
Hàng rong – một hình thức thương mại – văn hóa truyền thống ở nước ta từ nhiều đời nay nhưng nay đang trở thành nguy cơ cho nền văn minh đô thị khi hình thức buôn bán này ngày càng tràn lan theo làn sóng dân nhập cư ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở TPHCM.
- Hàng rong - xe đẩy: Tung tẩy khắp nơi
Chiều ngày 9-12-2004, cùng sự rộn ràng của hàng ngàn cổ động viên bóng đá Việt Nam đến hưởng ứng trận đấu Việt Nam – Campuchia qua buổi xem truyền hình trực tiếp tại Nhà văn hóa Thanh niên, hàng chục xe đẩy bán hàng rong các loại cũng xuống đường phục vụ tận chỗ các quý khách.

Buôn bán dưới lòng đường.
Cả một đoạn đường dài ngay khu trung tâm thành phố bỗng trở nên nhếch nhác với những xe bán bắp luộc, bắp xào, hột vịt lộn, xôi, bánh mì nướng… Đây không phải là ngày duy nhất những con đường đẹp đẽ ở ngay trung tâm thành phố phải “chịu trận” bởi những hình ảnh này.
Trung tá Vũ Văn Hiển – Phó trưởng Công an phường 6, quận 3 cho biết: Trước đây, mỗi khi các quán cà phê quanh Hồ con rùa lên đèn là hàng đoàn xe đẩy bán hàng rong các loại cũng tụ tập hết về đây xào nấu rất hồn nhiên, dân tình mua hàng ăn xong cũng hồn nhiên xả rác ra đường, phá hỏng nét đẹp của cả khu trung tâm này.
Từ khi có Quyết định 1413/QĐ – UB của UBND thành phố về việc hạn chế lưu thông và dừng đậu các loại xe 3 bánh, xe bán hàng rong trên địa bàn thành phố, Công an phường cùng các lực lượng liên tịch đã nhiều lần ra quân với biện pháp bắt – thu giữ, phạt các loại phương tiện vi phạm để chấn chỉnh tình trạng này.
Tuy nhiên, theo trung tá Hiển, đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này. Cứ bắt, hốt, phạt mấy bữa rồi lại thấy họ đi bán trở lại hoặc thấy công an là họ báo động dây chuyền cho nhau từ xa, rút lui rất kịp thời, chờ xe kiểm tra của công an đi qua lại đẩy ra bán. Lực lượng giữ trật tự thì quá mỏng không thể túc trực 24/24 để canh chừng được.
Hiện nay, làn sóng dân nhập cư vào TPHCM mỗi ngày mỗi tăng (hiện chiếm khoảng 20% dân số thành phố với 1,3 triệu người). Đa số người nhập cư là lao động phổ thông và khá đông người chọn hình thức buôn bán hàng rong – xe đẩy làm kế mưu sinh cho cuộc sống mới ở đô thị.
Số lượng hàng rong – xe đẩy vì thế cũng mỗi ngày mỗi tăng. Và điều này thực sự trở thành mối lo ngại về nhiều phương diện cho các chính quyền địa phương và thành phố. Ông Nguyễn Giang Chung – Đội trưởng đội CSGT – TTCĐ Công an quận 3 cho rằng: không chỉ làm mất mỹ quan đô thị của thành phố, các loại phương tiện này chính là một trong những nguyên nhân gây ách tắc, cản trở giao thông.
- Cần một giải pháp căn cơ
Để lập lại trật tự kỷ cương đô thị, từ năm 2001 đến nay, thành phố đã có nhiều văn bản, chương trình hành động để ngăn chặn sự xuất hiện tràn lan của loại hình buôn bán này.
Đặc biệt với Quyết định 1413/QĐ – UB ngày 4-4-2002 của UBND thành phố về việc hạn chế lưu thông và dừng đậu các loại xe 3 bánh, xe bán hàng rong trên địa bàn thành phố, Chương trình chống kẹt xe nội thị giai đoạn 2001 – 2005 với kế hoạch tổ chức, thực hiện lập lại trật tự, giải tỏa không cho buôn bán bằng bất cứ hình thức nào trên lòng đường và khu vực cầu ở các địa phương; đưa vào xử phạt hành chính các phương tiện vi phạm…

Xe đẩy vô tư xuống đường. Ảnh: K.L.
Tuy nhiên, theo Đại tá Dương Ngọc Khởi, Trưởng Công an quận 3, tất cả chỉ là những giải pháp tình thế, mới dừng lại ở việc bắt – hốt các phương tiện vi phạm hoặc xử phạt hành chính khá nhẹ với mức 20 – 60 ngàn/một phương tiện vi phạm. Vì kế mưu sinh, người dân lại sẵn sàng đóng phạt hoặc sắm lại phương tiện khác để tiếp tục công việc của mình. Vì thế, giải pháp bắt – giữ xem như không hiệu quả, thậm chí còn gây khó khăn cho những cơ quan thi hành nhiệm vụ: không đủ kho bãi để chứa các phương tiện vi phạm.
Cái khó mà đại tá Dương Ngọc Khởi nêu ra trên đây là câu chuyện chung của nhiều địa phương. Không chỉ thế, nhiều địa phương còn e ngại đến những lý do tế nhị khác về việc bắt giữ này.
Một chiến sĩ công an ở phường Bến Thành, quận 1 cho biết: có lần, do dân khiếu nại, phường đã phải can thiệp bắt giữ gần 100 chiếc xe ba gác, xe đẩy. Thế nhưng hôm sau cả gần trăm con người tập trung lên phường năn nỉ, do vừa không có kho bãi để giữ, lại vừa không thể cầm lòng trước những cảnh đời đáng thương của người dân lao động nên các anh đành cho họ đóng phạt và trả phương tiện làm ăn lại cho họ.
Chính vì thế, đại tá Khởi cũng như nhiều vị lãnh đạo ở các địa phương đều có chung một đề nghị: Điều mà thành phố cần hướng tới là phải có giải pháp đồng bộ về chính sách ổn định đời sống người dân. Về mặt nhà nước thì vẫn phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phải có những qui định về ngành nghề để buộc người dân thay đổi cách thức kiếm sống ở đô thị, không phải cứ có nhu cầu là phải đáp ứng.
Song song đó, thành phố cũng như các quận, huyện nên tính đến việc sắp xếp, tổ chức những con đường chuyên biệt để buôn bán loại hình này. Tập hợp những người buôn bán này thành một nghiệp đoàn, có tổ chức, có đại diện và thực hiện đóng phí môi trường… Ở những khu vực trung tâm, nên cho một số đối tượng đăng ký (có giới hạn về số lượng) buôn bán hàng rong với phương tiện đã được trang trí, làm đẹp, dạng như những ki-ốt di động ở một số thành phố lớn trên thế giới.
KIM LIÊN