Ba gương mặt văn nghệ sĩ anh hùng

Đó là nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà văn Nguyễn Thi và nhà thơ Lê Anh Xuân vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ba gương mặt văn nghệ sĩ anh hùng

Đó là nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà văn Nguyễn Thi và nhà thơ Lê Anh Xuân vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

1

Nhạc sĩ Hoàng Việt

Nhạc sĩ Hoàng Việt

Nhạc sĩ Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực, bút danh Lê Trực, sinh năm 1928, quê tỉnh Bà Rịa. Thuở nhỏ đi học tại Sài Gòn, Cách mạng Tháng Tám thành công về quê tham gia Quốc gia Tự vệ cuộc. Giặc Pháp đánh chiếm tràn lan, đơn vị phân tán, mất liên lạc, anh trở vô Sài Gòn chờ tìm đường trở về. Để kiếm sống, anh vào Đài phát thanh Pháp Á, thành lập ban nhạc mang tên Lê Trực.

Bấy giờ Lê Trực đưa lên đài phát bản nhạc Tiếng còi trong sương đêm cùng với vài sáng tác mới như Biệt đô thành, Nghệ sĩ vô danh… Sau 2 năm, từ 1947-1949 ở thành, anh cùng vợ về thăm quê ở Mỹ Thiện (Cái Bè, Mỹ Tho). Dân quân địa phương xét hỏi rồi giữ lại vì Lê Trực là tác giả của bài Tiếng còi trong sương đêm, có dư luận làm lung lay tinh thần kháng chiến. May sao có một cán bộ của Quân khu 8 đi công tác ngang qua nghe chuyện báo cáo với cấp trên. Phòng Chính trị quân khu mới thành lập trong đó có Ban Tuyên truyền do Bảo Định Giang làm trưởng ban, nghe tin lên xin ý kiến Bộ Tư lệnh quân khu bảo lãnh, đưa Lê Trực về bổ sung cho tổ quân nhạc, Lê Trực đổi bút danh mới: Hoàng Việt Hận. Anh em trong tổ khuyên: Đã về kháng chiến rồi còn hận gì nữa. Bấy giờ, Lê Trực mới chính thức lấy bút danh Hoàng Việt viết tiếp những ca khúc nổi tiếng như Lá xanh, Sở Thượng giang…

Năm 1951, chiến trường chia thành 2 phân liên khu: miền Đông và miền Tây. Nhà thơ Bảo Định Giang cùng một số văn nghệ sĩ về miền Đông, trong đó có Hoàng Việt. Về đây, anh tiếp tục viết những ca khúc ghi dấu ấn sâu đậm lòng người như Nhạc rừng, Lên ngàn, Mùa lúa chín…

Năm 1958, Hoàng Việt được sang tu nghiệp bên Bulgaria. Anh viết bản giao hưởng số 1 Quê hương làm luận án tốt nghiệp. Bản giao hưởng được trình diễn trước khán giả Bulgaria giúp họ biết tác phẩm mới của sinh viên Việt Nam về một đề tài to lớn: Cách mạng miền Nam chống ngoại xâm. Trong một bữa tiệc tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam, giám đốc nhà trường nơi Hoàng Việt theo học, nói: “Chúng tôi chào mừng Việt Nam có nhân tài xuất sắc. Bản Symphonie của Việt không phải là một bài thi tốt nghiệp mà thực sự là một tác phẩm lớn của Việt Nam. Nó mang tính tư tưởng và tính nghệ thuật rất cao. Chính chúng tôi, những người nghe nhạc rất nhiều, đều nhận rằng đó là một tác phẩm thành công hết sức to lớn và rực rỡ”.

Trở về nước năm 1967, Hoàng Việt về ngay chiến trường Nam bộ, ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, cùng viết với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vở nhạc kịch Bông sen, đạo diễn Ngô Y Linh dàn dựng và công diễn ở vùng giải phóng. Sau đó, anh đi thực tế chiến trường với ý đồ hoàn thành bản giao hưởng số 2 đã phác thảo. Tiếc thay ngày cuối của tháng 12-1967, anh hy sinh tại Mỹ Thiện (Cái Bè), đúng quê vợ.

2

Nhà văn Nguyễn Thi

Nhà văn Nguyễn Thi

Nhà văn Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Ngọc Tấn, sinh ngày 15-5-1928, quê xã Quần Phương Thượng (Hải Hậu, Nam Định). 2 tuổi, Tấn đã theo mẹ là bà Thành Thị Du ngồi tù do tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930. Cha mất sớm, mẹ đi bước nữa, Tấn theo người anh vào Sài Gòn kiếm sống rồi tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vào du kích Tân Thới Tứ - Hóc Môn. Năm 1954, Tấn tập kết ra Bắc, buộc lòng để lại người vợ trẻ đang mang thai.

Năm 1962, Tấn trở về chiến trường Nam bộ, thuộc Cục Chính trị Quân giải phóng miền, thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Tấn viết bài đổi bút danh mới là Nguyễn Thi (tên con trai anh). Anh dự Đại hội Anh hùng lần thứ hai, viết truyện về anh hùng Nguyễn Thị Hạnh: Ước mơ của đất. Tác phẩm vừa hoàn thành phần 1, anh xếp lại, lao vào chiến trường Sài Gòn đang đỏ lửa bởi chiến dịch Xuân Mậu Thân đợt 2. Mặc cho Chính ủy Phân khu 2 ngăn cản, anh nài nỉ được cho theo một tiểu đoàn mũi nhọn thọc sâu, chiến đấu trên đường Minh Phụng suốt 5 ngày đêm, từ 5-5 đến 9-5. Tháng 6-1968, chúng tôi nhận được tin dữ “Nguyễn Thi hy sinh trên đường Minh Phụng, ngày 9-5”.

Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, nhà văn tài hoa nổi tiếng với tác phẩm đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Nhà văn định hình nhân cách: cuộc sống có trước, sách vở có sau; tự phát trưởng thành; từ trong huyết quản phát sinh cảm xúc nghệ sĩ.

Như nhân duyên tiền định, anh thở hơi thở Sài Gòn chiến trường, chiến đấu trong lòng Sài Gòn yêu thương đến hơi thở cuối cùng. Anh thấm giọt máu mình trọn vẹn thủy chung tươi đỏ mãi trong lòng người anh thương; trong lòng người đời hoài niệm tiếc thương anh. Anh đã lưu lại trong lòng người hình ảnh: một nhà văn cầm súng; một nhân cách sống và viết giữa chiến trường ác liệt cao đẹp tuyệt vời.

3

Nhà thơ Lê Anh Xuân

Nhà thơ Lê Anh Xuân

Nhà thơ Lê Anh Xuân tên thật Ca Lê Hiến, sinh ngày 5-6-1940 tại thị xã Bến Tre, khi cha là Đốc học Ca Văn Thỉnh cùng mẹ tham gia kháng chiến, Hiến 5 tuổi về sống với ông bà nội ở xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày, Bến Tre). Năm 1954, Hiến theo cha mẹ tập kết ra Bắc, học Trường Học sinh miền Nam (Hải Phòng) rồi chuyển về Hà Nội học Trường Nguyễn Trãi.

Sau khi tốt nghiệp, anh làm phụ giảng ở Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội một thời gian ngắn rồi được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Nhưng Hiến xin về chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu. Trong thời gian còn là học sinh, sinh viên, Hiến đã có thơ in báo và đã xuất bản thành tập mang tên Tiếng gà gáy. Cuối 1964, Ca Lê Hiến trong đoàn cán bộ giáo dục về đến chiến trường, công tác ở Tiểu ban Giáo dục, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục rồi chuyển sang ngành văn - Hội Văn nghệ Giải phóng. Về đây, Hiến đã in thơ, lấy bút danh chiến trường là Lê Anh Xuân. Còn chân ướt chân ráo, Hiến đã về Bến Tre.

Về lại làng quê, xúc cảm hiện thực mãnh liệt, Lê Anh Xuân viết hàng loạt thơ, bài nào hồn thơ cũng đậm đà cảm xúc tình quê: Trở về quê nội, Dừa ơi!, Vườn xưa, Dòng sông tuổi nhỏ, Gởi anh Tư, Phá lộ đêm trăng…

Lê Anh Xuân tham gia chiến dịch Mậu Thân đợt 2: Ta về Sài Gòn giữa mùa xuân tuyệt đẹp/ với vũ khí trong tay là thơ chúc tết Bác Hồ. Ấy là hồn thơ lãng mạn, còn anh thì hy sinh từ ven đô phía Nam Sài Gòn.

Thơ Lê Anh Xuân chính là cuộc đời của anh, giữa tác giả và tác phẩm không có ranh giới, là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho thơ anh được đông đảo bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Một tính cách hiền nhu đầm thấm, hồn thơ anh nồng cháy tình yêu quê hương đất nước, hòa quyện máu thịt với nhân dân, đồng đội trong cuộc sống chiến đấu vô cùng ác liệt. Những tác phẩm của nhà thơ Lê Anh Xuân để lại chỉ có 3 tập: Tiếng gà gáy, Hoa dừa và Trường ca Nguyễn Văn Trỗi nhưng là những đóng góp rất quý báu vào kho tàng văn học của đất nước. 

THANH GIANG

Tin cùng chuyên mục