Chưa lúc nào nguy cơ cháy ở TPHCM tăng cao như lúc này, khi thời tiết hanh khô - nắng nóng kéo dài, nhưng người dân lại thiếu ý thức, vi phạm nhiều lỗi an toàn PCCC trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh… Ngành chức năng làm gì để phòng ngừa cháy nổ xảy ra?
Tăng nguy cơ cháy
Chỉ trong 10 ngày (từ ngày 10 đến 20-4), trên địa bàn TPHCM xảy ra gần chục vụ cháy lớn nhỏ. Đối tượng cháy là các bãi rác phế liệu, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất - kinh doanh cá thể. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do người dân bất cẩn trong sử dụng điện, sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa (đốt rác rồi bỏ đi, vứt tàn thuốc vào nơi có vật liệu dễ cháy, tự ý câu mắc điện…).
Thực tế tại nhiều khu dân cư, chung cư, chợ, cơ sở sản xuất tại các quận 6, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp… trong những ngày qua, chúng tôi ghi nhận hành vi vi phạm an toàn điện trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân diễn ra rất phổ biến. Trời nhá nhem tối, lề đường Phạm Thế Hiển đoạn trước chợ Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8) xuất hiện hàng chục xe đẩy bán hột vịt lộn, nước mía, bún bò. Để có đủ ánh sáng kinh doanh, nhiều người tự ý câu mắc điện trên những trụ điện ven đường. Chủ một tiệm hớt tóc gần chợ Phạm Thế Hiển cho biết, đầu tháng 4-2016, tại đây đã xảy ra sự cố cháy do nhiều người kinh doanh câu chung một dây điện dẫn đến quá tải, làm chập điện và cháy lan. Sau sự việc, chính quyền địa phương đến nhắc nhở những người buôn bán, tuy nhiên đến nay các vi phạm vẫn cứ tồn tại!
Cảnh sát PCCC TPHCM chữa cháy tại một bãi rác phế liệu hồi đầu tháng 4-2016
Trưa 19-4, tại chợ Bình Tây (quận 6), bất chấp nguy hiểm, nhiều tiểu thương là nam vừa bán hàng vừa phì phèo thuốc lá và vứt tàn thuốc ngay dưới sạp. Cạnh đó, hàng hóa, hộp các tông, dây nhựa, bao ni lông chất san sát. Hậu quả sẽ rất khó lường nếu lửa bén vào các vật liệu dễ cháy nêu trên. Đã vậy, khi được nhắc nhở, một tiểu thương tỏ ra không quan tâm: “Lo xa, tàn thuốc chứ bom xăng đầu mà sợ cháy”. Tương tự, tại chợ tạm ấp 4A (Bình Hưng, Bình Chánh), chợ An Đông (quận 5), chợ Ông Địa (quận Tân Bình)…, nhiều tiểu thương vô tư sử dụng đèn cầy đốt lửa để bọc miệng bao ni lông ngay tại sạp chợ. Có trường hợp bỏ đi nơi khác khi đèn cầy còn cháy cạnh bên đống bao bì.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, đối với những cơ sở, khu vực, địa điểm đã kiểm tra, đơn vị sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phúc tra sau một tháng, nếu phát hiện tiếp tục vi phạm sẽ tạm đình chỉ hoạt động, quyết không để vi phạm tồn tại, cháy nổ xảy ra. “Ở thời điểm nắng nóng gay gắt này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thực hiện giải pháp phòng ngừa vào các đối tượng dễ xảy ra cháy như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chung cư, cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ. Ngoài việc kiểm tra xử lý mạnh tay các vi phạm, cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với các quận, huyện rà soát, khắc phục các tồn tại, bất cập như: lắp thêm trụ nước bị thiếu, tập huấn phương án chữa cháy, đồng thời thường xuyên tuyên truyền Luật PCCC cho người dân… nhằm nâng cao hiệu quả phòng và chữa cháy”, Trung tá Nguyễn Đức Vinh, Phó phòng Hướng dẫn chỉ đạo phòng cháy - Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết.
Trong khi đó, các phòng cảnh sát PCCC quận, huyện đang triển khai các giải pháp phòng ngừa cháy nổ theo tình hình thực tế ở địa bàn. Đại tá Nguyễn Thành Danh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 6, cho biết đơn vị đang đề nghị Phòng Quản lý đô thị quận 6, UBND các phường của quận tổ chức rào chắn 6 khu đất trống, công trình dang dở đang trở thành những bãi chứa rác công cộng của người dân. “Sau khi rào chắn xong, cảnh sát PCCC sẽ tổ chức đốt, xử lý số rác trong các khu đất trống trước khi sự cố cháy, cháy lan xảy ra”, Đại tá Danh nói. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC quận 6 cũng đang triển khai lắp mới 40 trụ nước chữa cháy còn thiếu trên địa bàn, nhằm tránh bị động trong chữa cháy. Ở khu vực trung tâm, các Phòng Cảnh sát PCCC quận 8, 1 và 3 kêu gọi các hộ kinh doanh cá thể không sử dụng nhà ống để vừa ở vừa kinh doanh, sẽ dễ dẫn đến cháy nổ. Trường hợp xảy ra cháy nổ sẽ rất khó thoát hiểm vì hàng hóa làm bít lối thoát hiểm phía trước.
| |
TUẤN VŨ