Hãy tôn trọng và đối xử công bằng với học sinh!

Theo tôi, hành động giáo viên xé tập học sinh, dù có bao biện lý do gì đi chăng nữa cũng mang màu sắc bạo lực, biểu hiện sự bất lực trong phương pháp giảng dạy của giáo viên. Nó làm tổn thương đến tình cảm của học sinh, nhất là lứa tuổi tiểu học. Nếu học sinh viết chữ xấu, làm giây mực ra tập, làm bài sai... thì giáo viên có quyền cho điểm thấp, thậm chí điểm 0, chứ không được xé.

Chính những hành động xé tập, khẻ tay... khiến các em trước mặt thì sợ giáo viên “như sợ cọp” nhưng sau lưng, có em có những phản ứng không hay như trề môi, hất mặt... Trong khi ngành giáo dục ra sức kêu gọi xây dựng môi trường thân thiện trong học đường thì có không ít giáo viên vì sợ ảnh hưởng đến thành tích đã gò ép học sinh một cách cứng nhắc. Tôi nghĩ, đòi hỏi cả lớp phải “xuất sắc đều”, “giỏi đều”, “vở sạch chữ đẹp đều” là điều không tưởng!

Còn nhớ năm tôi học lớp bốn (1977), học bài xong tôi ngủ quên nên đến lớp trễ. Sau khi nghe tôi trình bày lý do, cô giáo hỏi “Em có thuộc bài không?”. Cô cho tôi trả bài và dĩ nhiên tôi thuộc. Cô cho 8 điểm nhưng trừ 1 điểm vì lỗi đi học trễ. Tuy vậy tôi rất vui vì được cô giáo tin. Lớp năm, trong một buổi lao động ngoài giờ tôi bị một cái tát nháng lửa của một thầy ở phòng giáo vụ vì tôi cười nói khi xếp hàng. Sự tin tưởng của cô giáo lớp bốn và cái tát đầy bạo lực của thầy giáo vụ theo tôi đến tận bây giờ với những tình cảm trái ngược khác nhau.

Giáo viên hãy nhìn nhận đúng những suy nghĩ, hành động của học sinh bằng con mắt biện chứng để có sự tôn trọng và đối xử với các em một cách công bằng!  

NGUYỄN THỊ MINH THẢO
(Phường Phước Long B quận 9, TPHCM)
 

Tin cùng chuyên mục