Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 6

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 6

Sau khi tiến vào hướng bờ biển Việt Nam, trưa hôm qua 16-9, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã mạnh lên thành bão số 6. Tối 16-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,5 đến 11,5 độ vĩ Bắc; 113,5 đến 114,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 500 km về phía Đông.

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 6 ảnh 1

Sạt lở đường trên Quốc lộ 7 (Nghệ An).

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (khoảng 62- 74 km/ giờ), giật trên cấp 8. Dự báo sáng nay 17-9, bão số 6 sẽ ảnh hưởng đến vùng biển các tỉnh Trung bộ, Nam Trung bộ, di chuyển theo hướng tây tây bắc và mạnh thêm. Đây là cơn bão mới hình thành nên hướng di chuyển chưa ổn định và có diễn biến phức tạp. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa có gió xoáy mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

Chiều tối 16-9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương đã có Công điện khẩn số 52 CĐ/PCLBTW đề nghị các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các Bộ Thủy sản, GTVT không cho tàu thuyền ra khơi.

Các địa phương và cơ quan chức năng phải thông báo cho các chủ công trình trên biển, chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển có biện pháp phòng tránh hoặc chủ động di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão; đặc biệt đề phòng lốc xoáy cục bộ và nước dâng do bão. Bảo đảm an toàn cho cư dân vùng trũng, vùng nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản, du lịch và các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, bến cảng, đê biển, công trình đang thi công. Để đề phòng mưa to gây lũ quét cục bộ, các địa phương miền núi phải di dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn hồ chứa; tiêu nước chống úng cho lúa, hoa màu ở vùng trũng. Các cơ quan tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn duy trì lực lượng phương tiện, sẵn sàng ứng cứu và xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra…

Do ảnh hưởng của ATNĐ, những cơn mưa lớn từ ngày 14 đến 16-9 đã làm sạt lở nghiêm trọng một đoạn Quốc lộ 7 từ huyện Kỳ Sơn về huyện Con Cuông (Nghệ An). Trên đường dài gần 150 km đã có tới gần 100 điểm sạt lở với khối lượng đất đá bị sạt lở rất lớn, làm tê liệt tuyến giao thông từ biên giới Việt- Lào về TP Vinh. Đất đá và cây cối trên núi đổ xuống chắn ngang toàn bộ con đường nên không thể qua lại được. Công ty Công trình giao thông đường bộ tỉnh Nghệ An đã cho dọn dẹp đất đá, nhưng vì sạt lở lớn, có nơi giao thông bị tê liệt trong suốt 12 giờ liền. Việc sạt lở núi còn làm đổ khoảng 20 cột điện khiến liên lạc giữa các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông bị gián đoạn liên tục.

Trong khi đó, hơn 30 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận Quảng Trị bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, tại km 295+500 của nhánh Đông đường Hồ Chí Minh (xã Húc Nghì, Đakrông), trên 250m3 đất từ một quả đồi có độ cao gần 10 mét đã đổ xuống lòng đường. Tại Km 193+400 của nhánh Tây đường Hồ Chí Minh (địa phận xã Hướng Việt, Hướng Hóa), khoảng 300m3 đất đồi sạt lở đã lấp toàn bộ trên 100m đường, các phương tiện giao thông không thể qua lại được. Do khu vực này vẫn còn mưa nên chưa thể triển khai khắc phục hoàn toàn sự cố…

Đêm 15-9 và rạng sáng 16-9, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những trận mưa lớn trên diện rộng trong 4-5 giờ liên tục nên đã xảy ra ngập lụt ở nhiều nơi, gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của người dân. Trong đó, đáng kể là TP Đà Lạt: Nước xả ra từ hồ Xuân Hương làm ngập 308 căn nhà và gần 4 ha rau màu dọc 2 bên bờ suối Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Mạc Đĩnh Chi và ấp Ánh Sáng. Mưa lớn làm sập 2 căn nhà.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn Trung ương, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đang lên. Mực nước chiều 16-9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 4,27m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,8m, tại Long Xuyên là 2,2m, trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa là 1,95m. Như vậy, lũ ở ĐBSCL đã vượt mức báo động 3…

Vào lúc 0 giờ 30 ngày 16- 9, hàng chục hộ dân tổ 22, khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên (An Giang) đã hoảng hốt khi chứng kiến khoảng 150 m2 bờ kè Nguyễn Du kiên cố sụp xuống sông Hậu. Chính quyền địa phương đã yêu cầu 17 hộ dân sinh sống trong khu vực sạt lở di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và triển khai lực lượng túc trực 24/24 đề phòng các nguy cơ sụp lở tiếp diễn. Tính đến chiều 16-9, tổng diện tích bị sạt lở trong toàn tỉnh đã lên khoảng 50.000m2. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn 6 huyện, thị trong tỉnh Bạc Liêu đã có đến 10 người chết do sét đánh.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục