Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ”?

Bài 2: Fulro - bóng ma quá khứ

Đất nào cũng thiêng
Bài 2: Fulro - bóng ma quá khứ

Không dừng lại ở hoạt động mê tín dị đoan, đẩy đời sống những người đi theo vào cảnh khó khăn, những kẻ tuyên truyền, lôi kéo người dân theo “đạo Hà Mòn” ngày càng bộc lộ việc cố ý lợi dụng tôn giáo để gây rối trật tự công cộng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp lực lượng, chuẩn bị lực lượng vũ trang phục vụ cho mưu đồ chính trị phản động của chúng.

Nụ cười hạnh phúc của A Ríu (thứ hai từ phải sang) sau khi ký giấy nhận nhà đất được cấp mới từ chính quyền xã Hơ Moong. Ảnh: Thúy Thúy

Nụ cười hạnh phúc của A Ríu (thứ hai từ phải sang) sau khi ký giấy nhận nhà đất được cấp mới từ chính quyền xã Hơ Moong. Ảnh: Thúy Thúy

Đất nào cũng thiêng

Khi công trình thủy điện Plei Krông (ở Kon Tum) được xây dựng, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, Nhà nước tổ chức di dời các hộ dân nằm trong vùng ngập của lòng hồ thủy điện thuộc xã Hơ Moong (đọc là Hà Mòn), huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum về khu vực tái định cư (nay thuộc huyện Sa Thầy), tỉnh Kon Tum. Mỗi hộ dân di dời được cấp một nền đất thổ cư diện tích 1.000m2, bên trên có căn nhà cấp 4 diện tích 60m2 trị giá khoảng 140 triệu đồng và 1ha đất liền kề để trồng cao su. Phần lớn những hộ trong diện di dời là người theo “đạo Hà Mòn”.

Lợi dụng lòng tin vào sự hiển linh của Đức Mẹ, những đối tượng cầm đầu “đạo Hà Mòn” đã liên kết với K’sor Kok chống lại chủ trương này bằng cách dựng lên chuyện “Đức Mẹ hiện hình” và phán rằng “khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông là đất thiêng, người dân không được dời chỗ ở đi nơi khác”. Sợ “Đức Mẹ” trừng phạt, những người theo “đạo Hà Mòn” làm chòi tạm sống lỳ bên bờ sông Sa Thầy, nhất quyết không hợp tác với chính quyền địa phương.

Cơn bão số 9 (năm 2009) đổ bộ vào tàn phá xóm nhà tạm của những hộ theo “đạo Hà Mòn”, kéo đổ nhiều nhà và trôi cả người. Trong cơn nguy ngặt ấy, chính quyền tỉnh đã có mặt hỗ trợ thực phẩm, áo chăn và khẩn trương di dời bà con theo “đạo Hà Mòn” sống bên bờ con sông đến nơi an toàn. Dù hoàn cảnh của nhiều hộ theo “đạo Hà Mòn” khi ấy rất khó khăn, nhưng vì ngại A Tách, A H’yum, những người cầm đầu “đạo” này theo dõi, nên họ không dám nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.

A Ríu, vốn là giáo phu của giáo họ xã H’Moong sau khi theo “đạo Hà Mòn” một thời gian đã thấy mình lầm lẫn nhưng ngại không dám quay về với đạo Thiên Chúa. Suốt mấy năm qua, A Ríu rất buồn khi thấy đời sống gia đình ngày càng cực khổ nên khi được Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, ông Hà Ban, đến thăm và nói chuyện thân tình đã mạnh dạn bỏ “đạo Hà Mòn”. A Ríu kể: “Bí thư Tỉnh ủy Hà Ban có đến thăm, nói chuyện về chủ trương định canh định cư cho bà con dân tộc, không phân biệt là ai lỡ theo “đạo Hà Mòn” đâu. Ông tặng quà cho dân và nói chuyện có tình thương lắm”.

Chúng tôi đến thăm nhà A Ríu đúng lúc ông nhận giấy thông báo được cấp nhà mới và khu đất rộng đã cày ải từ tay Chủ tịch UBND xã. Không chỉ nhà A Ríu mà còn mấy chục hộ từng theo “đạo Hà Mòn” cũng đang rất vui với một tương lai mới đang mở ra cho họ ở khu nhà ngói đỏ trên sườn đồi cao.

Bóng ma quá khứ

Nói đến K’sor Kok lại nhớ năm 2001 và vụ bạo loạn của y và tổ chức phản động Fulro tại Tây Nguyên. Với giọng điệu bịp bợm “Người dân tộc thiểu số (DTTS) phải có nhà nước riêng cho người DTTS”, Kok đã lôi kéo nhiều người DTTS tách khỏi đạo Tin lành chính thống để thành lập cái gọi là “đạo Tin lành Đề Ga” là đạo dành riêng cho người DTTS. Và Kok đã lên kế hoạch chống phá Nhà nước Việt Nam bằng chiêu bài đòi “tự do tôn giáo” cho “đạo Tin lành Đề Ga”. Từ năm 2001 - 2004, để lôi kéo người DTTS biểu tình, đập phá các cơ quan công quyền, K’sor Kok đều nói: “Đây là lần biểu tình cuối cùng của người DTTS cho quốc tế quay phim, chụp hình đưa ra thế giới để họ ủng hộ chúng ta”. Thế nhưng lần nào chúng cũng thất bại ê chề.

Ông Runh: “Tôi bị Fulro lừa rồi”.

Ông Runh: “Tôi bị Fulro lừa rồi”.

Âm mưu phá hoại của chúng lần nào cũng bị đập vỡ. Rất cay cú, nhưng K’sor Kok không chịu bỏ cuộc. Từ trời xa, ngóng tin biết chính quyền Kon Tum vận động số người DTTS sống gần lòng hồ Plei Krông di chuyển lên cao ở để tránh bị nước cuốn trôi, K’sor Kok đã chỉ đạo cho K’sor Ni (em ruột K’sor Kok, người cầm đầu trong đợt biểu tình đập phá nhiều công trình công cộng năm 2001 và 2004 tại Gia Lai) phải tiếp cận ngay A Tách, A H’yum - là những kẻ thân tín của Y Gyin - và dùng “đạo Hà Mòn” làm bình phong tổ chức các hoạt động gây rối tại Tây Nguyên.

Nhận tiền của Kok, A Tách chọn ngay Runh, Byưk và Jơnh (người làng Krot Kret, xã H’Ra, huyện Mang Yang, Gia Lai) làm đầu mối lôi kéo dân các làng Krot Kret, Bơ Chắc tham gia “đạo Hà Mòn” để tạo lá chắn cho bọn fulro lén lút về hoạt động. Để có nơi trú ẩn cho “người của ông Kok” về “hoạt động” tại xã H’ra, A Tách chỉ đạo cho Runh, Byưk đào 3 căn hầm trú ẩn bí mật - 2 cái ở bìa làng Krot Kret và 1 cái ở làng Bơ Chắc.

Để “bảo vệ lãnh đạo fulro”, canh gác hầm bí mật và báo động khi công an vào làng, Runh, Byưk, Jơnh đã giao cho Thin, Vung... lôi kéo số thanh niên có tính khí hung hăng vào rừng để huấn luyện võ thuật, bắn cung và trang bị nhiều hung khí để thành lập “đội tự vệ”. Và cái gọi là “đội tự vệ” này đã từng phong tỏa, ngăn chặn con đường độc đạo ra vào làng, gây rối và hành hung gây thương tích một số người “chống lại ý muốn” của chúng.

Âm mưu đằng sau “đạo Hà Mòn”

Sau khi nghe A Tách khuyến dụ, K’sor Ni (em ruột Kok đang sống lưu vong tại Mỹ), Runh lôi kéo thêm A Nức, A Săch, Đinh Hrôn tham gia tổ chức phản động fulro theo chỉ đạo của A Tách. K’sor Ni từ Mỹ gọi điện thoại chỉ đạo Runh tập trung dân làng lại để “Tổng thống K’sor Kok từ Mỹ nói chuyện với dân xã H’Ra”.

Đúng hẹn, Runh, Jơnh, Byưk tập trung dân làng Krot Kret, K’Dung 1, Bơ Chắc lại ở góc sân làng, mở điện thoại di động qua loa phóng thanh, ép bà con nghe bọn Kok từ Mỹ xúi giục chống lại nhà nước để thành lập “nhà nước của người DTTS ở Tây Nguyên” và đòi tự do tôn giáo cho cái gọi là “đạo Hà Mòn”. Kok hứa sẽ giúp thêm tiền để tổ chức phản động Fulro tại Tây Nguyên “hoạt động chiến đấu lâu dài”(?!).

Tại cơ quan điều tra, Runh đã khai: “Tôi nhận chỉ đạo từ A Tách, A Hyum để lôi kéo nhiều người tham gia vào tổ chức fulro mới, tuyên truyền cho nhiều người là Nhà nước của DTTS Tây Nguyên do ông K’sor Kok về làm tổng thống sắp thành công, kêu gọi bà con đóng góp tiền của, lương thực để tiếp tế cho số người của tổ chức phản động Fulro lẩn trốn trong rừng, dùng tiền nhận từ Mỹ về để mua nhiều hung khí và nuôi lực lượng chiến đấu lâu dài”. Thế là rõ. K’sor Kok từ nơi “xứ cờ hoa” xa xôi kia vẫn núp sau cái áo “tự do tôn giáo” để chống phá Nhà nước Việt Nam nhằm đạt đến một điều hư ảo “thành lập nhà nước riêng của DTTS tại Tây Nguyên”.

Vợ chồng K’sor Nhơk ở nhà.

Vợ chồng K’sor Nhơk ở nhà.

Bài 3: Nỗi buồn mang tên “Vàng Chứ”

Phạm Thục - Ái Chân - Xuân Sơn

Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ”?

- Bài 1: “Đạo” ra đời từ giấc chiêm bao

Tin cùng chuyên mục