Trước đây, tại cuộc triển lãm hội thi cá cảnh quốc tế Aquarama vào tháng 5-1995 ở Singapore, cá dĩa Việt Nam đoạt 7 trong tổng số 13 giải thưởng, gây sự chú ý của nhiều quốc gia, báo hiệu sự trở lại của nghề cá cảnh Việt Nam sau thời gian dài vắng bóng.
Ưu thế vượt trội
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ Thủy sản, nhận định: Chương trình cá cảnh của TPHCM là bước đột phá trong việc xác định ưu thế cạnh tranh của một TP đang bị đô thị hóa mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ngày càng lớn. Thế mạnh vượt trội của TPHCM chính là nơi tập trung một lực lượng người nuôi cá cảnh hùng hậu, nổi tiếng, với tay nghề và kinh nghiệm từ trước năm 1975, cùng những “hậu duệ” tiếp nối và những người mới tham gia nuôi sau này. Người nuôi cá cảnh ở TP đã thuần hóa và cho sinh sản nhân tạo các loài cá nhập nội, như cá chép Nhật, cá ông tiên, cá dĩa - loài cá được tôn vinh là nữ hoàng của muôn loài cá, hiện nay được lai tạo, cho ra hàng trăm màu sắc khác nhau, như nhất chưởng hồng (toàn màu đỏ), xanh tuyền (Blue Diamond), da bò (Brawn), dĩa bồ câu (Pigeon Blood), dĩa ma (Ghost Discus), dĩa da rắn chấm đỏ da beo (Leopard red snake skin)…

Ảnh:
THÀNH TÂM
Ông Nguyễn Văn Lãng, một người chuyên kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là chế biến và xuất khẩu ngành điều sau 1975. Nhưng trước năm 1975, người ta biết nhiều về ông từ nghề nuôi cá cảnh. Tại TP Sài Gòn cũ, có thể nói ông là một trong những doanh nhân chi phối thị trường cá dĩa. Gặp lại ông tại nhà riêng trên đường Sương Nguyệt Ánh, quận 1, hiện nay, chúng tôi nhận thấy ông đã thiết kế lại tầng thượng với rất nhiều hồ nuôi cá. Ông tâm sự, sau nhiều năm đi khắp nơi, cả trong và ngoài nước, giờ đây ông đã giao công việc cho người khác và quyết định… nuôi lại cá cảnh, nghề mà ông yêu thích khi còn rất trẻ. Hiện nay, ông đã tập hợp được khoảng 50 cơ sở nuôi cá cảnh trong thành phố và một số địa phương khác để chuẩn bị ra mắt Câu lạc bộ Cá cảnh TP (đã được phép thành lập), tạo tiền đề cho việc tiến tới thành lập Hiệp hội những nguời nuôi cá cảnh sau này. Qua CLB này lực lượng nuôi cá cảnh có thể tập hợp và liên kết để đủ sức cạnh tranh trong kinh doanh xuất, nhập khẩu cá cảnh.
Thời gian qua, do nghề này vốn dĩ gần như là nghề cha truyền con nối, nên trong bối cảnh hiện nay không liên kết thì không thể phát triển. Từ năm 1981, TP đã có những lô hàng xuất khẩu trở lại cá cảnh (cá ông tiên, cá dĩa, cá Molie… và những loài cá thiên nhiên khác của Việt Nam). Lúc đầu khách hàng đặt mua 5-10 thùng cá/tuần, rồi tăng lên 50-100 thùng/tuần, nhưng sau đó không thể xuất tiếp được nữa do nguồn hàng sản xuất manh mún nên không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Cá cảnh đã được xuất khẩu trở lại những năm sau này, nhưng kim ngạch xuất khẩu của TP mới chỉ đạt 3-4 triệu USD/năm, trong khi mà những quốc gia xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Philippines, đặc biệt là Singapore, xuất khẩu hàng năm lên đến hàng tỉ USD từ cá cảnh.
- Biến thú chơi tao nhã thành ngành kinh doanh
Những người trong ngành rất tâm đắc với phát biểu của một vị lãnh đạo TP, khi khuyến khích những nghệ nhân trong lĩnh vực hoa lan, cây kiểng và cá cảnh, không chỉ là nghệ nhân đơn thuần mà cần trở thành doanh nhân trong lĩnh vực này. Hoa, kiểng, cá cảnh giờ đây không chỉ là thú chơi tao nhã của người yêu thích thiên nhiên mà còn là nghề mang lại thu nhập đáng kể đối với người nuôi. Hiện nay TP có khoảng 100 -150 hộ làm nghề nuôi và sản xuất cá cảnh, tập trung nhiều ở quận 8, 12 và rải rác ở các quận ven khác như quận 9, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Chánh. Nhưng trong tương lai, có thể nói Củ Chi không chỉ là huyện dẫn đầu về hoa lan, cây kiểng mà còn cả trong nghề cá cảnh. Tại đây, một Việt kiều đã đầu tư hàng triệu USD để xây dựng trang trại rộng 5 ha, nuôi cá cảnh xuất khẩu qua Đông Âu, từ đó sẽ xuất tiếp qua các nước khác ở châu Âu. Theo ông Nguyễn Văn Lãng, trang trại này được xem là quy mô nhất hướng đến công nghiệp hóa và chuyên nghiệp hóa nghề nuôi cá cảnh.
Nhưng cũng như hoa kiểng, nhìn chung, sản xuất và kinh doanh cá cảnh hiện nay ở TP còn mang tính tự phát, riêng và nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp thực sự kinh doanh xuất nhập khẩu cá cảnh, chỉ có một số Việt kiều và thương nhân nước ngoài thu gom xuất ủy thác. Dù được xem là địa phương có nhiều ưu thế về nhân lực, nhưng kỹ thuật lai tạo giống cá cảnh của TPHCM vẫn chưa được nghiên cứu theo hướng công nghệ, còn mang nặng tính cha truyền con nối. Đặc biệt là cá cảnh biển, chủ yếu chỉ là khai thác tự nhiên, nên rất khó phát triển về số lượng và chủng loại vì bị khai thác cạn kiệt. Do vậy, việc TP đề ra chương trình phát triển hoa lan, cây kiểng và cá cảnh là bước khởi đầu làm bật dậy tiềm năng một nghề chưa được xác định đúng vị trí. Từ kinh nghiệm của con bò sữa và tôm sú, muốn bật dậy tiềm năng của nghề nuôi cá cảnh, cần có sự tập trung đầu tư và hỗ trợ đúng mức về nhiều mặt của TP để tiếp sức những nghệ nhân có điều kiện tích lũy nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, trở thành những doanh nhân thành đạt, sánh vai với các đồng nghiệp trong khu vực
CÔNG PHIÊN