Chung tay xây dựng đất nước

Chung tay xây dựng đất nước

Dù sống xa đất nước nhưng hầu hết kiều bào người Việt hải ngoại - thường được gọi tắt là Việt kiều luôn ấp ủ ý nguyện góp phần xây dựng quê hương. Đặc san SGGP xin trân trọng giới thiệu một số gương mặt Việt kiều tiêu biểu đã có đóng góp cho quá trình phát triển của TP.HCM hôm nay.

  • Ông Nguyễn Như Khuê (Việt kiều Đức - Giám đốc Công ty RKW-Lotus): Kinh doanh để đóng góp cho xã hội
Chung tay xây dựng đất nước ảnh 1

Ông kể, trước khi về Việt Nam, ông đã thành đạt ở Đức, đặc biệt là 8 năm ở cương vị Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật của Tập đoàn nhựa và hóa chất (ICI). Sau ba mươi năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, việc ông trở về quê hương hoàn toàn không phải là “ngẫu hứng”. “Có lẽ do lời căn dặn của thầy Hiệu trưởng Trường PTTH Chu Văn An (TP.HCM), nơi tôi học năm xưa: “Nước ta còn nghèo lắm, các con ra đi đừng quên Việt Nam”, ông tâm sự...

Chưa có một dự định, một kế hoạch cụ thể khi trở về quê hương, cũng chẳng có ai mời về, nhưng lòng ông đã quyết. Tháng 4-1996, ông gom góp chút vốn liếng tích cóp thành lập Công ty Lotus chuyên sản xuất hạt nhựa PVC và thiết bị ngành nhựa tại TP.HCM, đưa công nghệ nhựa, kể cả nhựa trong xây dựng hiện đại về Việt Nam. Đến nay, sau 10 năm thành lập, Công ty Lotus của ông là một trong những công ty sản xuất bao bì có tầm cỡ trong nước, xuất khẩu tới 95% sản phẩm sang thị trường các nước trên thế giới và giải quyết được hàng trăm lao động. Ông còn chuyển giao công nghệ làm chai nhựa 4 lớp cho Công ty Nhựa Long Thành (TP.HCM). “Việt Nam đang cần công nghệ. Mà muốn có công nghệ thì phải có quan hệ với các nước tiên tiến để học hỏi. Trong thời buổi kinh tế tri thức, việc mở rộng quan hệ hợp tác càng quan trọng (net working). Chúng ta có lợi thế là có tới gần 3 triệu kiều bào ở khắp các nước trên thế giới”, ông nói.

Bên cạnh việc điều hành công ty ở Việt Nam và một số việc ở Đức, ông rất tích cực tham gia công tác xã hội. Ông bày tỏ: “Tôi thực tình làm kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận. Cái được lớn nhất hơn cả tiền bạc là đóng góp cho xã hội để người dân có đời sống tốt hơn, văn minh hơn. Cho nên, tôi dự định sẽ mở rộng sản xuất, đầu tư ở Việt Nam hơn nữa”.

  • Anh Bùi Quốc Phong (Việt kiều Pháp): “Cứu tinh” của bệnh nhân chạy thận
Chung tay xây dựng đất nước ảnh 2

Sinh ra ở Sài Gòn và qua Pháp sinh sống cùng gia đình từ năm 1976, ấn tượng về ngày giải phóng miền Nam trong anh vẫn chưa phai mờ: “Mình chưa từng chứng kiến một không khí hào hùng, hân hoan nào như ngày như ngày giải phóng miền Nam cách đây 30 năm, nhưng rất tiếc là mình chưa hưởng được nhiều thành quả ấy thì đã sang Pháp rồi”. Mãi đến 14 năm sau, anh mới có dịp trở lại Việt Nam nhưng chủ yếu là thăm thú đó đây, vui mừng vì quê hương đã đổi thay rất nhiều. “Ngay từ lúc ấy, mình thầm nghĩ là phải làm một cái gì đó cho quê hương, dù nhỏ cũng được”, anh tâm sự. Từ năm 1998, anh nghe tin có một hội đoàn mang tên ADM ở thành phố Lyon thường xuyên hoạt động nhân đạo giúp các nước nghèo, trong đó có Việt Nam. Vậy là anh liên lạc với ADM và bày tỏ mong muốn của mình.

Khi biết anh là kỹ thuật viên cao cấp của Bệnh viện Y khoa thực tập Saint Etienne (Pháp), thành viên ADM giới thiệu anh với bác sĩ Kiều Tiên. “Trong quá trình làm việc mình thấy có rất nhiều máy móc y khoa còn sử dụng tốt mà bệnh viện cũng như nhiều gia đình ở Pháp thải ra. Chẳng hạn máy chạy thận nhân tạo mới xài được một nửa tuổi thọ thì họ đã bỏ. Thế là mình xin về, chỉnh sửa lại và thông qua ADM gửi về Việt Nam”, anh cho biết .

Cứ lần mò từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, tính từ năm 2002 đến nay, anh đã chuyển về 65 máy chạy thận nhân tạo và nhiều máy móc y khoa khác cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Trung tâm Y tế Phú Nhuận, Bệnh viện tỉnh Cà Mau... trị giá cả chục tỷ đồng. Khi về Việt Nam, đi thăm các bệnh viện, anh rất băn khoăn về tay nghề của kỹ thuật viên các bệnh viện. Ý tưởng đào tạo kỹ thuật viên bệnh viện Việt Nam nảy ra trong anh. Được Ban Giám đốc BV Nhân dân Gia Định ủng hộ, đến nay nhiều kỹ thuật viên của các bệnh viện và các trung tâm y tế đã được anh huấn luyện.

  • Ông Lâm Vi (Việt kiều Canada): “Làm việc cho quê hương thì không đắn đo”
Chung tay xây dựng đất nước ảnh 3

"Tôi người gốc Hoa, sinh năm 1940 tại Sài Gòn, sang Canada năm 1979 và về nước năm 1990. Làm gì được cho quê hương thì làm không đắn đo”, ông nói vắn gọn.

Trở về đúng lúc đất nước đang tích cực mở rộïng thị trường ra các nước nên công việc làm ăn của ông ở Việt Nam khá thuận lợi. Năm 1998, ông thành lập Công ty Đại Vinh Hoa chuyên về kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Không chỉ làm ăn phát đạt, ông còn khuyến khích nhiều Việt kiều gốc Hoa khác về làm ăn cùng. Năm 2002, ông đứng ra kêu gọi thành lập Hội Doanh nghiệp Việt kiều gốc Hoa ở TP.HCM. Trong thời gian làm Chi hội trưởng, ông đã động viên và phát huy tiềm năng của Việt kiều gốc Hoa, không ngừng phát triển hội viên nhằm thúc đẩy công tác hội ngày càng phát triển.

Mặc dù vẫn còn mang quốc tịch Canada và vẫn thường xuyên đi đi, về về giữa Việt Nam - Canada nhưng ông không chỉ chí thú vào công việc làm ăn kinh doanh ở quê nhà, mà còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Ngoài việc làm cố vấn cho Hội Bảo trợ dạy môn Hoa văn của Hội quán Nghĩa An, ông còn là cố vấn của Hội Bảo trợ Hội Chữ thập đỏ quận 8, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 5 (2003 - 2008). Mới đây, ông được UBND TP.HCM trao tặng Bằng khen vì đã có nhiều công lao trong việc vận động kiều bào về quê làm ăn, gắn kết được kiều bào với quê hương đất nước. Nói về dự tính cho những hoạt động sắp tới, ông cho biết: “Bên cạnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ Công ty Đại Vinh Hoa, tôi đang dự kiến tìm hướng đầu tư ra nhiều địa phương khác như Nha Trang, Quảng Nam, Khu công nghiệp Dung Quất”.

  • Ông Nguyễn Văn Dục (Việt kiều Cộng hòa Séc - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cá kiểng Sài Gòn): “Nghĩ là làm”
Chung tay xây dựng đất nước ảnh 4

Ông vốn dân Thanh Hóa, sang Tiệp Khắc (nay là CH Séc) từ năm 1986. Đang định cư làm ăn yên ổn ở Cộng hòa Séc, ông đùng đùng trở về quê hương và chọn TP.HCM làm nơi “khởi nghiệp” khiến vợ con ông không khỏi băn khoăn. Bắt đầu từ một công ty cá kiểng, chọn vùng đất Củ Chi (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội) làm “trang trại”, ông cặm cụi sưu tầm từng con cá đem về nuôi, lai giống để làm cá kiểng, sau đó xuất bán cho thị trường các nước có nhu cầu. Những gia đình nào có cá kiểng, ông thu mua với giá cao; những nông dân nào muốn nuôi cá kiểng, ông hỗ trợ vốn và kỹ thuật để nuôi cho hiệu quả. Ông thuê hẳn 3 kỹ sư nông nghiệp người CH Séc chuyên về cá và chục công nhân tiếp thu kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá. Qua 6 năm, đến nay, Công ty Cá kiểng Sài Gòn là một trong những công ty chuyên về cá kiểng lớn, có tiếng ở TP.HCM.

Bây giờ, ngoài công việc nuôi cá kiểng ở Việt Nam, ông vẫn thường xuyên qua Cộng hòa Séc để điều hành công việc làm ăn. Ông nói: “Tính tôi nghĩ là làm nhưng cũng chưa làm được gì đáng nói. Vậy mà, vừa qua UBND TP.HCM tặng bằng khen cho tôi vì có thành tích đóng góp cho thành phố, điều đó khiến tôi cảm động và sẽ cố gắng hơn nữa để có thể góp phần xây dựng thành phố, xây dựng quê hương”.

  • Ông Hoàng Ngọc Phan (Việt kiều Mỹ-Hiệu trưởng Trường đào tạo Việt-Mỹ): “Không thể thất bại trên quê mẹ”
Chung tay xây dựng đất nước ảnh 5

Mặc dù trở về Việt Nam từ năm 1992 và tham gia vào một số lĩnh vực kinh doanh nhưng gần đây ông được biết đến nhiều trên lĩnh vực giáo dục. Bạn bè ông lấy làm lạ khi một người lãng tử, từng tốt nghiệp ngành báo chí, Viện Đại học Đà Lạt trước những năm 1975 nay lại thành đạt trong việc mang “công nghệ” giáo dục Mỹ về Việt Nam. “Tôi nghĩ chẳng lẽ mình thành đạt nơi xứ người mà lại thất bại ở quê hương? Nhất là khi chủ trương chính sách đã mở rộng hơn nhiều, thông thoáng hơn nhiều”, ông nói. Chính từ suy nghĩ ấy, bằng cách nghĩ mới, táo bạo, ông đã thành lập Trường Đào tạo Việt-Mỹ.

Ông là người đầu tiên mạnh dạn mời giáo viên chuyên nghiệp của nước ngoài về giảng dạy hai ngành nghề chủ yếu là Anh văn kết hợp với vi tính. Bên cạnh đó, ông còn tổ chức liên kết với Trường Đại học Cambridge  nổi tiếng nước Anh để mở “Trung tâm Khảo thí nghiệp vụ quốc tế Cambridge” tại Việt Nam thực hiện đào tạo các chương trình nghiệp vụ của Cambridge cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Năm 1994, Trường Đào tạo Việt-Mỹ chỉ có khoảng 100 học viên với một cơ sở duy nhất ở TP.HCM thì nay con số học viên là 9.000 tại 23 cơ sở trên khắp cả nước. “Mục đích cao nhất của giáo dục là trồng người”, ông tâm sự. Vẫn mang quốc tịch Mỹ nhưng với ông, Việt Nam là máu  thịt.

  • Ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Úc, Chủ nhiệm CLB Việt kiều): “Tôi muốn kết nối doanh nghiệp Việt kiều với quê hương”
Chung tay xây dựng đất nước ảnh 6

Bạn bè ông thường bảo: “Thằng cha này nói được, làm được”. Sự thực, ông làm được khá nhiều việc cho đất nước. Sinh năm 1950 tại Hà Tĩnh, năm 1978 ông sang định cư ở Úc. Sau nhiều năm lăn lộn, khá thành đạt ở xứ người nhưng ông luôn khao khát được trở về quê nhà để chuyển giao những gì mình học được về công nghệ xây dựng của Úc cho đất nước.

Năm 1992, khi là thành viên thường trực của Hội đồng Thương mại Úc, ông trở về Việt Nam theo đoàn đại biểu do Bộ trưởng Thương mại Úc dẫn đầu để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trở lại Úc, ông mời gọi được một số công ty Úc hợp tác đầu tư ở Việt Nam. Tháng 3-1993, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Xây dựng Việt Nam-Australia (VABIS GROUP) do ông làm Tổng Giám đốc thành lập. Đây là công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng đầu tư tại Việt Nam và đã đóng vai trò tư vấn giúp  Bộ Xây dựng soạn thảo Bộ luật Xây dựng. Năm 1995, VABIS GROUP đã kết hợp với Trường Kỹ thuật Xây dựng số 7 tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ tiên tiến cho công nhân, kỹ sư Việt Nam.

Không thỏa mãn với việc xây những ngôi nhà khang trang cho người dân Việt Nam, năm 1997 ông mở rộng đầu tư sang lĩnh vực vui chơi giải trí. VABIS GROUP đã tham gia nâng cấp sân vận động Lam Sơn ở Vũng Tàu thành một sân vận động hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc gia và tổ chức môn đua chó ở đây. Đến năm 1999, ông lại kết hợp với Sở Thể dục Thể thao TP.HCM phục hồi môn đua ngựa ở trường đua Phú Thọ.

Nhằm tạo ra cầu nối giao lưu, giữa anh chị em Việt kiều ở hải ngoại với các nhà doanh nghiệp và các cấp chính quyền trong nước, tháng 3-2001, ông thành lập  CLB Doanh nghiệp Việt kiều và làm chủ nhiệm. Qua 4 năm hoạt động, CLB đã tổ chức được hơn 150 cuộc tọa đàm, hội thảo về lĩnh vực hoạt động đầu tư và thương mại xuất nhập khẩu.

Với những đóng góp đáng kể của ông trong lĩnh vực xây dựng, năm 1998 Bộ Xây dựng Việt Nam đã trao tặng ông Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng. Năm 2001, ông lại được Huy chương Vì sự nghiệp khuyến học của Hội Khuyến học Việt Nam; Năm 2004, nhận Bằng khen của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) vì đã có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Cũng trong năm 2004, ông được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng danh hiệu Vinh danh nước Việt vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp tuyên truyền vận động người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia các phong trào thi đua góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nói về dự định sắp tới, ông bộc bạch: “ Tôi sẽ thiết lập các CLB Việt kiều trong nước và ở nhiều nước trên thế giới để nối kết kiều bào với quê hương”.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục