
Hôm qua (25-10), Quốc hội đã tiến hành thảo luận 2 dự án luật được nhiều người quan tâm: Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đa số ý kiến đều ủng hộ việc ban hành 2 đạo luật quan trọng này, nhưng các biện pháp thực hiện phòng chống tham nhũng và lãng phí được đưa ra dường như vẫn khiến ĐBQH băn khoăn về tính khả thi.
Cấp dưới sai phạm, cấp trên chịu trách nhiệm đến đâu?
Liên quan đến một quy định không kém phần quan trọng trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của người đứng đầu, đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng, nguyên nhân làm cho hoạt động phòng chống tham nhũng vừa qua đạt hiệu quả kém là việc xử lý chưa nghiêm những người đứng đầu ở những nơi xảy ra tiêu cực.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Bùi Thị Trung Hà phát biểu ý kiến
Theo dự luật, khi tham nhũng xảy ra, tùy theo tính chất mức độ người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp, hoặc trách nhiệm liên đới. Đại biểu Trần Huỳnh Mến (Đồng Tháp) cho rằng, nếu chỉ quy định như vậy là chưa đầy đủ: “Cần quy định rõ hơn phạm vi giới hạn nào để người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp”.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đặng Văn Xướng trăn trở: “Với vụ tiêu cực điện kế điện tử, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam có chịu trách nhiệm hay không? Hay vụ tiêu cực dầu khí và Trưởng đoàn thanh tra nhận hối lộ, có xử lý trách nhiệm liên đới của lãnh đạo cấp trên không”.
“Tiêu cực xảy ra trong một bộ, một sở thì dễ xác định người đứng đầu, nhưng nếu xảy ra ở một địa phương thì xác định người đứng đầu là ai, đồng chí bí thư hay chủ tịch? Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Mỵ (Quảng Trị) nói.
Nhìn đâu cũng thấy... lãng phí
Thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo đại biểu Trần Viết Quốc (Quảng Trị), một thất thoát lãng phí những năm qua mà ai cũng nhìn thấy nhưng chưa khắc phục được đó là việc đào đường: dự án cấp thoát nước đào đường xong lại đến hệ thống điện, bưu chính viễn thông. Ngành này “giẫm đạp” lên ngành kia mà không có sự kết hợp với nhau, gây lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước.
Một lãng phí khác được nhiều đại biểu đề cập đến là lãng phí nguồn nhân lực. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La), thực tế chúng ta rất thiếu lao động có tay nghề cao, nhưng nhiều cán bộ tay nghề cao được đào tạo lại sử dụng vào công việc khác. “Tôi đọc được thông tin một tiến sĩ của trường đại học có luận án được đồng nghiệp quốc tế đánh giá xuất sắc, nhưng khi về nước ông được giao cho công việc theo dõi việc đi muộn về sớm của giáo viên!” - đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy bức xúc nói.
Còn đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) kể, cách đây 7 năm, ở Đà Nẵng hàng năm phải bù lỗ khoảng 400 triệu đồng cho việc in thơ, thơ không hay lắm nhưng rồi vẫn in và ngân sách phải gánh chịu. Hay như việc mỗi năm chi khoảng 3 tỷ đồng cho các cơ quan, ban ngành học tiếng Anh. Mỗi lần mời thầy về dạy, lại tốn 30 - 40 triệu đồng: “Ban Dân vận thì học tiếng Anh để làm gì? Học 3 năm, mất gần chục tỷ đồng. Tôi không đồng ý cho học tiếng Anh kiểu đó, nhưng khi thành phố cắt những khoản chi phí trên thì lại bị phản ứng quyết liệt”.
Quy định còn thiếu tính khả thi
Để quy trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan xảy ra lãng phí, dự án Luật đã quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc mua sắm phương tiện; rà soát kiểm tra; xây dựng các biện pháp tiết kiệm... Nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy, mỗi bộ, ngành, địa phương đều có nhiều đơn vị, công ty trực thuộc và đều đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị trong việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu như quy định trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thì để xử lý được những vấn đề đó họ phải nắm được công việc cụ thể, như vậy việc chung sẽ khó giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh chỉ ra một hạn chế trong dự án Luật là quy định công dân có quyền giám sát việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, phát hiện kịp thời, báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Nghe thì có vẻ hay nhưng lại rất khó thực hiện.
Chẳng hạn “ông” cấp huyện lãng phí, báo lên cho “ông” cấp tỉnh, nhưng “ông” cấp tỉnh còn lãng phí hơn “ông” cấp huyện thì làm sao! Trong khi Luật chỉ quy định nếu làm sai về lãng phí dù ở mức độ nào thì cũng chỉ bồi thường hoặc phạt hành chính mà không thấy nói tới xử lý hình sự. Chỉ có Điều 65 đề cập tới xử lý trách nhiệm hình sự nhưng kèm theo điều kiện “có dấu hiệu tội phạm”. Cứ đà này sẽ tiếp tục xảy ra những nhà máy đường, hồ thủy lợi không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của nhân dân” - đại biểu Nguyễn Bá Thanh nói.
Hôm nay (26-10), Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về dự án Luật Thanh niên và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Thủ tướng sẽ đứng đầu Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng? |
NHÓM PV