APEC 2006 – bước đột phá cả về ngoại giao và kinh tế

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14 đã kết thúc tốt đẹp, khép lại Năm APEC Việt Nam 2006 sôi động và nhiều thành công.

Bình luận về sự kiện này, giới truyền thông quốc tế cho rằng, đây là bước đột phá cả về ngoại giao và kinh tế của Việt Nam. APEC 2006 góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đây cũng là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu và chính sách đổi mới của mình, kêu gọi đầu tư và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại.

  • Ngày hội lớn của tình hữu nghị

Những ngày diễn ra Tuần lễ APEC 2006, Việt Nam trong không khí của một ngày hội lớn, trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Thủ đô Hà Nội tuy nhỏ bé, nhưng hết sức thanh bình và mến khách đã đón hơn 10.000 khách quốc tế, trong đó có các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, cùng hàng ngàn doanh nghiệp có tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới.

Thủ đô Hà Nội nhộn nhịp hẳn lên bởi cùng với 17 sự kiện của APEC, trong Tuần lễ cấp cao còn diễn ra 5 chuyến thăm hữu nghị chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Chile M.Bachelet, Tổng thống Mỹ G.Bush, Tổng thống Nga V. Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trong dịp này, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng có trên 30 cuộc tiếp song phương với lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên APEC. Riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có khoảng 20 cuộc tiếp xúc song phương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng có 12 cuộc gặp những người đồng nhiệm trong dịp hội nghị APEC.

  • Đóng góp lớn nhất của Việt Nam vào tiến trình hợp tác APEC

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Pascal Lammy là vị khách đặc biệt, bất ngờ có mặt tại Hà Nội, tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 18 và có bài phát biểu tại Hội nghị các Tổng Giám đốc doanh nghiệp APEC (CEO Summit). Chỉ điều đó thôi đã cho thấy APEC không chỉ có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế thế giới, mà còn có tiếng nói rất tích cực trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Và việc các nhà Lãnh đạo APEC ra Tuyên bố riêng về vòng đàm phán Doha, cho thấy mức độ quan tâm, mong muốn và quyết tâm của APEC trong việc thúc đẩy nối lại vòng đàm phán đang bế tắc này. Đưa ra một số biện pháp thiết thực nhằm khởi động lại vòng đám phán, như cam kết có thể linh hoạt trong lập trường hiện nay về các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, thuế công nghiệp, thương mại dịch vụ, Tuyên bố riêng về vòng đàm phán Doha còn là đóng góp quan trọng của chủ nhà Việt Nam trong vấn đề này, ngay sau khi trở thành thành viên WTO.

APEC Việt Nam 2006 còn được ghi nhận là Năm cải cách APEC, với việc xác định những định hướng cơ bản, lâu dài, nhằm tăng cường tính năng động, hiệu quả của APEC trong tương lai, trong đó tập trung nâng cao năng lực của Ban Thư ký APEC, cải tiến hoạt động của các nhóm công tác, nhóm chuyên đề của APEC; tăng cường tính liên kết ngang giữa các thành viên APEC, xây dựng các chương trình hành động có trọng tâm, trọng điểm, xác định thứ tự ưu tiên hợp tác trong APEC.

Đây thực sự là dấu ấn quan trọng của Việt Nam, vì cải cách APEC được đề ra từ nhiều năm trước, nhưng tiến triển chậm. Chỉ đến năm 2006, với những đề xuất của Việt Nam và sự phối hợp của các thành viên trong Nhóm bạn bè Chủ tịch SOM về Cải cách, những định hướng lớn về cải cách APEC đã được thông qua.

  • Tranh thủ cơ hội “vàng” từ APEC

Trong Tuần lễ APEC, đã có hàng chục hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng hợp tác giữa Việt Nam với các nước được ký kết, với trị giá nhiều tỷ USD. Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, “việc ký được bao nhiêu hợp đồng, con số là bao nhiêu trong dịp này là một kết quả tốt, nhưng cái chính là Việt Nam trở thành điểm hẹn hấp dẫn trong tương lai. Nếu chúng ta tiếp tục xây dựng hình ảnh Việt Nam thật sự hấp dẫn, thuận lợi cho các nhà đầu tư, thì con số tỷ tỷ USD sẽ có trong tương lai, ngày càng nhiều nhiều”.

Tuần lễ APEC 2006 đã kết thúc thành công, khép lại một năm đầy sôi động và hiệu quả của chung APEC và của riêng Việt Nam. Nhưng những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp về một đất nước Việt Nam đổi mới, đang phát triển năng động, giàu bản sắc văn hóa và mến khách, sẽ còn mãi trong lòng bạn bè quốc tế.

Theo TTXVN

Tin cùng chuyên mục