Ấn tượng nghệ thuật Trúc Chỉ

Không những mang đến cho giấy thêm “đời sống” mới để rồi thoát khỏi thân phận làm nền cho các thao tác sáng tạo, nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam do họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế, sáng lập cùng các cộng sự, còn được giao trọng trách thực hiện biểu tượng Ngọ Môn làm quà tặng Nhật hoàng và hoàng hậu trong chuyến thăm Cố đô Huế. 
Ấn tượng nghệ thuật Trúc Chỉ

Phép cộng truyền thống và đương đại

Tại vườn Trúc Chỉ (số 5 Thạch Hãn, TP Huế), với sự hướng dẫn, đồng hành từ các nghệ sĩ của Dự án nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam, một nhóm học sinh tiểu học và du khách đến từ TPHCM được hướng dẫn tỉ mỉ, lần lượt thực hiện các công đoạn: vẽ tranh, xeo giấy, đồ họa để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật Trúc Chỉ cho riêng mình. Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ, đây là hoạt động trải nghiệm, khám phá năng lượng sáng tạo của từng người, không chỉ về một nghệ thuật tạo hình mới mà còn là dấu ấn từ những giá trị 
văn hóa Huế.

Để tạo ra nghệ thuật Trúc Chỉ tiếp nối quy trình truyền thống, nguyên liệu cần có gồm: tre, rơm, chuối, mía… ngâm, nấu, rửa, nghiền, thu bột trước khi xeo giấy và chế tác hoa văn. Rồi từ tấm giấy ướt trên khung, người nghệ sĩ tác động lên bề mặt bằng các phương thức khác nhau nhằm thay đổi cấu trúc xơ sợi, tạo hiệu ứng thẩm mỹ. Điểm nhấn của quy trình này là kỹ thuật tạo áp lực nước, kết hợp nguyên lý chế bản đồ họa (in khắc kim loại và in xuyên) tạo nhiều lớp, nhiều sắc độ theo cấu trúc, bố cục và hiệu quả thị giác mong muốn.

Nghệ nhân có thể sử dụng áp lực nước như “bút vẽ” sáng tạo trên giấy ướt. Đây là điểm khác biệt, tạo nét đặc trưng và độc đáo mà Trúc Chỉ tạo dựng được trên nền tảng tiếp biến, vận dụng các nguyên lý, kỹ thuật theo phương thức mới khoa học và sáng tạo. Đó chính là thành quả nghiên cứu độc lập của họa sĩ Phan Hải Bằng với đề tài “Nghiên cứu chế tác giấy từ các nguyên liệu địa phương, ứng dụng vào giảng dạy, học tập và sáng tạo nghệ thuật” cùng với các thử nghiệm đầu tiên từ năm 2000.

Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ, Trúc Chỉ là chuỗi nỗ lực thay đổi quan niệm về khái niệm “giấy”, làm cho giấy thoát khỏi thân phận làm nền cho các sáng tạo khác, trở thành tác phẩm nghệ thuật tự thân, độc lập mang ngôn ngữ đồ họa rõ nét và có khả năng đối thoại, ứng biến với các loại hình nghệ thuật, chất liệu khác cho sáng tạo truyền thống cũng như đương đại. Đó là phép cộng giữa truyền thống và đương đại, giữa một cá nhân và tập thể họa sĩ, nhà văn hóa để xây dựng, giới thiệu một khái niệm mới, một giá trị mới, một thuật ngữ mới với 2 quy trình nối tiếp nhau để hình thành một tác phẩm đồ họa Trúc Chỉ. Từ đây, Trúc Chỉ góp thêm cho Huế một giá trị mới - kiểu trước đây có giấy dó, nay có thêm Trúc Chỉ.

Chinh phục thế giới

Hội đồng Quản lý Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng đã quyết định trao Giải thưởng Sáng tạo Lê Bá Đảng năm 2022 cho họa sĩ Phan Hải Bằng với nghệ thuật Trúc Chỉ như một phát minh về chất liệu. Đó là một điểm nhấn điểm xuyết cho Trúc Chỉ khi đã kịp tạo dựng những dấu ấn tiêu biểu qua các tác phẩm: Hào khí Thăng Long tại Văn phòng Chính phủ; Vọng niệm thuộc Dự án Nghệ thuật đường hầm Nhà Quốc hội 2018; triển lãm Đồng vọng - Dấu ấn Mỹ thuật Chúa Nguyễn trên Trúc Chỉ tại Đại nội Huế 2015; các triển lãm Trúc chỉ - Lời của sông (năm 2016-2017) tại Hà Nội và Đà Nẵng, Trúc Chỉ - Điện Long An tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế 2016, dự án Nghệ thuật Overseas (Bảo tàng Confluences Lyon, Pháp, 2018)…

Học sinh trải nghiệm vẽ tranh, seo giấy, đồ họa để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật Trúc Chỉ cho riêng mình tại vườn Trúc Chỉ

Đặc biệt, tại cuộc thi do Tạp chí Graphic Design USA (Mỹ) tổ chức, quy tụ gần 10.000 tác phẩm tham gia, bộ poster liên hoàn vở tuồng cổ San Hậu với nghệ thuật Trúc Chỉ đã đoạt giải thưởng American Graphic Design Award 2017 (Giải thiết kế đồ họa Mỹ) ở hạng mục Student design (sinh viên thiết kế). 

Họa sĩ Nguyễn Phước Nhật (TP Huế) nhìn nhận, đặc tính Trúc Chỉ là sự phong phú, linh hoạt về biểu hiện của nhiều loại xơ sợi; của hệ thống sắc độ, sắc nhị… tinh tế theo thứ lớp dày mỏng mà nghệ thuật và đồ họa Trúc Chỉ mang lại, trở nên thu hút, gợi cảm hứng cho người xem. Trúc Chỉ cũng đáp ứng yêu cầu của nghệ thuật ứng dụng ở các loại hình như: thiết kế sản phẩm, nội ngoại thất, trang phục, thời trang, trang sức… Đặc biệt là kết hợp với các làng nghề thủ công truyền thống để cho ra đời những nghệ phẩm độc đáo.

Trên hành trình phát triển, Trúc Chỉ luôn mang đến những bất ngờ về khả năng sáng tạo và ứng dụng vào đời sống. Sự sáng tạo ấy được trao truyền và tiếp nối bởi những nguồn năng lượng mới từ thế hệ trẻ. Đặc biệt, với kỹ thuật tạo tác của Trúc Chỉ, người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo với nhiều chủ đề, sắc thái biểu đạt phong phú, mang đến cho người xem sự mới mẻ, linh hoạt từ chất liệu, phương thức thể hiện cho đến các hiệu ứng với ánh sáng, nhất là hơi hướng và tinh thần truyền thống. 

Họa sĩ Phan Hải Bằng chỉ nhận mình là người kết nối các giá trị đã có với nhau bằng tâm thức người sáng tạo, với ý niệm và nỗ lực tạo dựng một giá trị mới trên nền tảng truyền thống. Ông mong mỏi: “Chỉ ước mong khi nhắc đến Huế, bên cạnh cơm hến, áo dài, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, người ta biết còn có thêm Trúc Chỉ. Nhắc đến Việt Nam, ngoài giấy dó, giấy điệp, còn có Trúc chỉ”.

Trong hành trang rời Cố đô Huế của Nhật hoàng và hoàng hậu sau chuyến thăm mùa xuân 2017 là một món quà được làm từ nghệ thuật Trúc Chỉ. Ở đó, biểu tượng Ngọ Môn được thực hiện rất tinh tế, sắc sảo... Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ, nhận lời làm sản phẩm, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì nghệ thuật Trúc Chỉ được đánh giá cao, lo vì nghệ thuật xứ sở hoa Anh Đào vô cùng tinh tế; làm sao tạo ra món quà để nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản hài lòng không phải chuyện giản đơn. Thật bất ngờ, món quà đặc biệt ấy khiến hai vị quốc khách vô cùng ấn tượng và thích thú.

Tin cùng chuyên mục