
Mỗi năm, hàng trăm km đường tại thành phố Hồ Chí Minh được duy tu, sửa chữa, làm mới; việc thi công lắp đặt các công trình ngầm như cáp ngầm điện thoại, điện lực, cống thoát nước, cấp nước… trên nhiều tuyến đường cũng được triển khai. Thế nhưng, công tác kiểm tra, giám sát an toàn tại các công trình trên đường phố còn rất lỏng lẻo.
- Thi công thiếu trách nhiệm!…
Lúc 20 giờ ngày 13-12-2004, anh Nguyễn Văn Hân (sinh năm 1985 ở xã Trung Lập Thượng huyện Củ Chi) chạy xe gắn máy trên đường Hương lộ 2 thuộc ấp Vân Hàn xã Trung Lập Thượng đã tông thẳng vào đống đá do một đơn vị làm đường đổ giữa đường. Hân văng ra xa bất tỉnh và được chuyển vào Trung tâm cấp cứu huyện Củ Chi. Do bị chấn thương sọ não quá nặng, Hân được chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ngày 16-12, chúng tôi đến thăm, Hân vẫn đang còn hôn mê.

Anh Nguyễn Văn Hân-nạn nhân của việc thi công không thực hiện biện pháp an toàn bị tai nạn tối 13-12 đang còn hôn mê tại phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: S.P.
Chính quyền địa phương cho biết tuyến Hương lộ 2 được Công ty Công trình Giao thông Công chánh TP thi công hơn 1 tháng nay. Nhiều người dân ở ấp Vân Hàn bức xúc: Đơn vị thi công rất vô trách nhiệm, họ đổ đá từng đống lớn nằm ngổn ngang trên đường, có chỗ đất đá chiếm 2/3 lòng đường mà không có rào chắn, biển báo theo đúng quy định.
Tuyến đường lại không có đèn đường nên tài xế không xử lý kịp khi phát hiện ra chướng ngại. Kể từ khi tuyến đường này được khởi công, đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra.
Trước đó, công trình làm hệ thống cống thoát nước ở ngã tư Quốc lộ 1A - đường Bà Hom phường Tân Tạo A quận Bình Tân đã thi công xong nhưng hàng chục hố ga nằm xung quanh ngã tư vẫn không có nắp đậy và không được che chắn an toàn.
Khu vực này chưa được gắn hệ thống đèn chiếu sáng nên đã biến các hố ga này trở thành những cái bẫy nguy hiểm cho người đi đường và các phương tiện qua lại. Lúc 22 giờ ngày 1-9-2004, cô Nguyễn Xuân Tiến (19 tuổi, ở ấp 3 xã Phạm Văn Hai huyện Bình Chánh) đi bộ đã bị rớt xuống hố ga sâu 2m trong lúc đi bán bánh mì. Cô Tiến bị gãy xương đùi và chấn thương đầu phải nhập viện điều trị gần 2 tháng.
Trước đó, cuối năm 2003, một đơn vị thi công tại ngã tư An Sương huyện Hóc Môn đã đào hố sâu 3m dài 10m để chờ lắp đặt đường ống cấp nước cũng không có rào chắn đúng quy định. Đêm tối, một xe gắn máy chạy từ Quốc lộ 22 ôm cua ra Quốc lộ 1A hướng về ngã tư Phan Văn Hớn đã lọt xuống hố. Thanh niên điều khiển xe gắn máy bị chết tại chỗ, người còn lại bị thương khá nặng.
- Cơ quan nào chịu trách nhiệm...
Theo ông Lâm Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, các đơn vị thi công công trình buộc phải có trách nhiệm che chắn, gắn biển báo theo đúng quy định. Nếu để xảy ra tai nạn thì trước tiên đơn vị thi công phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Thời gian qua, Ban Thanh tra Giao thông Công chánh (GTCC) là đơn vị được giao kiểm tra, xử phạt các đơn vị thi công làm đường, đào đường không thực hiện đúng các quy định đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại các công trình trên địa bàn TP.

Những cái hố do đào đường lắp đặt các công trình ngầm như thế này dễ trở thành bẫy gây chết người khi không được rào chắn, gắn biển báo, nhất là về đêm.
Ông Trần Hồng Nam, Phụ trách Ban Thanh tra GTCC cho biết Ban Thanh tra đã lập biên bản xử lý nhiều trường hợp thi công đào đường, làm đường không tuân thủ các quy định. Cụ thể vừa qua có hàng loạt công ty đã bị phạt và không cho tham gia đấu thầu do vi phạm nhiều lần. Ban Thanh tra GTCC đề nghị Sở GTCC không cho 12 công ty nhận thầu các công trình trên địa bàn TP.
Trong năm 2004, đơn vị đã tiến hành lập biên bản xử phạt 1.269 vụ đối với các đơn vị thi công vi phạm quy định (chủ yếu kiểm tra các hành vi vi phạm theo Quyết định 145/2002/QĐ-UB ngày 9-12-2002 của UBND TP), tăng 184% so với năm 2003. Tuy nhiên số tuyến đường được đào thi công trong năm 2004 tăng đáng kể, có 912 tuyến đường được thi công với tổng chiều dài là 511,4km, tăng 200% so với năm 2003.
Mặc dù đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm thế nhưng lực lượng của Ban Thanh tra GTCC còn mỏng, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính còn nhẹ chưa đủ răng đe. Việc các công trình không tuân thủ các quy định an toàn giao thông để xảy ra tai nạn thì đơn vị thi công và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phát biểu tại cuộc họp chiều ngày 17-12-2004 tại Sở GTCC TP, ông Trần Quang Phượng, Phó Giám đốc Sở cho rằng do khối lượng công trình làm đường, đào đường và tái lập mặt đường tăng quá nhanh, Sở không chuẩn bị đủ lực lượng giám sát, kiểm tra.
Bên cạnh đó một số đơn vị coi thường các biện pháp xử phạt. Có một số công ty do vi phạm nhiều lần, Sở không cho tham gia nhận thầu, không cấp phép đào đường thế nhưng sau đó công ty này thay tên để nộp hồ sơ tiếp tục nhận thầu. Theo ông Phượng thì trong thời gian tới Sở sẽ có quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn đối với chủ đầu tư.
Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đường sá, các công trình ngầm tạo điều kiện tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, với cách làm của các đơn vị thi công: ẩu, không tuân thủ quy định về an toàn công trình như thời gian qua mà chỉ bị xử lý hành chánh, rất hiếm bị truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, không biết rồi sẽ có bao nhiêu trường hợp bị tai nạn đáng tiếc xảy ra nữa?
TRẦN THANH