Bâng khuâng một tiếng gà trưa

Bâng khuâng một tiếng gà trưa

Cả tháng nay, giữa chung cư, cứ khoảng 9-10 giờ là lanh lảnh tiếng gà. Đó là tiếng cục tác của gà mới đẻ. Giấc này vắng vẻ, yên tĩnh lắm. Trẻ con thì đi nhà trẻ, người lớn chưa đi làm về. Trong trẻo, nguyên lành, tinh khôi, thanh sạch làm sao. Tiếng gà gợi nhớ những ngày mưa vật vã bên chuồng gà dột nát bên cồn Cái Khế, sáng sáng cả vợ lẫn chồng đảo khắp chuồng tìm trứng để gom lại đưa cho chị Ba hàng xóm thêm “tiền còm” cho bữa ăn trưa; nhớ tô canh rau tập tàng hái vội bên hàng rào; tiếng xình xịch của máy ghe nơi đầu vàm... Rồi nỗi nhớ lần hồi đến quê xa sương giăng đơm đầy mái nhà, khói sà lãng đãng cánh đồng xa; đàn gà con lanh chanh bên mẹ và những chú trâu đủng đỉnh đường làng ngập rơm vàng óng, tiếng gọi đò thăm thẳm trong đêm sâu…

Cái chung cư này mới có mấy năm, tụ hội muôn nẻo người về. Chung cư nơi phố hội nên gần trường, gần bệnh viện, siêu thị, nhà sách, người xe chật như nêm nhưng anh Tám mới dọn về tầng 5 lại tần ngần “Cái gì cũng lạ cũng hay nhưng… thiếu thiếu cái gì đó”. Chả cần ở lâu mới thấm thía cái “thiếu thiếu” anh nói. Cả chung cư lớn vậy mà cây cối, mảng xanh đi đâu hết trọi. Không còn không gian khoáng đãng căng đầy lồng ngực, không có tấm ván nhô ra rửa rau, rửa chén bên con rạch nhỏ; không có mớ rau mớ cá mới tát đìa mà chị Ba mang sang mời “ăn lấy thảo” rồi cái bàn thờ ông Thiên trước sân nhà; hay đám cưới rần rang đến mấy ngày bên nhà bác Sáu…

Ở chung cư bây giờ hầu như là dân công chức, sáng đi tối về, mấy người đã biết đến nhau? Anh nhỏ nhẹ bảo rằng cái tình “tối lửa tắt đèn” hầu như đã nhạt phai lắm rồi. Còn tay bán vé số thì tưng tửng: “Cho tiền cũng không vô đây ở. Đám ma gì mà chỉ có khoảng chục người đến viếng, trống huơ trống hoác, thua dưới con xa”. Tư Huy dặn bạn: Cá lòng tong mà bằng trằn trặn là rởm bởi trong đàn luôn có đứa ra trước đứa ra sau. Cá ép đầy chợ tanh mùi thức ăn tổng hợp lắm. Muốn ăn gà vườn bây giờ không dễ, gà công nghiệp cả đấy. Rẻ thì có rẻ nhưng sao thơm ngọt, săn chắc, vàng ươm như gà ta bươn bả mổ thóc trên đường làng. Cá đồng vì sao cứ đi hoài đi mãi lại là câu hỏi buồn. Đám cá ròng ròng phận mỏng như sương bây giờ càng hoảng loạn bởi xiệc điện hoặc lưới rê chặn đuổi nơi nơi. Giật mình ngẫm lại cái còn, cái mất trong sự bùng nổ, phát triển, hội nhập hôm nay?

Trước khi khánh thành cầu Cần Thơ mấy tuần, tình cờ gặp hai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ ngay trên nơi cao nhất của cây cầu thế kỷ. Ông Tám Thanh (Lư Văn Điền) tần ngần khi nói chỉ còn hai nơi để nhìn ngắm “Cần Thơ xưa”. Đó là một rặng dừa nước xanh mướt chạy dài giáp Ô Môn và ngã ba sông nơi có cây cầu thế kỷ vắt ngang. Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), một chợ nổi đã có cả trăm năm, làm nên một phần bản sắc văn hóa của “sông nước miệt vườn” đã tuột trôi hết vào dĩ vãng? Thế hệ cháu con bây giờ nhiều đứa sao không còn muốn nghe cha ông kể lại những câu chuyện về ngôi làng, dòng họ, gia đình mình nữa? Lễ hội Kỳ yên cổ truyền dâng tặng đất đai thổ thần sao “xảm” cả trò chơi cờ gian bạc lận, tóc xanh, tóc đỏ ngoài sân đình? Âm nhạc tài tử miền Nam có gốc từ âm nhạc đất Thần kinh, đi dần vào phương Nam theo bước chân lưu dân mở cõi và định hình, phát triển tại đây đang được trình UNESCO phê duyệt di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong các buổi tọa đàm, người ta lo lắng nhiều về việc bảo tồn tính nguyên bản của 20 bản tổ; về sự pha tạp, biến tướng với cải lương trong cả lời ca lẫn nhạc cụ, hình thức biểu diễn và cả sự nhạt phai của lớp trẻ ngày nay đối với loại hình này…

Ảnh: THANH SƠN

Ảnh: THANH SƠN

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Ngày trước cụ Tú Xương đã đau quặn trong đêm vắng khi tâm trí còn vọng tiếng gọi đò trên con sông đã lấp. Sông Lấp là của Nam Định, nhưng tiếng gọi đò thì đã thành tiếng gọi hồn sông núi của con dân cả nước.

Cả vùng châu thổ Cửu Long đã thay đổi, thay đổi nhiều rồi. Cả chục thị xã lên thành phố. Nhiều công trình, hạng mục hiện đại, tiện lợi phục vụ cư dân thi nhau mọc lên. Có khu dân cư, có nhà biệt thự… tụ về cả hàng ngàn dân. Đường sá mở rộng, ngang tắt đều thênh thang. Lên Sài Gòn bây giờ đâu cực nắng phơi sương xếp hàng rồng rắn; cứ ngồi nhà rồi gọi điện thoại là nhà xe đến rước. Chị Tư, chị Sáu dù chỉ mua cân thịt, mớ rau lâu lâu vẫn khoái nhịp chân trong thang máy siêu thị “mới đã”. Shop bán hàng hiệu, cao cấp nhấp nháy đèn màu nhan nhản. Đến trẻ con cũng có “Alo” cầm tay để phụ huynh “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. “Gần chục năm trước, mấy ai tưởng tượng được như vầy”, thím Ba nói vậy. Rõ ràng đô thị hóa, công nghiệp hóa buộc con người phải chuyển động nhanh, theo nhịp sống mới. Một khi, một nơi đã có hiện tượng đô thị hóa, công nghiệp hóa thì nơi ấy đòi hỏi một lối sống khác, một cách cư xử văn hóa khác, không thể chậm chạp, thụ động như trước nữa. Quy luật đi lên là tất yếu, là đòi hỏi của mỗi người và mọi người.

Tuy nhiên, có những giá trị văn hóa, nét đẹp, mỹ tục phải lưu giữ, nếu phai nhạt, mất đi sẽ khiến người ta trăn trở lắm, cho dù đủ đầy vật chất. Vậy mà điều đáng sợ ấy lại đang diễn ra lặng lẽ, âm ỉ, “ngọt ngào” ở nhiều nơi, trong cả những ngôi làng, xóm ấp vốn mộc mạc, bình dị yêu quý của chúng ta. Phải bảo tồn, lưu giữ bản sắc, nét đẹp truyền thống trong xu hướng hội nhập đa chiều, dưới tốc độ cao, biến động chưa từng có trên mảnh đất vốn nặng thuần nông, chất phác miệt vườn thế nào hóa ra không phải chuyện nhỏ, chuyện dễ. Nó thật sự “nặng” lắm, còn day dứt lắm. Nếu làm không tròn, làm không được thì thật nguy. Một cộng đồng, một dân tộc đã mất đi bản sắc, đặc trưng văn hóa của mình thì chẳng còn gì cả. Mất rồi, còn gì để sau này phải đau? Vấn đề đặt ra là văn hóa truyền thống sẽ bị biến dạng, mất đi trong quá trình “va đập” hay là thích nghi, biết cách xử lý thông minh với các điều kiện mới để hòa nhập với văn minh đô thị, với hội nhập thế giới. Không gian văn hóa nào, không gian di tích nào cần được chỉ ra, định rõ, chuẩn hóa để giữ gìn, bảo tồn?

Nét đẹp trong tâm thức Việt đã lưu truyền bao thế hệ. Hơn 300 năm qua trên vùng đất oằn nặng phù sa này, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn đồng hành, phát triển theo năm tháng. Bâng khuâng một tiếng gà trưa…

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục