Những sẻ chia từ Quỹ Dòng thời gian 5 của Báo SGGP

Bài 2: Sa Pa mùa có tuyết

Bài 2: Sa Pa mùa có tuyết

Sau 40 ngày rét xuống đến âm 4 độ C ở Sa Pa đã có 2.448 con trâu, ngựa, nghé chết cóng, hơn 150 gia đình chịu cảnh đói lạnh vì giá rét không đi rừng kiếm sống được. Sa Pa mùa có tuyết vẫn có nhiều trẻ em và thiếu nữ các dân tộc Mông, Hà Nhì, Dáy, Dao đỏ chạy từ núi cao xuống phố với áo quần rất đẹp để “diễn” cho du khách chụp hình, mong nhận được 5.000 - 10.000 đồng/lần. Các em nhỏ vẫn chạy le te đi bán những sản phẩm thổ cẩm nho nhỏ để kiếm sống, dù chân tay các em bị nứt đến chảy máu vì lạnh…

Nơi đầu con sông Hồng

Chiếc xe cứ ì ì vượt những con dốc cao đưa chúng tôi lên xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nơi đây, trong đợt rét kinh hoàng vừa qua đã bị nhuộm trắng bởi băng, tuyết. Chiếc xe cố vượt qua con đường lởm khởm đá với nhiều khúc quanh gấp chạy dọc theo con sông Hồng, mùa nước cạn. Bên kia bờ sông Hồng là Trung Quốc, với “con đường trên không” xây dựng hoành tráng, chạy ngược về phía tỉnh Côn Minh.

Bài 2: Sa Pa mùa có tuyết ảnh 1

Bà con dân tộc Mông, Dáy, Dao ở Sa Pa vừa nhận quà cứu trợ của Báo SGGP.

Lắc lư người theo đường lượn vòng vèo của chiếc xe bởi những khúc cua gấp khuỷu tay để lên đến xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, nơi có độ cao hơn 1.400m so với mặt nước biển, tôi có cảm giác như người không trọng lượng, lơ lửng và chao đảo giữa những lớp mây trắng đục nặng, đầy hơi nước bay lập lờ ngay dưới chân mình.

Bà con người Dao đỏ, Mông, Hà Nhì đứng co ro trong cơn mưa lất phất bên đường khi xe chạy qua. Đợt rét hại với nhiệt độ âm 3 – 4 độ C đã đi qua nhưng hệ quả của nó vẫn còn in đậm nét trên khuôn mặt người héo hắt vì rét, trên những con trâu, nghé gầy trơ xương và trụi lông, trên từng cành cây, ngọn cỏ đã thâm đen, sau những đợt tuyết bám trắng cây.

Ông Tẩn Duân Trinh, 46 tuổi, người Dáy, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chạc, nhà ở thôn Suối Thào Ba bị chết 7 con trâu, bò, ngựa và chỉ còn lại hai con trâu nhỏ, đó là khi nhiệt độ của thôn đã xuống đến âm 4 độ C. Ông Trinh kể giọng rất buồn: “Tối sâu (đêm khuya) ấy, mình thấy rét đến run cả người vội đi ra chuồng trâu bò xem thì nghe tiếng “chúng nó” rên rất đau lòng, con ngựa thì hí tiếng rất yếu ớt. Bếp lửa cứ tắt mãi, tắt mãi vì mưa tuyết hắt vào...”. Mặc dù đã ủ bạt nhưng lũ gia súc nhà ông Trinh vẫn chết nhiều vì nhà ông ở sát bìa núi cao, gió rất mạnh.

Hai vợ chồng chàng trai người Mông tên Vàng Kim Chỉn, 29 tuổi, đứng co ro trong manh áo mỏng, sắp xếp lại những gói bánh kẹo họ vừa mua dưới chợ Trịnh Tường, cách xã 5km. “Mua ít bánh kẹo làm quà tết cho con ấy mà. Hôm tết rét quá nên bây giờ chúng nó mới được ăn tết”, vợ Chỉn nói thế. Nhà của Vàng Kim Chỉn có 5 con gia súc thì đã chết 4 con đang tuổi cày. Cả nhà Chỉn còn lại một con nghé ọ bốn tháng tuổi sống sót được, do nó nằm núp trong bụng mẹ.

Để cứu nghé, Chỉn đã lấy cái chăn ấm của mình đắp cho nó, đưa nó vào nằm chung bếp lửa gia đình nên mới sống được đến hôm nay. Những cân gạo chúng tôi tặng sẽ là những liều thuốc vực dậy lũ trâu, nghé đang ốm đau và kiệt sức vì rét. Những chiếc chăn ấm được phát ra với hy vọng - đêm nay bà con sẽ có giấc ngủ ngon, ấm áp.

Ở cuối xã, hai bờ con sông Hồng đang mùa cạn nước đã phân định ranh giới hai nước Việt - Trung. Tại Bát Xát, mưa càng lúc càng nặng hạt, rét càng lúc càng tăng vì thời tiết đang bắt đầu cho một đợt rét mới tràn về rất gần.

Bí thư huyện ủy Bát Xát, đồng chí Nguyễn Đức Thể nhắc chúng tôi nhanh “xuống núi” để tránh nguy hiểm trên đường về, vì ở đây trời sụp tối rất mau và mưa sẽ khiến đường rất khó đi. Giữa con đường vắng hoe, không nhà, không người, cách thị trấn 10km, một phụ nữ người Mông địu trên lưng đứa con nhỏ được trùm kín bởi miếng vải nhựa đi mưa. Lạ cái là, dù đi bộ chị vẫn đội nón bảo hiểm. Dừng xe hỏi thăm mới biết con chị đã sốt cao 4 ngày rồi và chị cõng con đi trạm xá, chị đội sẵn nón bảo hiểm để “có ai cho đi nhờ xe xuống trạm thì mình không sai luật pháp mà”.

À ra thế. Chúng tôi tặng chị 200.000 đồng và đi. Chị ngoái đầu theo, đứa bé cũng thò đầu khỏi miếng vải nhựa nhìn chúng tôi, cười.

Chúng tôi lại đi dọc theo dòng sông Hồng để về xuôi. Trên xe, cậu phóng viên Báo Công an TPHCM cất tiếng hát khàn đục vì rét: “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt /Ở nơi anh mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ/Em ở phương xa, nghe đài báo gió mùa Đông Bắc/ Em thương anh nơi chiến hào gặp rét,…”, bài hát Gửi em ở cuối sông Hồng, thơ Dương Soái, nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc - tôi đã nghe rất nhiều lần, nhưng ở giữa trời giá rét, ở nơi đầu nguồn của con sông Hồng chảy vào đất quê mình, những câu hát nghe sao mà thấm thía.

Sa Pa mùa “cắt da”

Sa Pa mùa này rét “cắt da”. Màn sương trắng đặc quánh cả con phố thị nhỏ bé. Nhà thờ đá lúc ẩn lúc hiện trong sương mù xám xịt. Cây cối xác xơ màu úa đen khắp phố Sa Pa. Đại tá Đinh Tiến Quân, Phó Giám đốc Công an Lào Cai dẫn đường cho đoàn chúng tôi đến xã Sừ Pán, huyện Sa Pa. Nhìn chúng tôi cứ xoắn tít hai bàn tay lại với nhau vẫn kêu rét, anh nói: “Người lớn chịu rét còn khổ thế, trẻ con thiếu áo ấm, lại bệnh… chắc khổ lắm”, rồi anh thở dài.

Bài 2: Sa Pa mùa có tuyết ảnh 2

Đứa trẻ người dân tộc thiểu số trên lưng mẹ. Ảnh: P.Th.

Dù mới 15 giờ, các xe đi trên đường đều phải bật đèn chống sương mù và chạy với tốc độ không hơn 10km/giờ. Gió ù ù thổi, những hạt nước mưa té vào như cứa những đường dao nhỏ trên mặt chúng tôi.

Dưới đường đèo quanh co rét mướt, những đứa trẻ đầu trần, chân đất lúp xúp chạy theo mẹ xuống chợ Sa Pa bán những miếng thổ cẩm vừa dệt. Phụ nữ ở Sa Pa mặt ai cũng đỏ hồng vì rét nhưng tay ai cũng thâm đen vì nhuộm vải.

Cuối tháng 2. Khi chúng tôi lên Sa Pa nhiệt độ đã ấm hơn dù vẫn còn ở mức 4 độ C. Sương mù vẫn dày đặc, trời xám xịt và lẫn trong làn sương mù giá rét căm căm ấy là những cô bé, chú bé người dân tộc thiểu số đầu trần, chân đất đang chui vào hốc núi trên đường đi về Bãi đá cổ, cố tìm kiếm chút cỏ, cây cho các con trâu, bò, nghé đang bị suy kiệt nặng vì đói, bởi các cây, cỏ ở Sa Pa hầu như đã chết sạch sau đợt rét quá dài ngày.

Ở góc phố, thấy chúng tôi, Vàng San Mẩy, một thiếu nữ người Mông đang đứng nép bên hiên nhà tránh rét đã chạy đến hỏi chúng tôi muốn chụp hình họ không? Tôi gật đầu. Vàng San Mẩy chạy lúp xúp đi gọi các bạn gái đến, họ đã mặc quần áo đẹp sẵn sàng cho chúng tôi chụp hình để kiếm chút tiền “mua ngô cho cả nhà ăn khỏi đói ấy mà!”.

Trong căn nhà nhỏ cheo leo bên sườn núi thấp thoáng làn khói mỏng từ góc bếp mùi thơm của khoai nướng. Thấy chúng tôi bước vào, ba đứa trẻ đang ngồi co góc bếp đứng bật dậy: “Hello, welcome Sa Pa” (Chào mừng đã đến Sa Pa). Đoán chúng tôi là du khách, cô bé lớn nhất nhóm chụp vội cái khăn thêu rất đẹp đội lên đầu và sửa lại váy áo kéo nhanh hai đứa em ra khỏi nhà, hỏi rối rít “Phô tô gra phi?” (Chụp hình nhé)… Chúng tôi gật đầu mà ứa nước mắt.

Điều mà ai cũng biết - khá đông bà con người dân tộc thiểu số ở Sa Pa sống dựa vào các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Và bao năm qua, điều mà ai cũng hiểu - không ít hãng lữ hành, công ty du lịch đã có nguồn thu không ít từ cảnh đẹp và từ những con người duyên dáng của Sa Pa.

Du khách trong và ngoài nước đến Sa Pa vài năm gần đây đã lên đến con số triệu và chỉ trong dịp tết vừa qua khi băng, tuyết đóng trắng rừng núi Sa Pa, hàng chục ngàn du khách trong nước đã đến du xuân, ngắm tuyết ở đây, khiến các tour du lịch của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi Sa Pa xem băng tuyết đã “cháy tour”.

40 ngày Sa Pa chìm trong giá rét kinh hoàng với nhiệt độ âm 3- 5 độ C, trong đó có hơn 20 ngày nhiều nơi của huyện Sa Pa bị băng, tuyết phủ một màu trắng lạnh. Nhiều du khách tò mò, hí hửng và nhiều công ty lữ hành rất vui mừng vì có thể giới thiệu cho khách du lịch xem những mảnh băng, tuyết trắng xóa bao trùm cây cối trên đất Sa Pa…

Nhưng đằng sau những bức ảnh đẹp lung linh của những mảnh băng, tuyết bám trắng những cành cây là sự khốn khó, đói lạnh của biết bao trẻ em ở Sa Pa. Ngược với mong muốn của những người làm du lịch, bà con ở Sa Pa lại chỉ mong - Sa Pa đừng có tuyết. 

*** 

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch HĐND huyện Sa Pa đã nói rất tự tin: “Chúng tôi tin các công ty lữ hành quen thuộc sẽ trở lại Sa Pa và họ không chỉ đi cùng khách du lịch mà còn đem đến cho người dân Sa Pa sự ấm áp, thân tình bằng tấm lòng nhân ái nữa”. Chúng tôi cũng tin thế! 

PHẠM THỤC

Thông tin liên quan:

Bài 1: Mang nắng ấm phương Nam đến Tây Bắc

Tin cùng chuyên mục