Cựu binh Mỹ sau cuộc chiến Việt Nam

Nỗi ám ảnh mãi mãi

Nỗi ám ảnh mãi mãi

Ba mươi bảy năm về trước, hai tuần trước ngày nổ ra cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, Bill Green, một thanh niên Mỹ sống ở San Francisco, cùng nhiều tân binh trẻ măng như anh đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. 12 tháng sau, với 3 huy chương Trái tim tím gắn trên vạt áo quân phục, anh ta lên đường trở về nước nhưng cuộc sống của Bill Green đã thay đổi hoàn toàn cho mãi đến ngày nay.

Đầu tháng 3-2005, Bill Green đã cố vực mình ra khỏi “thế giới” riêng nơi anh tự giam mình vào suốt thời gian qua để tâm sự cho đám đông thanh thiếu niên Mỹ muốn tìm hiểu về những “chuyện gì đã xảy ra ở Việt Nam?”.

Đêm nào cũng vậy, Bill Green tỉnh giấc hai lần để đi rảo quanh căn nhà mình tại thị trấn Albany. Đèn bật sáng choang vì Bill muốn chắc không có kẻ xa lạ nào đó đã đột nhập vào sân sau. “Bạn có thể gọi là tôi điên loạn nhưng chúng tôi, những cựu binh từ Việt Nam trở về thì gọi đó là tuần tra đêm”, cựu sĩ quan Bộ binh Mỹ 57 tuổi này nói.

Nỗi ám ảnh mãi mãi ảnh 1

“Vì khi đã đến đó, trải qua cuộc chiến ở đó thì bạn không thể có lại được một cuộc sống bình thường như mọi người nữa. Cuộc chiến ấy đã thay đổi bạn mãi mãi một cách không thể tưởng tượng nổi. Càng lớn tuổi hơn, bạn càng dành nhiều thời gian nghĩ, nhớ và khắc khoải về nó hơn. Và rồi bạn tìm ra được những hình ảnh, những chi tiết thật nhỏ nhưng đã là những yếu tố tác động đến sự thay đổi hoàn toàn nơi con người bạn”.

Ngồi cạnh Bill Green là bạn thân lâu năm của ông ta, Mike Martin. Năm nay, Martin 56 tuổi, sống ở Danville và vẫn thích nghe những ca khúc pop, rock thời cách nay hơn 30 năm vẫn thường được phát lại bởi Đài KFRC. Năm 1969, Mike là sĩ quan thuộc ban hậu cần Hải quân Mỹ, làm việc tại Đà Nẵng. “Nhưng thỉnh thoảng, có tháng một lần, có tháng hai lần, nửa đêm bừng tỉnh tôi vẫn thấy mình toát mồ hôi hột. Thỉnh thoảng, nghe lại một ca khúc phản chiến, chẳng biết vì sao, tôi lại khóc”, Martin kể.

Bill Green và Mike Martin là hai cột trụ sáng lập nên Hội Cựu binh Việt Nam tại Diablo Valley. Hội hiện gồm khoảng 150 người, đều đặn đến các trường đại học và trung học ở Mỹ để nói cho sinh viên, học sinh về “Chiến tranh Việt Nam”. Một lần nọ, sau khi nói chuyện chuyên đề này cho sinh viên Trường Los Positas College ở Livermoore, nữ giáo sư tâm lý học Cynthia Ross đã hỏi Green và Martin có quen biết cựu binh nào bị hội chứng Chiến tranh Việt Nam (Post traumatic stress disorder - PTSD) thì mời đến tâm sự cho các học sinh của bà. “Bà đang nói chuyện với hai trong số những người ấy đấy”, Green nói.

“Chúng tôi trở về lành lặn thân thể nhưng thương tổn tinh thần. Chúng tôi tưởng đã cất kín ký ức chiến tranh vào đáy tủ nhưng rồi 20 năm sau, 30 năm sau nó vẫn trồi lên”, Mike Green nói, “Những gì đã được mô tả về PTSD trong một vài phim truyện và phim tài liệu là đúng, là có thật nơi rất nhiều cựu binh trở về từ Việt Nam”.

Không phải cựu binh nào cũng có thể trấn tĩnh được mình mà kể lại chuyện xưa. Có người đồng ý tâm sự nhưng khi ngồi trước các bạn sinh viên trẻ thì chẳng nói được gì mà chỉ khóc. Có người chỉ kể được một chuyện năm xưa rồi im bặt. “Kìm giữ mình hàng ngày khi sống với gia đình riêng không cho ác mộng chiến tranh vụt lên đã là sự đấu tranh dài lâu của mỗi người chúng tôi”, Martin nói.

Nhưng cử tọa, toàn những chàng trai, cô gái mặt còn búng ra sữa cũng ngồi như bất động. “Khi cựu binh không kể được nữa, nước mắt đã bắt đầu rơi thì các bạn trẻ cũng xúc động mạnh. Bạn có thể nghe được cả tiếng cây kim sắt nhỏ rơi xuống sàn”, nữ giáo sư Ross nói.

Bà cho biết các cựu binh thường kể rằng họ đã là những con người như thế nào khi từ Mỹ bay sang Việt Nam, đã làm gì ở đó, tại đâu và rồi đã trở thành những con người như thế nào sau khi rời chiến trường Việt Nam. “Tôi đã ‘in country’ (từ lính Mỹ thường dùng để chỉ việc họ tham chiến tại miền Nam Việt Nam) 12 tháng ở vùng cao nguyên. Có những giai đoạn kéo dài 30 ngày tôi chẳng nghe tiếng súng nào cả nhưng có những giai đoạn mà lúc nào tôi cũng phải tránh đạn bắn đến từ nhiều hướng”, Mike Green kể.

Ở một cách nào đó, Mike Green chưa hề rời khỏi chiến trường Nam Việt Nam. Ông ta tránh xa các đám đông. Khi đi dạo trong công viên mắt ông ta dáo dác như tìm kiếm các tay bắn tỉa đang rình rập, đe dọa. Bước vào nhà hàng, ông ta luôn chọn chỗ ngồi sao cho lưng của mình phải áp vào tường, mặt đối diện với cửa. Đừng có ai dõi bước ngay sau lưng ông ta vì như thế có thể sẽ bị ông ta quay phắt lại gạt té nhào.

“Khi đến Việt Nam tôi mới 22 tuổi và khi rời Việt Nam tôi mới 23 nhưng 12 tháng ở đó đã thay đổi từng ngày một trong phần đời còn lại của tôi”, Martin tâm sự.

Green mặc bộ đồ trận màu xanh khi lên máy bay trở về Mỹ. Hạ cánh xuống Seattle lúc 5 giờ 30 sáng, Green chờ đến 11 giờ trưa thì bay về nhà ở San Francisco. 2 giờ chiều, Green đến nơi, ghé vào quầy bar ở sân bay gọi ly rượu. “Nhưng người ta đã không chịu phục vụ vì không tin rằng tôi đã đủ tuổi được uống rượu mạnh”, ông kể.

(Theo San Francisco Chronicle 8-3-2005)
HUY VĂN

Tin cùng chuyên mục