
Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, hôm qua, 2-8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ở người đã họp triển khai các biện pháp cấp bách và ra thông báo về vấn đề này trên toàn quốc. Theo đó, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ở người chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương khẩn cấp triển khai 5 biện pháp phòng dịch cúm A H5N1.

Thứ nhất, Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người các cấp khẩn trương kiểm tra và chỉ đạo công tác giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ổ dịch gia cầm, các trường hợp người mắc cúm A H5N1, cách ly và xử lý triệt để, không để dịch bùng phát và lan rộng.
Thứ hai, Bộ NN-PTNT, Bộ Thương mại, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, UBND các tỉnh thành kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, mua bán, vận chuyển sản phẩm gia cầm, gia cầm tại cửa khẩu biên giới.
Thứ ba, UBND các tỉnh thành chỉ đạo dự trữ đủ hóa chất khử khuẩn, thuốc men, thiết bị, sẵn sàng đề phòng dịch xảy ra.
Thứ tư, ngành y tế tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới, chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân cúm, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Thứ năm, các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường cảnh báo nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, hiện nay dịch cúm gia cầm đã lan rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là một số nước Đông Nam Á (Thái Lan, Lào). Việt Nam hiện đang ở thế bị bao vây bởi dịch cúm gia cầm, kể cả cúm gia cầm trên người. Nguy cơ biến chủng của virus cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ người sang người và khả năng bùng phát dịch cúm trên người là rất cao trong mùa đông-xuân tới.
Ngày 2-8, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Đậu Ngọc Hào cho biết, Cục Thú y sẽ chủ trì tổ chức tiêm phòng vaccine đợt 2 cho đàn gia cầm kể từ ngày 15-8.
Đến nay, ở ĐBSCL vẫn chưa phát hiện tình trạng tái phát dịch cúm gia cầm, tuy nhiên nguy cơ vẫn còn rất cao vì ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa hè-thu. Hiện tại Chi cục Thú y Cần Thơ đã bố trí 2 trạm kiểm dịch trên bộ tại ngã ba Lộ Tẻ (Thốt Nốt), bến phà Cần Thơ và một trạm kiểm dịch trên sông tại vàm Ninh Kiều. Hơn 1,4 triệu con gia cầm đã được tiêm phòng trong đợt 1-2006, ngành thú y đang chuẩn bị tiêm phòng đợt thứ 2.
Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện nghiêm việc cấm nhập gia cầm qua biên giới. Tỉnh Kiên Giang và Campốt (Campuchia) phối hợp lập các trạm kiểm soát khu vực biên giới tại Hà Tiên và Kiên Lương để ngăn chặn việc xuất nhập lậu gia cầm.
Chi cục Thú y Kiên Giang đã thiết lập đường dây nóng phòng chống dịch cúm gia cầm qua số điện thoại 077.800115 và 0913103555 của chi cục trưởng. Tuy nhiên, ông Đinh Công Thận, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang vẫn bức xúc: Tình trạng bán đồng, mua đồng để chăn nuôi vịt tràn lan thì việc tái đàn vịt chạy đồng ở ĐBSCL là điều không thể tránh khỏi. Chính quyền cấp ấp, xã, huyện không nhúng tay vào làm thật mạnh thì khó mà ngăn cản được.
* 2 đàn vịt ở Tây Ninh chết hàng loạt
Ông Huỳnh Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết, mới đây Chi cục Thú y tiếp nhận mẫu do 2 hộ nuôi vịt ở Tây Ninh nhờ xét nghiệm do số vịt nuôi chết khá nhiều. Sau đó, phối hợp với Chi cục Thú y Tây Ninh, Chi cục Thú y TPHCM đã đến 2 hộ nuôi vịt này để tìm hiểu và lấy mẫu xét nghiệm tiếp, nhận thấy đàn vịt giảm khá nhiều (từ trên 1.000 con như lời khai ban đầu xuống còn vài trăm con).
Chi cục Thú y TP đã chuyển các mẫu này đến Trung tâm Thú y Vùng TPHCM xét nghiệm để có kết quả cụ thể.
Q.P. - B.Đ. - V.N.- C.P.