Bảo tồn nhạc cổ truyền Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị nhạc cổ truyền Việt Nam luôn là vấn đề nóng, được xã hội quan tâm và có nhiều nỗ lực thực hiện. Song cho tới nay, hiệu quả của công việc này vẫn rất thấp. Chúng ta muốn bảo tồn, hô hào bảo tồn, nhưng bảo tồn cái gì? Dường như ta nghe nói đến giá trị của vốn cổ nhiều hơn là nắm bắt được thực chất giá trị đó. Biết là cần nó - cái bản sắc âm nhạc dân tộc ấy, biết là phải chạy đua với thời gian mới vớt vát được những gì đang tuột dần khỏi tầm tay, thế mà ta vẫn lúng túng chưa tìm ra giải pháp đầu tư hiệu quả đối với âm nhạc cổ truyền.

Mất mát đã nhiều, chút ít gia sản còn lại cũng không có cơ hội phổ cập rộng rãi. Tiếp xúc với nhạc cổ nguyên thủy chẳng dễ chút nào bởi chúng ta chưa có một cơ sở hay trung tâm lưu giữ tầm mức quốc gia. Chúng ta đến với âm nhạc cổ truyền bằng lý trí nhiều hơn là cảm thụ. Chưa trở thành một nhu cầu thưởng thức không thể thiếu trong đời sống tinh thần đại chúng, nhạc cổ truyền rất ít khả năng thu hút công chúng và dễ “đuối” hơn các “đối thủ” khác trong cuộc cạnh tranh thị trường giải trí. Hiện nay, khi mà ảnh hưởng của toàn cầu hóa đang “phủ sóng” lên các thành phố lớn trên cả nước, nhiều vùng thôn quê vốn là cái nôi nhạc cổ cũng chuyển mình nhanh chóng theo hướng đô thị hóa, tiếp nhận luôn cả sự ô nhiễm môi trường, trong đó có đủ loại nhạc giải trí bình dân, không ngoại nhập thì cũng nhiều phần trăm ngoại lai.

Giới trẻ chưa được trang bị hiểu biết tối thiểu về nhạc cổ, lại liên tục “cập nhật thông tin” về nhạc giải trí nước ngoài và “nhạc trẻ” Việt Nam, đa số họ tiêu thụ những pop, rock, rap tự nguyện và dễ dàng bao nhiêu thì càng thấy khó khăn bấy nhiêu đối với loại nhạc xửa xừa xưa của ông bà cụ kỵ. Trong các trò thi thố kiến thức âm nhạc trên truyền hình, các đấu thủ trẻ rất thông tỏ những bài hát tiếng Anh và làu làu tên tuổi siêu sao ca nhạc ngoại quốc, nhưng không thể mau mắn hào hứng như vậy khi đối mặt với những câu hỏi về các làn điệu cổ truyền hay về nghệ nhân nhạc cổ Việt Nam.

Xu hướng toàn cầu hóa đem đến cho nhạc cổ truyền Việt Nam nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm thách thức. Tỷ lệ giữa thách thức và cơ hội là cân bằng hay chênh lệch và lệch về bên nào - những tác động khách quan ấy thực ra lại phụ thuộc nhiều vào chủ thể là chính chúng ta.

Kiểm soát mọi xa lộ thông tin, ngăn chặn sự xâm nhiễm virus từ bên ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa là điều không tưởng. Người tỉnh táo không có tham vọng ngăn cản cơn lũ, mà thường nói “chung sống với lũ”. Các con rồng cháu tiên thời hiện đại phải biết tự kiểm soát mình, tự điều chỉnh và tạo nên sự miễn nhiễm cho bản thân. Bản lĩnh đó được hình thành dần dần trong quá trình giáo dục và đào tạo. Vai trò chủ chốt của giáo dục - đào tạo thật rõ ràng trong việc nâng cao dân trí, mở rộng hiểu biết và cảm thụ âm nhạc cho mỗi công dân. Muốn nhạc cổ có chỗ đứng trong lòng thế hệ trẻ, muốn bản sắc dân tộc không nhạt phai rồi mất hút trong mãnh lực toàn cầu hóa, chúng ta không thể tìm kiếm được giải pháp nào hiệu quả bằng thông qua con đường đào tạo chuyên nghiệp và giáo dục đại chúng.

Giáo dục thẩm mỹ và hiểu biết về nhạc cổ chỉ thực sự hiệu quả nếu kết hợp đồng bộ từ nhiều phương diện: nhà trường, học đường, sinh hoạt giải trí, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng và, tất nhiên, mạng Internet. Đây là những giải pháp lâu dài và tốn kém, nhưng chỉ bằng con đường này ta mới chế ngự nổi những nhiễu loạn do toàn cầu hóa gây ra.

NGUYỄN THỊ MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục