Giải quyết ách tắc công chứng

Bắt đầu từ văn bản

Bắt đầu từ văn bản

Từ một Phòng Công chứng (PCC) số 1( 97 Pasteur, quận 1) năm 1989, đến năm 1995 thêm PCC số 2( 94 Ngô Quyền quận 5), đến nay Sở Tư pháp thành phố đã mở tổng cộng 5 PCC, rải đều khắp ở các khu vực nội ngoại thành, phục vụ nhu cầu sao y, chứng thực của người dân thành phố nhưng vẫn quá tải. Một câu hỏi được đặt ra: có phải cứ sao y chứng thực là đến PCC.

  • Áp lực ...

Có hai điều cần đề cập đến, đó là có phải các PCC chưa làm hết chức trách nên đã xảy ra tình trạng khách hàng “ùn tắc”; hoặc là nhu cầu của người dân quá cao, năng lực phục vụ của các PCC dù đã làm hết công suất vẫn chưa đáp ứng tốt. Câu trả lời rất rõ khi ông Phan Văn Cheo,Trưởng PCC số 1 đưa ra một chi tiết: Năm 2004, PCC số 1 “cắt” quận Bình Thạnh về PCC số 5 nhưng lượng khách hàng vẫn tăng hơn năm 2003. Điều này chứng tỏ nhu cầu giao dịch phát sinh nhiều hơn.

Bắt đầu từ văn bản ảnh 1

Cảnh chen chúc chờ đến lượt công chứng tại Phòng công chứng số 5.

Cũng dễ hiểu bởi khi kinh tế phát triển, sở, hãng mở ra nhiều, nhu cầu xin việc làm tăng; nhu cầu mua nhà đất, hợp thức hóa nhà đất tăng… tất yếu nhu cầu công chứng giấy tờ tăng.

Nghị định 75 ngày 8-12-2000 của Chính phủ đã quy định rõ chức năng của PCC, những việc công chứng viên (CCV) phải phục vụ. Theo Nghị định này, bất cứ giấy tờ nào từ nhỏ đến to, từ bình thường đến quan trọng CCV đều phải công chứng khi người dân có yêu cầu.

Ở một thành phố đông dân như thành phố Hồ Chí Minh, với 5 PCC, mỗi PCC phụ trách từ 4 đến 5 quận, huyện, với khoảng 40 CCV, áp lực công việc lên các PCC và trên từng CCV là không tránh khỏi!

  • Rất cần phân cấp

Làm gì để giảm tải cho các phòng công chứng? Theo ôâng Nguyễn Quang Thắng –Trưởng phòng Công chứng số 5 (278 Nguyễn Văn Nghi, phường 7 quận Gò Vấp), tình trạng các phòng công chứng quá tải là do mọi người cứ đổ dồn về các phòng công chứng. Để khắc phục chỉ có cách là thực hiện nghiêm túc việc phân cấp, đồng thời giải thích cho mọi người biết và thực hiện đúng những quy định đối với các loại giấy tờ, công việc nào là cần công chứng, hay chứng thực. Thế nhưng, việc làm này rất khó, xuất phát từ quy định không rõ ràng.

Tại phòng Công chứng số 4 (25/4 đường Hoàng Việt phường 4 quận Tân Bình) mỗi CCV phải xử lý khoảng 50 hồ sơ mỗi ngày, và tương ứng là có đến hàng trăm trang giấy cần đọc, đối chiếu. Theo một CCV, nguyên nhân dẫn đến việc quá tải này ngoài việc quy định chưa rõ ràng còn xuất phát từ sự cẩn trọng của người dân cũng như các cơ quan có liên quan. Hiện nay, không ít các công ty, xí nghiệp cũng như các cơ quan chính quyền vẫn yêu cầu phải công chứng tất cả hồ sơ mặc dù nhiều loại giấy tờ chỉ cần chứng thực là đủ.

Thực tế gần đây, nhiều UBND cấp phường xã, UBND cấp quận huyện đã thực hiện chứng thực một số loại giấy tờ thông thường cho người dân trong quận huyện mình gồm bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu, văn bằng tốt nghiệp. Việc làm này vừa tiện lợi cho người dân, vừa chia việc với các PCC hết sức hiệu quả. Trưởng PCC số 2 cho biết, trừ PCC số 3, 85%-90% giấy tờ công chứng đều là chứng thực sao y, 4 PCC còn lại tỷ lệ chứng thực sao y bản chính chiếm 65%-70%. Và đây không phải là chuyện mới.

Trước thực tế này, để tránh áp lực cho các PCC, bảo đảm cho CCV thực hiện công chứng chính xác, không sai sót và nhất là để tiện lợi cho người dân, Sở Tư pháp thành phố đã trình UBND thành phố một đề án về phân cấp công chứng, đề nghị đưa toàn bộ sao y bản chính giấy tờ bằng tiếng Việt về phường xã, quận huyện chứng thực, các PCC chỉ công chứng sao y những giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài. Thế nhưng cho đến nay, mọi việc vẫn chưa thay đổi.

  • Đề nghị của người trong cuộc

Nghị định 75 của Chính phủ Về công chứng, chứng thực ban hành đã gần tròn 4 năm. Đến nay, đây là cẩm nang duy nhất về công tác chứng thực cho các PCC trên cả nước. Theo đà phát triển của xã hội, công tác công chứng trên thực tế đã có những bước phát triển mà văn bản, quy định chưa theo kịp. Quy định của Nghị định 75 tuy có phân cấp cho phường, quận nhưng do quá chung chung( xem box kèm theo) nên cuối cùng muốn chứng thực các loại giấy tờ, không chỉ người dân có yêu cầu đều đổ dồn về các PCC mà ngay cả các cơ quan, đơn vị cũng yêu cầu giấy tờ có công chứng để cho chắc ăn.

“Không cần thiết mở thêm PCC mà cần thiết sửa Nghị định 75, mở rộng quyền cho cấp phường, quận về sao y” là ý kiến được hầu hết các trưởng PCC ở TP đề nghị. Bởi, một khi nhu cầu trong thực tế phát sinh tăng, quy định không còn hợp lý, việc bổ sung quy định là điều hết sức cần thiết. Và trong khi quy định chưa thay đổi, tăng công chứng viên cho các PCC cũng là một giải pháp, mặc dù chỉ là giải pháp tình thế! Như vậy, chừng nào chưa bổ sung, sửa đổi Nghị định 75, chừng đó công tác công chứng vẫn còn bị người dân kêu.

CẨM PHÔ- TRẦN YÊN

 

* Phòng Công chứng có thẩm quyền công chứng: Hợp đồng, giao dịch có yếu tố nước ngoài; hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản thuộc thẩm quyền địa hạt của Phòng Công chứng; hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; bản dịch giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại; chữ ký của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch ở trong nước và ở nước ngoài, chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch ở nước ngoài; nhận lưu giữ di chúc… các việc khác do pháp luật quy định.

Phòng Công chứng được công chứng các việc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND cấp huyện, UBND cấp xã; trừ hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản thuộc thẩm quyền địa hạt của UBND cấp huyện theo quy định (Điều 21).

* Ủy ban Nhân dân cấp huyện có thẩm quyền chứng thực: Bản sao giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự ở trong nước; hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản theo thẩm quyền địa hạt; hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng; văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản; các việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 22).

* Ủy ban Nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực: Chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự ở trong nước; di chúc, văn bản từ chối nhận di sản; các việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 24).

(Trích lược Nghị định 75/NĐ-CP ngày 8-12-2000 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục