Tự tin chìa khóa của thành công

Tự tin chìa khóa của thành công

Ngày 24-3-2005, ba gương mặt đại diện khu vực phía Nam lên đường ra Hà Nội gặp gỡ Thủ tướng nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26-3, đồng thời gặp gỡ 7 nhân vật của đại diện phía Bắc trong “Liên hoan 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2004” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bình chọn. Cả 3 gương mặt đều có một điểm chung: Rất tự tin! Đó có phải là chìa khóa giúp họ thành công?

  • Nguyễn Việt Hoàng - Học – chơi đều hết mình
Tự tin chìa khóa của thành công ảnh 1

Nguyễn Việt Hoàng (x) cùng bạn bè và thầy cô giáo tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Bé nhất đoàn nhưng Nguyễn Việt Hoàng tỏ ra không hề “kém cạnh” đàn anh, đàn chị với bảng thành tích dài dằng dặc mà mới nhất là giải Thủ khoa cuộc thi toán quốc tế tổ chức tại Ấn Độ   tháng 09 năm 2004 - vượt qua 16 đồng đội trong nước và 134 bạn nhỏ của 11 nước khác - giành trọn số điểm tuyệt đối 15/15!

Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Việt Hoàng là cậu bé rất đỗi tự tin. Cậu khẳng định: “Con ngoại giao tốt lắm!”. Khi được hỏi vì sao và nhờ đâu em tự tin như vậy, trước hay sau khi đạt được các thành tích xuất sắc trong học tập? Việt Hoàng nhanh nhảu trả lời: “Tự tin phải có trước, thành công sẽ đến sau”.

Nguyễn Việt Hoàng sinh ngày 24-6-1993 hiện là học sinh lớp 6A8, Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, Q1. Cậu bé bảo “không thể nhớ hết” số lần đoạt giải trong các cuộc thi Vở sạch chữ đẹp do Sở Văn hóa Thông tin TPHCM tổ chức, kể cả giải Nét vẽ xanh cấp TP. Cậu bé đa năng này còn rất mê chơi các môn thể thao như bơi lội, bóng rổ. Có lẽ vì thế mà không như hình dung của nhiều người, Nguyễn Việt Hoàng không hề chậm chạp, thụ động với đôi kính cận dày cộp mà rất linh hoạt. “Nhiều lúc mải chơi lắm” - cô Nguyễn Lan Hương, mẹ của Hoàng “méc” - “Được cái cháu chơi hết mình nhưng khi học cũng tự giác hết mình nên bố mẹ chẳng phải nhắc nhở nhiều”.

Rất mong đây chỉ là những thành công bước đầu của cậu bé bởi con đường của em còn rất dài.

  • Lâm Xuân Nhật Thích chu du để học hỏi
Tự tin chìa khóa của thành công ảnh 2

Sinh năm 1984, Sinh viên năm III khoa Công nghệ Thông tin trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, nhiều năm liền Nhật là Học sinh giỏi cấp Quốc gia, giải I cuộc thi HS giỏi Lý cấp TP, Huy chương đồng cuộc thi Olympic tin học Quốc tế, Cúp vàng cuộc thi Olympic tin học sinh viên, Siêu cúp cuộc thi Olympic tin học..., danh hiệu Thanh niên tiên tiến do Thành Đoàn bình chọn, “SV ba tốt” cấp TP năm 2003, SV tiêu biểu của ĐH Quốc gia, TPHCM Thanh niên tiên tiến cụm miền Đông Nam bộ năm 2004...

Làm quen và say mê vi tính từ năm lớp 4, bắt đầu lập trình từ lớp 10, được chọn vào lớp chuyên tin của Trường Phổ thông năng khiếu trực thuộc ĐH Quốc gia. Lâm Xuân Nhật còn rất giỏi ngoại ngữ, đã nhiều lần xin làm thông dịch viên cho các đoàn thể thao thành phố đi thi đấu nước ngoài. Tự tin, năng động và ngoại giao tốt nên Nhật còn được giao lo thủ tục giấy tờ cho cả đoàn, lo luôn việc tổ chức họp báo, rút thăm, xếp lịch thi đấu cho đoàn. Nhật cho biết, anh  thích đi như thế “chỉ để có dịp trau dồi ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp, chứ có khi phải bỏ ra đến 50% chi phí trong mỗi chuyến đi!”. Bằng cách đó, Nhật đã chu du được 6 nước.

Được học bổng loại giỏi ở năm I, II và học bổng xuất sắc ở năm III, Nhật đang cố gắng học tốt hơn nữa để được giữ lại trường. Từng được một trường ĐH ở nước ngoài cấp học bổng đến 70% nhưng Nhật vẫn “chưa nghĩ tới vì sợ sẽ nhớ nhà!”. Xem ra, anh chàng giỏi giang, “to xác” (vì rất mê chơi bóng chuyền, từng được cử đi thi đấu 2 lần “Giải bóng chuyền bãi biển” tổ chức ở Phillippines và Trung Quốc) – này cũng đa sầu, đa cảm lắm.

  • Nguyễn Ngọc Thuần đi lên từ “tay trắng”

Tôi không gọi Nguyễn Ngọc Thuần là người may mắn. Bạn bè thân hay trêu đùa anh là thi sĩ bởi anh hay tham gia các cuộc thi viết khắp từ Nam chí Bắc. Thi sĩ  thì rất nhiều nhưng người hễ viết là giật giải, mà lại là giải cao, thì chẳng có mấy ai, nhất là chẳng thể gặp may nhiều lần đến vậy.

Tự tin chìa khóa của thành công ảnh 3

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần.

Tôi thích gọi Thuần là anh chàng mơ mộng hơn bởi vì văn anh đẹp mơ màng và ngọt ngào như những bài thơ.

Tôi gọi anh là người kiên cường, bởi quả thật từ hai bàn tay trắng đúng nghĩa, anh đã lừng lững đi lên, trong một khoảng thời gian không dài.

Tôi gọi Thuần là người có bàn tay phép màu, bởi hễ anh đã chạm tay vào việc gì thì việc ấy thành công, tương đối hoặc tuyệt đối.

So với nhà văn ngũ đoản Kim Dung của Trung Hoa thì tôi gọi Nguyễn Ngọc Thuần là nhà văn ngũ trường bởi anh cao và lêu đêu đến nỗi vẫn thường tự “mặc cảm” về cái sự cao của mình. Bạn bè nói anh là người chưa bao giờ quan tâm đến cân đo, còn kháo rằng khi anh đậu vào Trường ĐH Mỹ thuật, trường này phải đập cổng để nới thêm chiều cao (!).

Tôi gọi Thuần là người kỳ quái bởi những đam mê, đeo đuổi lạ kỳ riêng anh.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, anh thi vào ĐH Mỹ thuật TPHCM, trầy trật vài lần mới được chính thức bước vào với số điểm khiêm tốn nhờ ưu tiên vùng sâu vùng xa. Vậy mà từ năm II trở đi, các bài hình họa của anh thường “bị” nhà trường giữ lại làm bài mẫu giảng dạy cho sinh viên các năm sau.

Tôi gọi Nguyễn Ngọc Thuần là anh chàng chân dài, không chỉ ở nghĩa đen. Cùng một xuất phát điểm nhưng anh luôn lao lên như một mũi tên so với bạn bè. Hơn rất nhiều người ở số lần ngã quỵ, nhưng rồi lại thấy anh lầm lụi đứng lên bước tiếp với những bước thật dài và còn vội vã hơn hôm qua.

Tôi gọi Nguyễn Ngọc Thuần là người hào phóng trên trang viết, bởi anh sẽ cắt bỏ ngay không chút tiếc nuối nếu bạn bè chỉ ra cho anh những chỗ chưa thật hay, những đoạn lẩm cẩm, dư thừa. Và bản thảo hôm sau - khi đã sửa xong - bao giờ cũng tuyệt hơn hôm trước. Tôi cũng gọi anh là người keo kiệt vì anh hay cắt xén những giấc ngủ, những giấc mơ của chính mình để thao thức, mơ màng trên từng trang viết.

Tôi còn gọi Thuần là anh chàng lớ ngớ  khi anh lý sự rất giỏi trên trang văn, nhưng chỉ trên trung bình nếu phải diễn đạt chúng bằng lời!

Thuần thực sự viết chưa nhiều, số đầu sách anh viết cho đến nay có thể đếm trên đầu ngón tay nhưng hầu hết đều nhận được các giải thưởng lớn trong nước.

Nguyễn Ngọc Thuần sinh năm 1972 tại Hàm Tân, Bình Thuận; Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TPHCM năm 2003, hiện là họa sĩ trình bày báo Tuổi Trẻ, rất say mê âm nhạc, nghệ thuật đương đại, đặc biệt là phim ảnh. Anh đang ấp ủ dự định làm phim ngắn và cho biết hiện đang có trong tay ít nhất 2 kịch bản (phim dài) hoàn chỉnh, đang ngóng chờ một Tử Kỳ để hợp tác cùng anh nhảy sang  lĩnh vực mới đầy thử thách này.

SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục