400 doanh nghiệp dệt may tìm kiếm cơ hội giao thương tại Việt Nam

Ngày 23-2, ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương cho biết, có hơn 400 doanh nghiệp đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia kết nối giao thương, tìm kiếm đơn hàng với doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ tìm kiếm đơn hàng nhập khẩu
Nhiều doanh nghiệp dệt may đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ tìm kiếm đơn hàng nhập khẩu

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành Dệt may và Công nghệ Dệt may 2024 diễn ra từ 28-2 đến 1-3 tại TPHCM. Cũng theo ông Lê Hoàng Tài, tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam năm 2023 giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD. Ngoài những nguyên nhân khách quan là xung đột địa chính trị, lạm phát gia tăng, sức mua toàn cầu giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu… thì xu hướng thương mại xanh với nhiều rào cản kỹ thuật mới cũng làm suy giảm lượng đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.

f26385af7174a62aff651.jpg
Nhiều doanh nghiệp dệt may đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ tìm kiếm đơn hàng nhập khẩu

Do vậy, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỷ USD vào năm 2024, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Công thương đã làm việc với hơn 400 doanh nghiệp đến từ 16 quốc gia vốn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc... để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi đơn hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Để thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số, sử dụng nguyên liệu tái chế... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí, nâng cao năng suất tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng.

Ở khía cạnh khác, bà Wendy Wen, Giám đốc điều hành Công ty Messe Frankfurt Hồng Kông cho biết thêm, nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế đã và đang mở rộng hoạt động sang Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa vốn đã phát triển mạnh mẽ. Hơn nữa, việc là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA)… tiếp tục là những nền tảng tích cực cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục