
Hưởng ứng Chỉ thị số 19/2005/CT của Thủ tướng Chính phủ về việc tiết kiệm điện, Báo SGGP đã có loạt bài đề cập đến tình trạng lãng phí điện tại thành phố Hồ Chí Minh và trong cả nước, đồng thời nêu ra những biện pháp và khả năng giải quyết tình trạng thiếu điện vào mùa khô (từ 13 đến 18-3-2006). Để mọi người dân có thể đóng góp ý kiến về một chủ trương lớn của Chính phủ, Trang Bạn đọc Báo SGGP mở mục diễn đàn “Hưởng ứng chủ trương tiết kiệm điện”. Trong số báo này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Dương Ngọc Tâm.

Mùa khô, trời mau sáng nên Công ty Chiếu sáng Công cộng cần điều chỉnh thời gian tắt, mở đèn cho thích hợp hơn.
Theo tính toán của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), toàn quốc có khoảng 1,3 triệu hộ gia đình đang sử dụng điện. Nếu mỗi hộ dân giảm sử dụng một bóng đèn 40W thì cả nước sẽ có thêm một nhà máy điện công suất 500MW, gần gấp ba lần Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên), tiết kiệm gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư.
Sự tính toán của EVN như nói trên có thể là không sai, nhưng tại sao lại chỉ tính “nếu mỗi hộ dân giảm sử dụng một bóng đèn…” mà không tính: “nếu mỗi cơ quan, đơn vị nhà nước…”. Chuyện phải nói ở đây là ai lãng phí điện?
Thực tế cho thấy các hộ dân sử dụng điện phải trả tiền điện hàng tháng theo lượng điện năng mình xài, nên trừ những người có nguồn thu nhập không chính đáng, những hộ ăn cắp điện, còn phần lớn bà con đều có ý thức tiết kiệm, sử dụng hợp lý các phương tiện điện gia dụng.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực tư nhân cũng vậy. Tình hình cạnh tranh trong hoạt động kinh tế hiện nay rất gay gắt, để khỏi tăng giá thành sản phẩm, tăng chi phí kinh doanh, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mình, các chủ tư nhân đều phải tính toán, quản lý chi li việc sử dụng điện.
Còn lại là khu vực chiếu sáng công cộng, khu vực các cơ quan, đơn vị nhà nước. Đây quả là những nơi xài điện “tự do”. Đèn đường được bật, tắt theo giờ định sẵn chứ không theo thời tiết, theo mùa, thành ra nhiều khi trời chưa tối đường sá đã “lên đèn” và lúc mặt trời lên cao cả sào, đèn vẫn sáng. Đó là chưa kể có đôi khi người có trách nhiệm “tắt - mở” kẹt việc gì đó, cả con đường sẽ “đèn không tắt bóng” suốt ngày đêm! Tại các công sở, đơn vị nhà nước việc xài điện càng “vô tội vạ” vì “cha chung không ai khóc”.
Ở không ít nơi, đèn (mỗi phòng, ban đều có ít nhất vài ba bóng đèn tuýp 1,2m), máy điều hòa không khí, quạt máy, tủ lạnh, bình nước nóng - lạnh,… hầu như được mở từ 7g - 7g30 đến 17g - 17g30 dù có người hay không, người nhiều hay ít (có khi để quên qua đêm); thậm chí có người còn tranh thủ “điện chùa” để nấu ăn, sạc pin…
Một “địa chỉ” cần được lưu ý nữa là khu vực gia đình quân nhân. Trước đây có lúc công luận đã lên tiếng về tình trạng sử dụng điện bất hợp pháp ở một số khu nhà gia đình quân nhân: câu móc điện, bẻ chì chỉnh lại đồng hồ điện… Tình trạng này hiện nay đãù giảm, nhưng chưa phải là hết. Chị K. là vợ của một sĩ quan quân đội, nhà ở trên đường Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), cho biết ở khu phố của chị vẫn còn khá nhiều hộ ăn cắp điện kiểu này; có nhà xài đủ thứ đồ dùng điện như máy lạnh, máy nước nóng, tủ lạnh, và cả nấu nướng bằng điện… mà mỗi tháng chỉ tốn vài chục ngàn đồng!
Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng, hưởng thụ những thành quả khoa học kỹ thuật của con người càng cao. Để giải quyết căn cơ nguồn điện cho đất nước, ngành điện chắc chắn phải tính toán đến việc nâng cao hơn nữa sản lượng điện hằng năm bằng cách khai thác, ứng dụng nhiều hơn nữa các nguồn năng lượng như nhiệt điện (than, khí), thủy điện và, trong tương lai, cả năng lượng nguyên tử.
Tuy nhiên, hiện nay đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn điện chưa đủ đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là vào mùa nắng nóng, việc tiết kiệm điện là điều mà mọi người dân, mọi ngành, mọi cấp phải làm. Và để thực hiện tốt Chỉ thị tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ, mỗi địa phương, mỗi cơ quan đơn vị, nhất là các đơn vị nhà nước, phải có kế hoạch với những biện pháp, chỉ tiêu cụ thể chứ không thể nói chung chung.
Ngành điện ở mỗi địa phương có trách nhiệm kiểm tra việc thực hành tiết kiệm này, đồng thời phải rà soát lại đội ngũ cán bộ, công nhân viên của mình để tránh tình trạng tiếp tay, làm lơ trước những vụ việc tiêu cực. Và cuối cùng chính quyền, các cơ quan, đoàn thể cần có cuộc vận động thường xuyên, lâu dài việc tiết kiệm điện trong các tầng lớp nhân dân. Đừng “đến hẹn lại lên”, tới mùa nắng, thiếu nước thiếu điện lại kêu gọi tiết kiệm!
DƯƠNG NGỌC TÂM
(phường 5 - quận 3)