Ngày đầu tiên kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa VII

Băn khoăn khi biểu quyết về ngân sách

Hôm qua, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa VII đã khai mạc. Đến dự có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP cùng các đại biểu Quốc hội, đại diện cử tri TP và lãnh đạo các sở ngành, quận huyện.
Băn khoăn khi biểu quyết về ngân sách

Hôm qua, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa VII đã khai mạc. Đến dự có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP cùng các đại biểu Quốc hội, đại diện cử tri TP và lãnh đạo các sở ngành, quận huyện.

  • Vượt chi: “tiền trảm hậu tấu”!
Băn khoăn khi biểu quyết về ngân sách ảnh 1

Đại biểu HĐND TP Nguyễn An Bình phát biểu về vấn đề ngân sách. Ảnh: Việt Dũng

Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài cho biết năm 2006 tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 12,2%, vượt chỉ tiêu đề ra. Đây là năm thứ 6 kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Đóng góp vào sự tăng trưởng này chủ yếu là khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng.

Sau khi nghe UBND TP báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, quyết toán ngân sách 2005, thực hiện ngân sách năm 2006, dự toán thu chi năm 2007, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Minh Hoàng lưu ý: năm 2005 chi vượt dự toán cao đến 66,4%, chi ngân sách dự phòng chưa đúng nội dung theo quy định, đề nghị phải điều chỉnh khắc phục trong quản lý điều hành ngân sách.

Do vậy, ông Hoàng đề nghị, trong năm 2007, UBND TP cần chỉ đạo Sở KH-ĐT hàng năm có báo cáo về hiệu quả kinh tế của việc đầu tư các dự án, công trình; Sở Tài chính báo cáo về hiệu quả sử dụng đồng vốn đầu tư. Để khắc phục tình trạng chi vượt dự toán, UBND TP cần phải báo cáo HĐND TP quá trình thực hiện dự toán ngân sách năm trong các kỳ họp theo luật định.

Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang thẳng thắn: “Tôi cũng đang là giám đốc một doanh nghiệp lớn, nhưng thú thật nhìn vào các báo cáo không hiểu hết, thế mà tý nữa vẫn phải quyết, thông qua. Khi đại biểu đưa tay biểu quyết thông qua hàng chục ngàn tỷ đồng như thế này, ít nhất anh phải hiểu để hỏi, để tranh luận, làm ngân sách đâu phải chỉ nhìn con số thu, số chi mà phải biết số tiền đó được sử dụng như thế nào?”.

Băn khoăn khi biểu quyết về ngân sách ảnh 2

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (bìa trái) và Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo (bìa phải) tiếp xúc cử tri quận 7 tại kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo ông Quang, hậu quả của cách làm này là: Hội đồng đã biểu quyết chi rồi nhưng năm nào cũng vượt chi, mà vượt đến cả 30%! Thế rồi cũng thông qua, không khác “tiền trảm hậu tấu”. Đại biểu (ĐB) Cao Văn Phần bức xúc: Trừ những trường hợp bất khả kháng như bão lũ, cần thiết phải chi, chúng tôi không nói. Nhưng khi HĐND đã quyết rồi mà vẫn phải chi vượt là như thế nào? Đơn cử chi vượt trong năm 2006 ở lĩnh vực văn hóa – thông tin là không thể chấp nhận được bởi vì mỗi năm tổ chức bao nhiêu lễ hội phải biết trước, hội hè đình đám không phải tự nhiên mà đẻ ra được!

Để khắc phục tình trạng “tiền trảm hậu tấu”, ông đề nghị: Cần phải quy định cho phép vượt chi bao nhiêu phần trăm nhất định, nếu vượt quá phải xin phép HĐND. “Cũng may là lâu nay khi tiếp xúc cử tri bà con ít đặt vấn đề ngân sách, chứ có hỏi ĐB cũng chỉ biết nghe mà thôi! Trong một hai năm nữa mà còn làm như thế này có an toàn không, giá trị của người ĐB cần phải được bảo vệ” – ĐB Nguyễn An Bình tâm tư. Ông tiếp tục: “Không ai có một bộ óc siêu việt nào mà chỉ cần vài mươi phút vừa nghe vừa đọc để hiểu và đưa tay quyết định cả mấy chục ngàn tỷ đồng. Biểu quyết về ngân sách, đại biểu cảm thấy... run tay”.

  • Chi đầu tư phát triển thấp hơn tiêu dùng?

ĐB Nguyễn Văn Quang cho biết: Chi thường xuyên năm 2006 của TP đạt 7.208 tỷ đồng, so với dự toán vượt gần 11% (khoảng hơn 700 tỷ đồng). Vậy TP cân đối từ khoản nào nếu không phải là lấy từ các nguồn huy động ngoài xã hội như phát hành trái phiếu, đấu giá quyền sử dụng đất, vay các khoản từ nguồn vốn vay khác?

Nhiều ĐB băn khoăn: năm 2006 TP dùng 52% chi thường xuyên và 47% cho đầu tư phát triển, như thế đã là không bình thường. Còn năm 2007, dự toán dành cho đầu tư phát triển cũng vẫn thấp hơn cho tiêu dùng (38% so với 54%). Theo ĐB Đặng Văn Khoa: “Dự toán chênh lệch năm 2005 là 66,4% và năm 2006 khoảng 30%, như thế cần xem xét lại chất lượng dự báo!”.

ĐB Nguyễn Văn Quang đề nghị: TP cần xem xét các khoản nào chi không hợp lý và không cần thiết thì kiên quyết cắt bỏ. Sau khi nghe Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng báo cáo giải trình khá chi tiết lý do vì sao vượt chi, tỏ vẻ chưa hài lòng, ĐB Nguyễn An Bình liền nói: “Không phải tôi lắm sự, chúng tôi muốn biết các công trình đầu tư đã mang lại hiệu quả chưa?”. ĐB Phạm Minh Trí tiếp lời “Theo luật vượt chi so với dự toán là sai, không những thế chi ngân sách dự phòng cũng không đúng, chúng tôi chỉ yêu cầu UBND TP phải rút kinh nghiệm việc này”.

Theo giải trình của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng, các khoản chi vượt dự toán là do nhiều cái chưa lường trước. Ngoài ra, nhiều “khoản chi chẳng thể đừng” như chi 8 tỷ đồng trả lương 439 biên chế tăng thêm trong bộ máy từ TP tới phường - xã; mua trang thiết bị cho 317 phường - xã; trợ giá xe buýt; mua sắm ô tô cho đơn vị mới thành lập… ĐB Võ Văn Sen chưa đồng tình: “Hình như UBND TP có cái gì đó hơi tùy tiện khi chi sai nguyên tắc, không thể dùng quỹ dự phòng để mua xe hơi được, có luật nào cho phép làm như thế đâu”.

Sau hai lần giải trình của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng các đại biểu mới đưa tay biểu quyết thông qua quyết toán năm 2005 và dự toán, phân bổ ngân sách năm 2007.

TUẤN SƠN - TRẦN TOÀN

  • Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo:
    UBND TP phải báo để ĐB biết tình hình nợ của TP

Theo ý kiến đề nghị và phát biểu của các đại biểu, HĐND TP tiếp thu 3 vấn đề. Thứ nhất, sẽ đề nghị Trung ương có một cơ chế tài chính đặc thù cho những thành phố lớn như TPHCM. Thứ hai, bố trí thời gian để tập huấn về kiến thức ngân sách cho các đại biểu. Thứ ba, lưu ý UBND TP sắp tới thu chi phải làm theo luật. Chi quỹ dự phòng phải đúng quy định thường xuyên báo cáo HĐND TP. Chính phủ còn phải báo cáo Quốc hội tình hình nợ như thế nào thì UBND TP phải báo để ĐB biết tình hình nợ của TP. Danh mục đầu tư phải gửi sớm để ĐB có thời gian xem xét nghiên cứu, chứ cập rập quá không khéo chúng ta chỉ làm một cách hình thức.

Tin cùng chuyên mục