Báo động tình hình ô nhiễm kênh rạch

Báo động tình hình ô nhiễm kênh rạch

Vừa qua, Đường dây nóng báo SGGP có nhận được nhiều ý kiến phản ảnh về tình hình ô nhiễm kênh rạch đang diễn ra ở nhiều nơi. Người dân ở khu vực cầu Kinh - Thanh Đa quận Bình Thạnh cho biết nước sông ở khu vực này mấy ngày gần đây có mùi hôi như nước cống… Từ các phản ảnh nêu trên, chúng tôi đã thử làm một cuộc khảo sát thực tế tình hình một số kênh rạch trên địa bàn TPHCM.

  • Ô nhiễm kênh rạch đang gia tăng

Năm nay, do hạn hán kéo dài, lượng mưa ít nên nồng độ ô nhiễm kênh rạch TPHCM có chiều hướng tăng. Con kênh Tân Hóa – Lò Gốm đã nhuộm một màu đen đặc, mùi hôi rất khó chịu. Theo những người dân sống nơi đây, tình trạng này là do nước thải hóa chất của các cơ sở sản xuất từ quận Tân Bình và quận 11 chảy xuống. Tại cầu Tham Lương, một dòng nước xanh lè chảy ra ào ào từ miệng cửa xả dưới chân cầu, hòa vào dòng nước đen có sẵn trong kênh.

Báo động tình hình ô nhiễm kênh rạch ảnh 1

Không lẽ cứ để dòng kênh đầy rác, đen quánh này tồn tại ở TPHCM? Ảnh: ĐĂNG HÀ

Theo lời các công nhân đang làm việc tại công trường thi công ở gần đầu cầu, mỗi ngày nước ở miệng cống xả chảy ra đổi màu 3 - 4 lần, lúc xanh, lúc đỏ, lúc tím… Chắc chắn đây là nước nhuộm vải từ nhà máy dệt đổ ra. Ở Khu công nghiệp Tân Bình, hai bên bờ kênh 19 Tháng 5 được xây kè đá thẳng tắp rất đẹp nhưng nước trong kênh thì cạn sệt và đen quánh, bốc mùi hôi thúi nồng nặc, nhiều chỗ chỉ toàn là rác khiến dòng chảy trong kênh gần như tắc nghẽn.

Được biết, kênh 19 Tháng 5 mới nạo vét cải tạo và nghiệm thu năm 2003, nhưng hiện tại nước ô nhiễm từ các công trình lân cận và rác thải sinh hoạt do người dân và 2 chợ tự phát ven kênh thải xuống kênh gây ô nhiễm và ảnh hưởng dòng chảy trong kênh. KCN Tân Bình cũng đã có 98 đơn vị sản xuất hoạt động nhưng hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xả ra kênh 19 Tháng 5 góp phần gây ô nhiễm nước trong kênh. Nguồn nước ô nhiễm từ kênh 19 Tháng 5 đổ vào kênh Tham Lương đã góp phần nhuộm đen kênh Tham Lương…

Kết quả quan trắc trong năm 2004 cho thấy hầu hết các kênh rạch ở TPHCM đều bị nhiễm bẩn hữu cơ và ô nhiễm vi sinh rất cao. Theo báo cáo kết quả khảo sát chất lượng nước hệ thống kênh rạch TPHCM năm 2004 do Trung tâm Chất lượng nước và môi trường – Phân viện Quy hoạch khảo sát thủy lợi Nam bộ thực hiện, hệ thống kênh rạch nội ô TPHCM tiếp tục bị ô nhiễm nặng với các thành phần BOD5 (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh (coliform) vượt tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần.

Đáng chú ý là ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành chế biến lương thực – thực phẩm cũng góp phần làm gia tăng mức độ ô nhiễm hữu cơ, tạo ra nguy cơ ô nhiễm cao nguồn nước mặt trên sông Sài Gòn. Đặc biệt, hệ thống kênh Tân Hóa – Lò Gốm ô nhiễm nặng nề nhất, cụ thể BOD5 trong năm 2004 dao động từ 127 – 313mg/l, cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Thành phần vi sinh trong kênh này vẫn ở mức rất cao và có xu thế tăng rõ rệt so với năm trước.

  • Nhiều đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải

Ngoài ô nhiễm do rác, nước thải sinh hoạt gây ra thì nguồn nước thải từ các cơ sở sản xuất đã góp phần tăng ô nhiễm cho hệ thống kênh rạch thành phố. Mỗi ngày, Nhà máy Dệt Thành Công xả khoảng 7.000 – 10.000m3 nước thải chưa xử lý ra kênh Tham Lương, vì hiện nay hệ thống xử lý nước thải của nhà máy còn đang ở giai đoạn thiết kế.

Tương tự, nước thải từ nhà máy Bia Sài Gòn cũng đổ thẳng ra hệ thống cống. Một số khu công nghiệp như KCN Tân Bình, KCN Tây Bắc – Củ Chi, KCN Hiệp Phước – Nhà Bè hiện vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải và đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Mặc dù những doanh nghiệp ra đời sau khi có Luật Bảo vệ môi trường đều có hệ thống xử lý nước thải, nhưng nhiều đơn vị vẫn còn mang tính đối phó như có lúc vận hành có lúc không và lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch.

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã phối hợp với UBND các huyện, xã và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, phúc tra các đơn vị sản xuất dọc kênh Thầy Cai – An Hạ. Kết quả kiểm tra cho thấy tình hình ô nhiễm nguồn nước kênh Thầy Cai – An Hạ phần lớn là do nước thải chưa được xử lý từ các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Đã có 34/57 đơn vị sản xuất thuộc huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi bị kiểm tra và có quyết định xử phạt.

Đoàn kiểm tra đề xuất xử lý: phạt tiền 21/34 đơn vị và buộc phải xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải; phạt tiền 9 đơn vị không vận hành hệ thống xử lý nước thải; phạt cảnh cáo và yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đối với 3 đơn vị; phạt cảnh cáo KCN Lê Minh Xuân, yêu cầu kiểm tra việc đấu nối thoát nước; và xử lý nước thải cục bộ của các cơ sở trong khu công nghiệp vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để giảm thiểu ô nhiễm, cần tăng cường hơn nữa chế độ giám sát tại địa phương để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, đặc biệt là phát huy vai trò giám sát của cộng đồng. Ngoài xử phạt bằng tiền, cần có các hình thức chế tài như niêm phong cầu dao điện và buộc dừng sản xuất đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. 

XUÂN HƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục