Phòng chống tham nhũng

Bắt buộc phải kê khai tài sản từ cấp phó phòng

Cán bộ từ cấp phó phòng UBND huyện và tương đương trở lên có nghĩa vụ phải kê khai tài sản hàng năm. Nếu kê khai không trung thực, cán bộ sẽ bị kỷ luật và không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến. Đây là một trong những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau khi Thanh tra Chính phủ đưa ra lấy ý kiến các tỉnh, thành phía Bắc về dự thảo Nghị định minh bạch tài sản, thu nhập vào ngày 13-9, tại Hà Nội.

Không chức nhưng có quyền sẽ phải kê khai tài sản

Theo dự thảo nghị định này (hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng), người có nghĩa vụ kê khai tài sản là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; cán bộ công chức từ phó trưởng phòng cấp quận, huyện và tương đương trở lên. Tại các công ty, doanh nghiệp nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị hoặc cán bộ từ cấp phó phòng, ban trở lên sẽ thuộc diện phải kê khai tài sản.

Theo quy định của luật, cấp tương đương phó phòng phải kê khai tài sản. Theo đó, dự thảo quy định bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên HĐND - UBND, trưởng công an, các chức danh chuyên môn khác như địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch cũng phải kê khai tài sản.

Tuy nhiên theo ông Lê Công Thắng, Chánh thanh tra tỉnh Lạng Sơn thì quy định như trên vẫn chưa đủ. Bởi có những người như trưởng phòng của Mặt trận Tổ quốc huyện không có thực quyền, công việc khó có điều kiện tham nhũng, tiêu cực. Trong khi đó, những người khác tuy không có chức danh nhưng quyền lại rất lớn như cán bộ hải quan, bộ đội biên phòng lại có quyền cho một tốp người qua biên giới. Vì vậy, cần phải yêu cầu các đối tượng này cũng phải kê khai tài sản.

Chung quan điểm đó, đại diện cho tỉnh Hòa Bình đề nghị tất cả cán bộ, sĩ quan quân đội (chuyên nghiệp) và cán bộ, chiến sĩ cảnh sát, nhất là cảnh sát giao thông cũng phải bắt buộc kê khai tài sản.

Đến cuối ngày hôm qua, phần lớn ý kiến đều kiến nghị bên cạnh các chức danh cố định, phải bổ sung những đối tượng không có chức (trong đó có những chuyên viên trực tiếp giải quyết công việc của dân, doanh nghiệp) nhưng nắm thực quyền vào diện bắt buộc phải kê khai tài sản. Việc kê khai sẽ thực hiện hàng năm, phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31-12.

Ai bị tố cáo cũng sẽ bị xác minh tài sản?

Theo dự thảo Nghị định, tài sản phải kê khai là nhà, quyền sử dụng đất, kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá trị và các loại tài sản khác giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật. Biến động về tài sản phải kê khai là sự tăng, giảm so với lần kê khai gần nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cao Bằng Hoàng Trung Phong cho rằng, nếu quy định “cứng” từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai có thể dẫn tới tình trạng lách luật. Ví dụ, có 100 triệu đồng gửi tiết kiệm, cán bộ sẽ chia nhỏ thành 4 sổ tiết kiệm đứng tên các thành viên trong gia đình!

Ông Phong cũng đặt vấn đề là hiện nay một số tài sản như đất đai trong sổ đỏ ghi sở hữu chung của vợ hoặc chồng. Nếu trường hợp vợ chồng cùng thuộc diện phải kê khai tài sản thì trên bản khai, gia đình đó sẽ có 2 căn nhà. “Với những tài sản sở hữu chung, nên chia đôi giá trị tài sản để kê khai”, ông Phong đề xuất. Hơn nữa, theo một ý kiến khác, “một mảnh đất trị giá 20 triệu đồng nhưng sau đó người ta mở đường nên giá trị nhà tăng lên vài trăm triệu đồng. Vậy sẽ kê khai thế nào bởi nếu tính theo giá mua (dưới 50 triệu) thì chưa thuộc diện kê khai”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Nghị định) cho rằng, việc kê khai nhằm mục đích phòng ngừa tham nhũng, không nhằm mục đích đánh thuế. Do vậy, cả vợ và chồng đều kê khai sở hữu nhà.

Làm thế nào để khai đúng, khai đủ và kiểm tra, kiểm soát được tài sản của cán bộ phải kê khai cũng là vấn đề “nóng” có rất nhiều ý kiến tham gia. Tựu trung các ý kiến thống nhất đưa vào dự thảo Nghị định: trường hợp người kê khai tài sản khai không trung thực sẽ bị hạ bậc lương, cảnh cáo, khiển trách, cách chức, buộc thôi việc.

Người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn khi có kết luận kê khai không trung thực sẽ không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến. Thậm chí, nhiều ý kiến đề nghị: để kiên quyết chống tham nhũng, không nên áp dụng hình thức rất nhẹ là hạ bậc lương với những người gian dối khi kế khai tài sản.

Và, cũng để ngăn ngừa “khai gian”, dự thảo quy định, những trường hợp cần tiến hành xác minh tài sản là: khi có báo cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (kết luận thanh tra, kết luận điều tra, kết luận kiểm toán) hoặc tố cáo rõ ràng, có bằng chứng về vấn đề tài sản của những người dự kiến được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm và người ứng cử.

* Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục lấy ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành về bản dự thảo Nghị định trên. Dự kiến, nghị định sẽ trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 10.

NAM QUỐC

 

Tin cùng chuyên mục