Bảo vệ nguồn nước ở Indonesia

Theo kế hoạch, Indonesia sẽ chủ trì Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10 (WWC-10) với chủ đề “Nước vì sự thịnh vượng chung” tại Bali từ ngày 18 đến 23-5 tới, góp phần ứng phó với các thách thức do sự gia tăng dân số và tình trạng đô thị hóa.

Người dân bơm nước ngầm lên để sử dụng tại làng Kuala Selat, Indragiri Hilir, Riau. Ảnh: JAKARTA POST
Người dân bơm nước ngầm lên để sử dụng tại làng Kuala Selat, Indragiri Hilir, Riau. Ảnh: JAKARTA POST

Mặc dù Chỉ số chất lượng môi trường (EQI) năm 2023 của Indonesia được ghi nhận là cải thiện tích cực, đạt 72,54 trên thang điểm 100 và đã đạt được mục tiêu quốc gia, nhưng việc đáp ứng nhu cầu về nước sạch và nước uống thực sự trở thành vấn đề nan giải chưa được giải quyết ở đất nước này. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng chưa đủ để kịp xử lý nước uống và thiết lập đường ống dẫn nước sạch trên phạm vi lớn. Phạm vi dịch vụ nước máy tại đất nước có tổng dân số 267 triệu dân chỉ vào khoảng 21,69%.

Trước đó, theo Kế hoạch phát triển quốc gia trung hạn 2020-2024, Indonesia đặt mục tiêu đưa 10 triệu liên kết đường ống dẫn nước sạch đến các hộ gia đình. Để làm được điều này, cần khoảng 123.400 tỷ rupiah (hơn 8 tỷ USD), trong khi dự kiến ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2024 chỉ có thể đáp ứng 17% (tương đương khoảng 21.000 tỷ rupiah); 13% từ ngân sách địa phương và 70% còn lại cần kêu gọi đầu tư từ các nguồn khác nhau. Với những thách thức như vậy, với tư cách là nước chủ nhà, Indonesia kỳ vọng WWC-10 sẽ trở thành động lực và cơ hội thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nguồn nước sạch cho quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.

Cơ quan thống kê trung ương Indonesia cho biết, mức độ bao phủ của dịch vụ nước sạch tại thủ đô Jakarta chỉ đạt 65,85%, trên tổng dân số Jakarta là hơn 11 triệu người. Phần còn lại phải dựa vào nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác nước ngầm không kiểm soát, Indonesia lại đối mặt với rủi ro sụt lún đất. Tại Jakarta, việc khai thác vô tội vạ của người dân khiến thành phố này sụt 26cm mỗi năm, qua đó trở thành một trong những siêu đô thị chìm nhanh nhất trên thế giới với hơn 90% khu vực ven biển của Jakarta đã nằm dưới mực nước biển.

Nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên quan trọng và bảo vệ các thành phố khỏi tình trạng sụt lún đất, trong một quy định sẽ có hiệu lực vào năm 2027, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản yêu cầu tất cả các hộ gia đình và pháp nhân khai thác ít nhất 100m3 nước ngầm hoặc nước sông mỗi tháng phải xin giấy phép liên quan tới kế hoạch khai thác và sử dụng nước ngầm, bằng chứng về quyền sở hữu đất đai, cam kết đào giếng, nỗ lực khôi phục nguồn cung cấp nước ngầm… Theo Jakarta Post, bên cạnh đó, Indonesia đã bắt tay thực hiện dự án đập, tiến tới xây dựng 57 đập mới vào năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia thủy văn lại lo ngại các con đập sẽ có nguy cơ kéo theo những mất mát mới về rừng và đất nông nghiệp.

Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, sự phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp lớn đã diễn ra ở Indonesia trong 5 năm qua. Tổng Cục trưởng Tổng cục Ô nhiễm môi trường và Kiểm soát suy thoái thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, ông Sigit Reliantoro cho biết, WWF-10 sẽ nêu bật hệ thống các giải pháp giám sát, kiểm soát nguồn nước của Indonesia đã triển khai trong thời gian qua và tạo diễn đàn đa phương để các nước tham gia có thể chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp duy trì chất lượng nước nhằm phục vụ cuộc sống cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục