Báo động tận diệt cát sông

 
Thời gian vừa qua, khai thác cát trở thành vấn đề nóng của hầu hết các địa phương từ Bắc chí Nam, thậm chí cả ở khu vực Tây Nguyên, mà đỉnh điểm có lẽ là vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị nhắn tin đe dọa vì kiến nghị ngừng dự án nạo vét luồng lạch sông Cầu, kết hợp tận thu sản phẩm (thật ra là khai thác cát). Hàng chục vụ sạt lở bờ sông ở ĐBSCL, bồi lấp cửa biển ở miền Trung…, nguyên nhân chính được chỉ ra cũng là do khai thác cát.
Tại ĐBSCL, khai thác cát diễn ra liên tục và thường xuyên, có phép lẫn không phép, khiến các ngành chức năng ở địa phương và người dân đứng ngồi không yên. Đáng lưu ý là việc quản lý các mỏ cát có cấp phép chưa chặt chẽ, nên xảy ra tình trạng mua bán vô tội vạ. Chỉ sau hơn một tuần lễ ra quân (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5-2017), Công an TP Cần Thơ đã bắt giữ 28 sà lan chở cát không hóa đơn chứng từ. Trong số này, có sà lan chở cả ngàn mét khối cát, neo đậu kín cả một khúc sông Hậu. 
Theo một cán bộ điều tra Công an TP Cần Thơ, nguyên do các mỏ cát không xuất hóa đơn hoặc xuất không đúng số lượng. Ngoài những sà lan hoàn toàn không khai báo được nguồn gốc, nhiều khả năng mua từ nguồn cát khai thác lậu, số còn lại có thể mua từ các mỏ cát có giấy phép khai thác. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, mỗi mỏ cát khi xin cấp phép khai thác đều phải đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường. Dựa vào đó, địa phương sẽ cấp phép nhưng khống chế về trữ lượng khai thác của cả mỏ, trữ lượng khai thác từng ngày, từng năm và theo dõi qua sổ nhật ký khai thác... “Việc khống chế trên dẫn đến thực trạng các mỏ cát sẽ xuất hóa đơn ít hơn nhiều so với trữ lượng bán ra nhằm khai thác nhiều hơn mức cho phép để trục lợi. Điều này sẽ rất nguy hiểm đến môi trường nếu các cơ quan chức năng của địa phương không có sự giám sát chặt chẽ”, vị cán bộ điều tra nhận định. 

Theo kết quả điều tra khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), trữ lượng cát lòng sông Cửu Long khoảng 816 triệu m³. Dự báo nhu cầu sử dụng cát trong tương lai của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL và TPHCM đến năm 2020 lên tới khoảng 1 tỷ m³. Hiện ở ĐBSCL có khoảng 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại các mỏ cát dọc sông Cửu Long, khối lượng khai thác hàng năm khoảng 28 triệu m³. Như vậy, với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa. Nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này mà không xem xét tác động đến môi trường, hậu quả sẽ rất khó lường.

Các chuyên gia cho rằng, quy hoạch khai thác cát của các địa phương hiện nay còn một số vấn đề: Chưa xem xét độ sâu giới hạn được khai thác; chưa tính toán được lượng cát từ thượng nguồn về bồi lắng tại khu vực cấp phép; chưa kết hợp khai thác cát để chỉnh trị lòng sông như điều chỉnh dòng chảy, tăng khả năng thoát lũ, cải thiện tuyến giao thông thủy; chưa có quy trình khai thác phù hợp để vừa bảo đảm chất lượng cát vừa giảm thiểu tác động tiêu cực (xói bồi) tại khu vực khai thác cát và vùng lân cận… Một nguyên nhân khác nữa là do thuế, phí tài nguyên khai thác cát quá thấp (chỉ dao động trong khoảng 3.000 - 5.000 đồng/m³) nhưng bán được giá cao nên cát được xem là món hàng siêu lợi nhuận. “Cát tặc” ngày càng gia tăng, khai thác mọi nơi, nguy hiểm nhất là khu vực gần bờ, gần các công trình trên sông, bên sông vì thiết bị khai thác nhỏ, cơ động và chi phí vận chuyển thấp. Có doanh nghiệp được cấp phép còn khai thác khối lượng cát lớn hơn nhiều so với giấy phép, khai thác sai vị trí, sai thời gian… so với giấy phép, dễ làm khó bỏ, gây lãng phí tài nguyên. Ngoài ra, còn có tình trạng các doanh nghiệp chuyển nhượng giấy phép khai thác cho các đơn vị không đủ năng lực. Trong khi đó, lực lượng quản lý quá mỏng, phân định chức năng không rõ ràng, chồng chéo, mức độ xử phạt rất thấp, không đủ sức răn đe đã làm cho hoạt động khai thác cát trên sông Cửu Long trở nên rất phức tạp.

Để quản lý tài nguyên cát sông, tránh tình trạng khai thác bừa bãi và bất cập như hiện nay, ngành tài nguyên và môi trường cần xem xét các dự án liên quan đến nạo vét, khai thác cát đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các dự án “duy tu, nạo vét” cần có luận chứng rõ ràng. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm xem xét, đánh giá việc “duy tu, nạo vét” có thực sự cần thiết cho thoát lũ và giao thông thủy; tác động của “duy tu, nạo vét” có gây sạt lở lòng sông, bờ sông hay không? Đặc biệt, cân nhắc lợi ích tổng hợp của các ngành kinh tế để tránh hiện tượng lợi dụng, núp bóng “duy tu, nạo vét” để khai thác cát trái phép, gây hệ lụy lâu dài cho tương lai.

Tin cùng chuyên mục