Vụ lúa Đông-Xuân 2006-2007 ở ĐBSCL

Báo động nguy cơ đại dịch

70% lượng rầy nâu đều mang virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) dẫn tới tác hại nghiêm trọng là lúa không thể trổ bông, làm đòng được. Hiện có gần 80.000/123.645 ha lúa đông-xuân sớm ở ĐBSCL bị nhiễm bệnh VL-LXL. Một số địa phương bắt đầu lúng túng trong việc phòng chống. Nhiều khả năng đại dịch sẽ diễn ra ngay trong vụ đông-xuân này - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đã cảnh báo.
Báo động nguy cơ đại dịch

70% lượng rầy nâu đều mang virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) dẫn tới tác hại nghiêm trọng là lúa không thể trổ bông, làm đòng được. Hiện có gần 80.000/123.645 ha lúa đông-xuân sớm ở ĐBSCL bị nhiễm bệnh VL-LXL. Một số địa phương bắt đầu lúng túng trong việc phòng chống. Nhiều khả năng đại dịch sẽ diễn ra ngay trong vụ đông-xuân này - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đã cảnh báo.

  • Thiếu giống nghiêm trọng, nông dân xuống giống nhiễm rầy

Các loại giống có khả năng kháng rầy ở mức chấp nhận được (theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp) như OMCS 2000, IR 50404, OM 2517, OM 4498, OM 4495, OM 2395, VĐN 95-20, AS 996, IR 64… đang khan hiếm và tăng giá rất cao tại ĐBSCL. Tại huyện lúa Tân Hiệp (Kiên Giang) các giống lúa nhiễm rầy nhẹ, phẩm chất gạo khá tốt như: OM 4495, OM 4498, OM 2359, OM 2517 đều hết.

Báo động nguy cơ đại dịch ảnh 1
Rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang có nguy cơ lan rộng.

Trung tâm giống nông nghiệp Hậu Giang mới xuất bán cho dân hơn 20 tấn giống, nhưng trong kho chỉ còn 80 tấn. Trung tâm giống cây trồng Tiền Giang được giao nhiệm vụ chuẩn bị 1.500 tấn giống để hỗ trợ cho dân nghèo và hộ chính sách nhưng tới nay chỉ được 800 tấn.

Trong khi đó, tại Bạc Liêu đã hết lúa giống. Theo Sở NN-PTNT ĐồngTháp, nhu cầu giống cho vụ đông-xuân của tỉnh khoảng 24.000 tấn nhưng ngành nông nghiệp đáp ứng chưa tới 10%. Số còn lại người dân tự lo.

Nhu cầu tăng mạnh đã đẩy giá lúa giống tại ĐBSCL lên rất cao, từ 6.000-7.500 đồng/kg, hơn 500-1.000 đồng/kg so với giá bán của các trung tâm giống. Riêng giống nguyên chủng có giá từ 6.500-8.800 đồng/kg… Tình hình sẽ rất nghiêm trọng nếu như diện tích xuống giống sớm bị mưa chụp phải sạ lại.

Đáng quan ngại là chính vì thiếu, sốt giá lúa giống nên rất nhiều nông dân đã xuống giống lúa nhiễm rầy rất cao. Theo Sở NN-PTNT Cần Thơ, năm nay địa phương cân đối đủ giống. Nhưng thực tế tại huyện Vĩnh Thạnh, ông Đỗ Sĩ Nhường-Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: “Các giống như khuyến cáo của ngành nông nghiệp thiếu trầm trọng.

Chủ yếu nông dân Vĩnh Thạnh chuẩn bị là các giống Jasmine 85, OM 2517, OM 2514 (giống nhiễm rầy cực kỳ nguy hiểm) từ 50%-80%”. Tại Cờ Đỏ trên 30%, tại Thốt Nốt, Ô Môn hơn 40%. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Long An, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp…

  • Có nơi nhiễm bệnh 40%-50% vẫn không tiêu hủy

PGS-TS Mai Thành Phụng, Phó ban Chỉ đạo phòng chống rầy nâu, VL-LXL, cho biết: Trong tuần qua diện tích nhiễm bệnh VL-LXL tăng thêm 3.800 ha, nâng tổng số diện tích nhiễm các loại bệnh này lên gần 80.000 ha. Nghiêm trọng nhất là các tỉnh Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long…

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, hiện tại Long An, Tiền Giang đã công bố dịch; tỉnh Vĩnh Long đang chuẩn bị công bố, trong khi Trà Vinh đang lúng túng trước diện tích nhiễm bệnh rất lớn, hơn 14.000 ha.

Trong khi đó, Cục Trồng trọt-Bộ NN-PTNT khẳng định: Phải mất ít nhất 5-7 năm nữa mới có bộ giống lúa kháng rầy. Hiện tại, chỉ có các giống nhiễm rầy ít ở mức chấp nhận được. Một thực tế khác, tại nhiều địa phương, nông dân không chịu tiêu hủy lúa, mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh lên tới 40%-50%...

Một thực tế đang quan tâm là liên tiếp 3 thập niên qua, chu kỳ khoảng 10 năm, ĐBSCL lại xuất hiện dịch rầy nâu gây hại. Nhưng ngành nông nghiệp vẫn không có được bộ giống kháng rầy hiệu quả. Do chạy theo sản lượng xuất khẩu gạo mà các giống lúa chủ yếu bị nhiễm rầy cao được sử dụng với tỷ lệ lớn, trên 30% diện tích gieo sạ…!

Theo nhận định của Bộ NN-PTNT: Tới đây, khi 1,6 triệu ha xuống giống đông-xuân, nếu chúng ta không làm quyết liệt thì đại dịch chắc chắn xảy ra và tàn phá cả vụ hè-thu tới.

Hậu quả rất nghiêm trọng, nhất là vấn đề an ninh lương thực. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đang khẩn trương tới 13 tỉnh, thành ĐBSCL kiểm tra, chỉ đạo triển khai chiến dịch chống rầy nâu, bệnh VL-LXL bảo vệ vụ đông-xuân.

Tại hội nghị phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL ở TP Cần Thơ ngày 28-10, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết: “Phải huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân tham gia; tiến hành đồng bộ, có hệ thống mới đạt hiệu quả tốt. Tuyên truyền vận động cho dân hiểu và đặt lợi ích của mình gắn với lợi ích cộng đồng. Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường nhân lực ở Cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật vào hỗ trợ cho ĐBSCL. Dứt khoát phải áp dụng biện pháp mạnh là tiêu hủy đối với diện tích bị nhiễm lớn. Không để tình trạng nhiễm 40%-50% nhưng không tiêu hủy ở Thốt Nốt-Cần Thơ và một số địa phương khác lập lại là rất nguy hại. Ngay tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ phát hành sổ tay phòng chống rầy nâu, VL-LXL cung cấp cho nông dân…”.

 PGS-TS Mai Thành Phụng lưu ý: Từ nay tới cuối năm sẽ có 2 đợt rầy nâu lớn. Đợt 1 từ 15 đến 20-11, tổng số rầy di trú ở mức độ trung bình. Đợt 2 từ 15 đến 20-12 mật độ cao nhất. Nông dân cần thực hiện nghiêm túc 4 gói giải pháp: Thứ 1: quản lý dịch bệnh-diện tích nhiễm bệnh 10% là phải tiêu hủy ngay. Thứ 2: quản lý rầy nâu. Trong tình hình này, biện pháp khoa học phải được coi trọng hàng đầu. Bảo vệ lúa non 30 ngày tuổi, không để rầy chích hút bằng cách xử lý giống, che chắn bằng nước, sạ ngầm. Sau đó xịt rầy cám bằng các loại thuốc lưu dẫn, chống lột xác. Diệt rầy trước khi gặt, cũng như trước khi tiêu hủy để tránh lây lan mầm bệnh. Thứ 3: áp dụng đồng bộ các giải pháp: giống kháng, sạ thưa sạ hàng, hạn chế bón phân đạm (chỉ bón khoảng 80% nhu cầu), dùng chất kháng cho lúa như chế phẩm dinh học… Thứ 4 là tổ chức thực hiện, canh con nước, lứa rầy để né các đợt rầy tiến hành gieo sạ. Nông dân xuống giống lúa cần xác định đúng thời điểm, khi thấy rầy vào đèn là bắt đầu ngâm xuống, chuẩn bị sạ. Do đó thời điểm gieo sạ thích hợp nhất là 18-25 tháng 11 và 18-25 tháng 12, sau đó phải bám sát diễn biến trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời.

BÌNH ĐẠI-CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục