béo như món Hoa, không quá cay như món Thái... Do điều kiện lịch sử và địa lý trải dài từ Bắc xuống Nam với 54 dân tộc anh em nên Việt Nam có một nền văn hóa ẩm thực cực kỳ phong phú. Mỗi miền có hàng trăm món ăn hấp dẫn riêng. Đây là thế mạnh không phải quốc gia nào cũng có.

Việt Nam Fastfood ảnh 1

Chạo tôm nướng mía. Ảnh: P.D.

Hiện nay, khá nhiều nhà hàng, khách sạn từ 3 – 5 sao ở các thành phố lớn, đặc biệt ở TP.HCM, Hà Nội, phục vụ các món ăn Việt Nam thuần túy, từ bình dân đến cao cấp đã tạo nên trào lưu ẩm thực Việt trong du khách quốc tế. Một số nhà hàng còn mở chương trình dạy nấu ăn cho du khách quốc tế như Khu du lịch Sài Gòn - Mũi Né có tour “Khéo tay hay làm”, khách sạn Rex có chương trình “Du khách vào bếp”... Bên cạnh đó, gần đây đã xuất hiện nhiều nhà hàng bán món ăn Việt Nam do người Việt làm chủ hoặc người nước ngoài quản lý ở nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Úc, Singapore, Nhật...

Gần đây nhất, để quảng bá ẩm thực Việt Nam, Đài Truyền hình CBS (Mỹ) đã đến Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM thực hiện chương trình dạy nấu ăn mang tên: “Let’s get cooking with Tommy Tang”, do đầu bếp nổi tiếng người Mỹ, gốc Hoa, Tommy Tang đảm trách.

Du khách Nhật khó tính trong ẩm thực cũng thừa nhận Việt Nam là “thiên đường” của mua sắm và ẩm thực. Bà Sachiko Hoshizawa, đầu bếp nổi tiếng của chương trình truyền hình STV (The Sapporo Television Broadcasting Co., Ltd) của Nhật từng dẫn hơn 50 học viên qua TP.HCM đi chợ Bến Thành và nhờ các đầu bếp khách sạn Omni hướng dẫn cách chế biến món gỏi ngó sen tôm, gỏi cuốn, bò lá lốt... Còn chị Shinobu vì mê món ăn Việt Nam nên mở trang web www.vietnamfood-net.com để dạy nấu món Việt Nam cho người Nhật.

  • Nhưng chưa có “thương hiệu”

Dù vậy, ẩm thực Việt Nam chỉ mới “đứng” được ở nội địa, chưa hội nhập và khẳng định thương hiệu trên thế giới. Ông Hà Kim Vọng, Hiệu trưởng Trường Đào tạo Du lịch Khôi Việt TP.HCM cho rằng, các nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài chưa thành công so với nhà hàng của các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc.

Các nhà hàng của Việt Nam ở Mỹ (California, New York, Texas...) gần như chỉ có cộng đồng người Việt ủng hộ. Khách quốc tế đánh giá “chiêu thức” quảng bá ẩm thực Việt Nam chưa được quan tâm một cách đúng mức, chưa bài bản và thiếu tầm. Mới đây, chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ có chiến lược đưa nền ẩm thực Thái đứng hàng thứ ba trên thế giới nhằm lôi kéo khách du lịch đến với họ.

Trong khi đó, hợp đồng của ta với Công ty Yan Can Cook Inc. (Mỹ) để quảng bá ẩm thực Việt Nam trên toàn thế giới qua các kênh truyền hình lớn của Mỹ, website của Yan Can Cook cho đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Con đường gần và nhanh nhất đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới là du lịch qua việc tổ chức những festival ẩm thực như Trung Quốc, Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan... từng làm. Ngay từ bây giờ, ẩm thực Việt Nam cần có một chiến lược quảng bá ẩm thực tại các hội chợ quốc tế về du lịch, song song với các sản phẩm du lịch khác. Nếu chưa có kinh nghiệm tổ chức, có thể thuê chuyên gia nước ngoài làm giúp, qua đó học hỏi kinh nghiệm. Mặt khác, phải có nhiều món ăn mang tính thương mại xuất khẩu theo kiểu fastfood của Âu, Mỹ.

Một vấn đề khá quan trọng là việc bảo lưu các món ăn. Muốn làm được điều này, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Du lịch – Khách sạn TP.HCM, cần có một viện nghiên cứu ẩm thực hoặc một bảo tàng ẩm thực trưng bày hiện vật, tài liệu, hình ảnh, công cụ và cách thức chế biến món ăn...

  • Fastfood made in Việt Nam
Việt Nam Fastfood ảnh 2

Cá tai tượng chiên xù - món ăn lạ với khách quốc tế. Ảnh: P.D.

Hiện nay có một số nhà hàng bán các món ăn Việt Nam theo kiểu fastfood. Ví dụ, vào nhà hàng Việt của khách sạn 5 sao New World, thực khách thích ăn chả giò (món “khoái khẩu” của khách ngoại quốc), sau 10 phút là đã có một phần chả giò nóng hổi, giòn rụm. Để làm được như vậy, các nhà hàng đã chế biến sẵn, khi khách yêu cầu, chỉ việc lấy ra chiên, hấp hoặc làm nóng lại.

Không riêng gì món chả giò, nhiều món khác như chạo tôm, chả cá, các loại cá viên, bánh xèo, bánh tôm, tôm lăn bột... cũng được chế biến sẵn kiểu như vậy. Mới đây, trên thị trường xuất hiện một loại fastfood Việt Nam chính hiệu, ngon hơn chả giò, đó là bánh xếp tôm cua. Theo chuyên gia ẩm thực – bếp trưởng khách sạn Continental Châu Tấn Hiệp thì bánh xếp tôm cua cũng có bún tàu, nấm mèo, hành tím, đậu xanh, thịt tôm - cua, cuốn rồi chiên, nhưng ăn lạ miệng, rất ngon.

Xí nghiệp Cầu Tre là đơn vị đầu tiên đưa nhiều sản phẩm fastfood ra thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Đặc biệt, mới đây, một doanh nhân người Việt tại California (Mỹ) đã nghiên cứu chế ra món phở Việt Nam ăn nhanh mang nhãn hiệu Việt Foods.

Người tiêu dùng chỉ cần mua một hũ keo phở rồi về pha chế theo công thức đính kèm là có một tô phở Việt Nam thứ thiệt, rất ngon với các hương vị bò, gà... (người ăn có thể cho thêm thịt chín, thịt tái, rau hành, giá sống, theo sở thích của từng người). Hiện nay, phở ăn nhanh của Việt Foods đã phân phối tới các trường học, trung tâm giải trí và những nơi có nhiều người Việt sinh sống như Canada, Úc.

Thế nhưng thức ăn nhanh Việt Nam mới chỉ dừng lại trong các nhà hàng, quán ăn, chợ hoặc một số ít xuất khẩu nhưng chưa thật phong phú, tiện lợi như sản phẩm của các tập đoàn thức ăn nhanh Lotteria, KFC, Chicken Town, Jollibee... Tại các thành phố lớn TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... chưa có những điểm chuyên bán fastfood của Việt Nam. Muốn xây dựng thương hiệu “Fastfood made in Việt Nam” các đầu bếp, nhà sản xuất thực phẩm phải ngồi lại với nhau để tìm ra những phương pháp, kỹ thuật chế tạo ra thức ăn nhanh. 

NGUYỄN TẤN VIỆT

Tin cùng chuyên mục