Nhiều nước trên thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng lương thực dẫn đến đói và bạo loạn, đổ máu.
Châu Phi là châu lục hứng chịu đầu tiên cuộc khủng hoảng lương thực. Nhưng không phải chỉ ở châu Phi, Mexico (châu Mỹ), Indonesia, Philippines, Bangladesh (châu Á), các cuộc nổi dậy vì bánh ngô (bắp), vì gạo cũng đã nổ ra buộc các nước này phải dùng quân đội để ổn định trật tự và giám sát việc phân phối gạo. Bao giờ cũng vậy, ở bất cứ nước nào, những người nghèo là những người dễ bị tổn thương nhất. Giám đốc Tổ chức Lương-Nông (FAO) của Liên hiệp quốc, ông Jacques Diouf, nhận định một cách bi quan: Không loại trừ khả năng các cuộc “chiến tranh vì đói” ở các nước nghèo!
Nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng lương thực thế giới là do hơn một thập niên qua, các nước thờ ơ với các vấn đề nông nghiệp. Còn theo các nhà kinh tế, có đến 7 lý do dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra: (1) Sự thay đổi cách sử dụng lương thực của các nước đang nổi lên. Càng giàu người dân các nước này càng ăn nhiều thịt, có nghĩa gián tiếp cần nhiều ngũ cốc, lương thực để chăn nuôi. Lượng ngũ cốc cung cấp cho chăn nuôi gia súc tăng thêm 250 triệu tấn so với cách đây 20 năm. (2) Sự mất cân đối giữa cung và cầu đẩy giá lương thực, ngũ cốc tăng cao. Sản lượng lương thực không thể tăng nhanh do diện tích đất trồng trọt khó tăng thêm, do thiên tai (hạn hán, lũ lụt…). (3) Lạm phát nông sản do lạm phát nguyên liệu, trước tiên là dầu lửa. (4) Thiếu sự điều phối thị trường. Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy cho biết: Việc giảm các trở ngại đối với trao đổi thương mại (bảo hộ thuế quan, bao cấp) thuận lợi cho thương mại, cho quan hệ cung cầu nhưng thiếu sự điều phối thị trường dẫn đến đầu cơ tích trữ, lạm phát. (5) Sự đầu cơ nguyên liệu hàng hóa. Với cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm thị trường cổ phiếu, một số quỹ đầu tư nhắm vào thị trường nguyên liệu, khoáng sản (dầu mỏ), nông sản để đầu cơ. Chỉ cần các nước thông báo ngưng xuất khẩu trong vòng vài giờ, giá gạo đã tăng 30%. (6) Việc sử dụng nông sản (bắp, cây có dầu) để sản xuất nhiên liệu sinh học tăng vọt đã làm tăng giá nông sản. (7) Sự yếu kém của các kho dự trữ. Các kho dự trữ chưa bao giờ chiếm 30% sản lượng hàng năm. Nguyên nhân của tình trạng này là do giảm bao cấp nông nghiệp, do biến đổi bất thường của khí hậu.
Việt Nam đứng ngoài cuộc khủng hoảng lương thực thế giới, vẫn là nước xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn đã xuất hiện những sự bất cập đáng báo động. Đó là tình trạng các địa phương lấy đất trồng lúa (đất nạc, đất bờ xôi ruộng mặt) một cách vô tội vạ để làm sân golf, làm khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái.
Từ năm 2002 đến nay, theo con số thống kê, mỗi năm cả nước giảm 73.000 ha đất trồng lúa, làm giảm sản lượng lương thực 500.000 tấn và rất nhiều nông dân mất đất - một loại tư liệu sản xuất không thể thay thế. Đó là tình trạng nông dân vẫn chưa được hưởng một cách xứng đáng, trọn vẹn thành quả của mình làm ra; bị các tầng nấc trung gian với đủ mọi thủ đoạn ăn chặn, xà xẻo. Bộ mặt nông thôn (trừ các thị tứ, thị trấn, các xã ven đường) chưa được cải thiện.
Cuộc khủng hoảng lương thực thế giới đáng được nghiên cứu để rút ra những bài học cần thiết.
MINH THÔNG