
TPHCM đã thực hiện khám chữa bệnh (KCB) miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi từ ngày 1-6-2005. Quan điểm của lãnh đạo ngành y tế là điều trị theo bệnh lý của trẻ, không hạn chế kỹ thuật cao và thuốc đặc trị đắt tiền. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng thực chi hàng tỷ đồng, nhiều bệnh viện (BV) đang rơi vào thế dở khóc dở cười, bởi không biết quyết toán như thế nào, thậm chí phải trở thành… con nợ của công ty thuốc.
Tạm ứng 500 triệu, thực chi... 2 tỷ đồng
Khi thực hiện chính sách KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, dựa trên số trẻ thực tế đến khám và điều trị nội trú, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Củ Chi gởi dự toán nguồn kinh phí cho Sở Y tế TPHCM khoảng 2,06 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, tháng 6-2005, Sở Y tế đã tạm ứng cho trung tâm 500 triệu đồng. Đến giữa tháng 1-2006, tổng số trẻ dưới 6 tuổi được khám, điều trị cả ngoại và nội trú tại Củ Chi lên đến gần 25.000 lượt.

Mỗi ngày TTYT Củ Chi tiếp nhận khám chữa bệnh miễn phí cho gần 200 lượt trẻ dưới 6 tuổi. Ảnh: N.T.
Theo Giám đốc TTYT Củ Chi Nguyễn Văn Châu, trung tâm đang là con nợ của một số công ty thuốc, bởi kinh phí thực chi cho trẻ dưới 6 tuổi đã trên 2 tỷ đồng. Lãnh đạo của trung tâm càng lo lắng hơn khi đã nhiều lần gởi văn bản lên Sở Y tế báo cáo tình hình hoạt động, đề nghị tạm ứng thêm kinh phí hoạt động, đồng thời hướng dẫn cách quyết toán kinh phí đã chi. Nhưng đến nay sở vẫn trả lời… chờ đến khi có hướng dẫn mới.
Tương tự, nhiều y bác sĩ của BV đa khoa Thủ Đức đã đem những ưu tư, lo lắng đặt lên bàn của lãnh đạo BV, bởi kinh phí thực chi chỉ trong chưa đầy 6 tháng cuối năm 2005 là 210 triệu đồng, trong khi kinh phí dự trù chỉ rót 100 triệu đồng.
Không ít bác sĩ đã có tư tưởng “thủ thế” trong những lúc kê toa hoặc chỉ định chẩn đoán, điều trị các loại kỹ thuật cao đắt tiền miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Bởi một khi đã “phóng tay” mà Sở Y tế không cấp bù đủ thì số chênh lệch ấy không còn cách nào khác là cán bộ, công nhân viên BV sẽ phải “ôm”.
Một giám đốc BV cho rằng, Sở Y tế tạm ứng kinh phí cho các BV chi cho hoạt động KCB cho trẻ dưới 6 tuổi chưa hợp lý. Ngành y tế muốn thu hút bệnh nhân về tuyến cơ sở, giảm tải tuyến trên, nhưng phân phối kinh phí tạm ứng về các TTYT quận huyện quá thấp, dẫn đến nhiều TTYT chưa thật sự “nới tay” khi KCB cho trẻ dưới 6 tuổi. Một BV nhi được tạm ứng 20 tỷ đồng, nhưng thực tế 6 tháng chỉ chi 5,5 tỷ đồng.
Chưa thống nhất cách quyết toán
Về vấn đề quyết toán kinh phí KCB trẻ dưới 6 tuổi, theo bà Nguyễn Thị Bỉ, Trưởng phòng Tài chính Sở Y tế TPHCM, cho đến nay giữa Sở Tài chính và Sở Y tế vẫn còn một số vấn đề chưa thống nhất. Từ tháng 8-2005, Sở Y tế có văn bản gởi Sở Tài chính nêu những khó khăn, không thực hiện được khi áp dụng vào thực tế.
Trong đó, nếu thực hiện đúng theo quy định thì các BV phải tổ chức 2 bộ máy kế toán riêng biệt, hình thành 2 hệ thống chứng từ song song, làm cho bộ máy các BV đang quá tải lại càng quá tải hơn. Đối với một số thuốc, hóa chất xét nghiệm, oxy, vật tư y tế… khi xuất kho thì dùng chung cho bệnh nhi toàn BV, nên không thể tách riêng ra cho bệnh nhi dưới 6 tuổi. Tương tự, chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, đồ vải, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị chuyên môn để phục vụ công tác KCB chưa được hướng dẫn cụ thể sử dụng từ nguồn kinh phí nào.
Đến đầu tháng 12-2005, Sở Tài chính có văn bản trả lời Sở Y tế, mọi việc vẫn phải thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Riêng đối với những loại chi phí chung: điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm,… giao thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm phân bổ kinh phí cho KCB trẻ dưới 6 tuổi và KCB của BV theo dịch vụ.
Được biết, ngay sau đó Sở Y tế tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp thực hiện sang Sở Tài chính. Nhưng một số vấn đề về thu chi, quyết toán chi phí KCB cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn chưa có một văn bản liên Sở Tài chính-Y tế chính thức hướng dẫn cho các BV thực hiện. Do đó, việc đảm bảo quyền lợi của trẻ dưới 6 tuổi sẽ bị ảnh hưởng một khi kinh phí tạm ứng cho BV hoạt động không đủ, đồng thời chưa có hướng dẫn các BV quyết toán kinh phí mà họ đã chi.
NGỌC TRƯỚC-NGỌC LINH