Ngày 16-2 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội đã tổ chức thử nghiệm lễ khai ấn tại khu vực điện Kính Thiên. Sự việc này ngay lập tức vấp phải phản ứng dư luận. Có nhiều ý kiến nghi ngờ về ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long năm 2012 - 2014, được đưa ra làm căn cứ để thực hiện nghi lễ này có thật là ấn thời Trần? Và gay gắt hơn cả là những quan điểm xung quanh việc có hay không nên thực hiện nghi lễ đóng ấn và phát ấn tại khu di tích đặc biệt này.
Không ủng hộ việc khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long, đó là ý kiến nhận được sự ủng hộ của phần lớn các nhà khoa học, nhà sử học… đưa ra tại buổi tọa đàm khoa học về ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”- do Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức ngày 26-2, tại Hà Nội.
Theo GS khảo cổ học Tống Trung Tín, ban đầu khi phát ra hiện vật này người khai quật không nhận ra được ra đây là ấn mà chỉ thấy miếng gỗ bị vỡ thành 2 mảnh, một mảnh úp xuống. Sau nghiên cứu, đối chiếu, hiện vật đã được trưng bày giới thiệu. Mặt ấn hiện lên 4 chữ “Sắc mệnh chi bảo”. Ủng hộ quan điểm về ấn “Sắc mệnh chi bảo”có từ thời Trần, PGS-TS Hoàng Văn Khoán và nhà sử học Lê Văn Lan cũng đưa ra nhiều cứ liệu về sử học cho rằng ấn được vua Trần cho khắc khẩn cấp và dùng trong các trường hợp thưởng phạt khi có việc lớn.
Nhà nghiên cứu ấn chương có uy tín, PGS-TS Nguyễn Công Việt, lại có cái nhìn cẩn trọng hơn khi cho rằng cần phải định danh lại cho rõ hiện vật này. Theo ông, liệu có chủ quan khi nhận định hiện vật này bị vỡ làm hai, hay bản thân hiện vật này là nguyên gốc gồm có hai phần? Thêm nữa, ông cũng đặt ra giả định liệu hiện vật này có dùng với chức năng của một chiếc ấn hay chỉ dùng với góc độ của một tín vật
Cùng đó, rất nhiều ý kiến, cứ liệu cũng được đưa ra nhằm làm sáng tỏ hơn niên đại cũng như chức năng của hiện vật khảo cổ này, song phần lớn đều đồng tình với kết luận của GS Phan Huy Lê khi ông khẳng định đây là hiện vật có giá trị độc đáo, chưa từng có, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về chất liệu, niên đại cũng như công năng của nó để làm sáng tỏ câu chuyện xung quanh chiếc ấn gỗ này.
Vấn đề đặt ra là phát huy giá trị của hiện vật này thế nào? TS Hoàng Quốc Quân chia sẻ, rất nhiều lễ hội vừa qua được phục dựng như lễ tế Nam giao, lễ Tịch điền, lễ khai ấn Đền Trần… Việc này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều, khiến cho ý nghĩa ban đầu của lễ hội trở nên sai lệch vì thế thay vì hướng tới việc khai ấn và phát rộng rãi, nên khai thác chiếc ấn quý này theo cách khác như chế tác mô phỏng các vật lưu niệm chẳng hạn. Còn ông Lê Quốc Việt, nhà nghiên cứu Hán Nôm, gay gắt hơn khi cho rằng Hoàng thành Thăng Long không thiếu sự kiện, vì thế không cần phải đưa việc khai ấn ra để thu hút khách?
GS-TS Vũ Minh Giang cũng cho rằng nếu đúng là ấn “Sắc mệnh chi bảo” thời Trần thì giá trị hiện vật là vô giá cần phải trân trọng, nếu sử dụng bừa bãi thì chẳng mấy sẽ làm nó bị hư hỏng. GS Phan Huy Lê cũng nhấn mạnh việc không tán thành khai ấn. Ông nhấn mạnh “Sắc mệnh chi bảo” ở cấm thành thì không thể khai ấn, khai ấn của vua ở cấm thành là nghi thức, không thể là lễ hội. Khai ấn để cầu may, cầu quan… là không tán thành.
MAI AN