Vụ tham nhũng ở PMU18

Bắt Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT

Lý lịch ông Nguyễn Việt Tiến
Bắt Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT

Liên quan đến những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng diễn ra tại PMU18, chiều qua, 4-4, lãnh đạo Cơ quan điều tra đã ký quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GT-VT.

Ông Nguyễn Việt Tiến bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 của Bộ luật Hình sự. Ngay trong ngày 4-4, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam nói trên.

Bắt Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT ảnh 1

Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết đối với một bị can “VIP”, người trong thời gian dài từng được coi là ứng cử viên sáng giá cho chức Bộ trưởng Bộ GT-VT, vào lúc 17 giờ 35 chiều qua, chiếc xe đặc chủng của C14 đã có mặt tại nhà riêng ông Tiến. Ngôi nhà 4 tầng số 1, ngõ 192, phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, của ông Tiến khá khiêm tốn so với tin đồn đại ông là người giàu nhất nhì Bộ GT-VT.

Từ khi chiếc xe chở phạm nhân có mặt, khu nhà ở ngõ 192 bị ùn tắc. Chứng kiến cảnh C14 đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam, một số hàng xóm của ông Tiến tỏ ra bất ngờ.

Lúc 18 giờ 45, từ nhà riêng, ông Tiến được đưa đến phòng làm việc tại trụ sở Bộ GT-VT. Theo một điều tra viên, tại phòng làm việc không phát hiện thấy tiền bạc, nhưng có một tủ rượu ngoại với trên 20 chai toàn loại rất đắt tiền và khoảng 30 chiếc bút thuộc loại hàng hiệu rất đắt tiền.

Lúc 20 giờ 24, cuộc khám xét kết thúc. Ông Tiến được đưa lên xe ô tô chở phạm nhân cùng với một thùng tài liệu bị tạm giữ, chạy thẳng về trại giam T16, Bộ Công an.

Theo kết quả điều tra ban đầu, hành vi cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm của ông Tiến đã khá rõ ràng. Việc ông Tiến tự ý điều chuyển 5 ô tô khỏi PMU18 trong khi đây là xe tạm nhập tái xuất đã gây thất thoát khoảng 4 tỷ đồng tiền thuế. Với tư cách nguyên Tổng giám đốc PMU18, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GT-VT, bị can Tiến cũng phải chịu chung trách nhiệm về khoản thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng từ việc cho mượn 34 ô tô của PMU18. Tại dự án cầu Phả Lại, ông Tiến còn bị xác định có sai phạm khi làm tăng kinh phí 31 tỷ đồng cho công trình này vì “chạy thành tích”.

Một việc cố ý làm trái khác là khi triển khai dự án xây dựng quốc lộ 18, ông Tiến đã cho làm 7,5 km đường vào xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương. Lấy tiếng là ủng hộ địa phương nhưng thực chất, con đường này đi qua những lô đất do con rể ông Tiến đứng tên và phần đất của Phạm Tiến Dũng, Đỗ Kim Quý. Việc ký văn bản hỗ trợ 270 triệu đồng cho xã Văn An để xây dựng chợ cũng là hành vi cố ý làm trái của ông Tiến...

Cũng trong ngày hôm qua, người đẹp - bồ nhí đầu tiên của bị can Tiến đã bị triệu tập đến C14. Đó là cô gái đẹp tên Hà, đang làm việc tại một đoàn nghệ thuật, có trụ sở ở Cầu Giấy, Hà Nội. Cô Hà bị triệu đến Cơ quan điều tra để tường trình về những món tài sản đắt tiền do ông Tiến cho, gửi, tặng khi hai người còn mặn mà với nhau. Qua cô Hà, C14 cũng làm rõ số tài sản được coi là rất lớn nhưng được ngụy trang, che giấu kín kẽ của ông Tiến.

Tuy tài sản chưa bị lộ rõ, nhưng đến nay, theo một nguồn tin, đã có những dấu hiệu cho thấy ông Nguyễn Việt Tiến đã vượt hẳn “đại đệ tử” Bùi Tiến Dũng của mình về khoản chi tiền “chạy án”. Thông tin về chạy án đang được khẩn trương điều tra, xác minh. Lực lượng tham gia điều tra việc chạy án không riêng ở Bộ Công an mà có sự tham gia của một số cơ quan chuyên trách của trung ương.  

Lý lịch ông Nguyễn Việt Tiến

Ông Nguyễn Việt Tiến sinh năm 1950, quê Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Vào đảng ngày 8-1-1979 tại chi bộ đội công trình khu quản lý quốc lộ 2. Giữ chức bí thư đảng ủy cơ quan bộ GTVT
Năm 1972 làm cán bộ Phòng Quản lý đường xá, Cục quản lý đường bộ
1977 đến 1979, đội trưởng, rồi đội phó Đội công trình phân khu đường bộ Phú Khánh
10-79 đến 12-81 phân khu phó Phân khu đường bộ Phú Khánh, chi ủy viên chi bộ Văn phòng Phân khu 1.
12-81 đến 12-82 cán bộ Phòng nhân sự giáo dục, Cục quản lý đường bộ
1-83 đến 3-83 cán bộ Phòng tổ chức cán bộ Liên hiệp Xí nghiệp Xây dựng GTVT khu vực 2
4-82 đến 7-84 cán bộ Vụ tổ chức cán bộ bộ giao thông
8-84 đến 6-85 học quản lý kinh tế tại Liên Xô
7-85 đến 12-88 Phó phòng Tổng hợp Vụ tổ chức cán bộ
1-89 đến 2-90 Quyền Giám đốc Trung tâm thống kê bộ
3-90 đến 2-92 Vụ phó kế hoạch, bí thư chi bộ Vụ kế hoạch
3-93 đến 12-93 Phó Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ 2
1-94 đến 4-98 Tổng Giám đốc PMU18
5-98 đến nay Thứ trưởng Bộ GTVT

Nhóm PV

Thủ tướng chấp nhận đơn xin từ chức của Bộ trưởng Đào Đình Bình

Sáng qua, 4-4, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có cuộc làm việc riêng với Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình. Đây là cuộc làm việc bất thường, theo đề nghị ngày 3-4 của Bộ trưởng. Tại cuộc làm việc này, với tư cách là một thành viên Chính phủ, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm của mình trước Thủ tướng trong việc để xảy ra vụ việc nghiêm trọng tại PMU18 cũng như một số vụ việc gây dư luận xấu diễn ra tại đây. Thủ tướng đã chấp thuận về mặt nguyên tắc đơn từ chức của Bộ trưởng.

Liên quan đến việc xin từ chức của Bộ trưởng Đào Đình Bình, sáng nay, 5-4, Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp đột xuất. Tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ sẽ đánh giá một cách toàn diện việc xin từ chức của ông Bình, đồng thời bàn phương án về nhân sự để bảo đảm hoạt động bình thường tại Bộ GT-VT. Trong đó, có việc đề xuất phương án bổ sung nhân sự cho Bộ GT-VT, vì khi hoàn tất thủ tục cho ông Bình từ chức, Bộ GT-VT sẽ thiếu hai vị trí chủ chốt: Bộ trưởng kiêm Bí thư Ban cán sự Đảng và Thứ trưởng thường trực kiêm Bí thư Đảng ủy.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một nhà quản lý, có thể Quốc hội sẽ không cho ông Đào Đình Bình từ chức mà sẽ cách chức ông. Nhà quản lý này lập luận trách nhiệm của ông Đào Đình Bình trong vụ PMU18 là rất lớn. Từ năm 2002 đến nay, đã ít nhất 4 lần Bộ trưởng bị yêu cầu kiểm điểm, phê bình nhưng hầu hết đều lẩn tránh trách nhiệm.

Lần đầu tiên là vụ sai phạm gần 20 tỷ đồng trong việc đầu tư, nâng cấp 9 cầu đường sắt. Tại thông báo số 142 ngày 8-1-2004, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm, xử lý sai phạm diễn ra tại dự án này theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ. Khi sai phạm diễn ra, ông Bình còn là Tổng Giám đốc Liên hiệp đường sắt Việt Nam-chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, do lúc thông báo xử lý, ông Đào Đình Bình đang là Bộ trưởng Bộ GT-VT nên vụ xử lý này chỉ được tiến hành qua loa tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Lần thứ hai là vụ đổ tàu E1 ngày 12-3-2005 làm chết 11 người, bị thương 70 người. Tàu E1 cũng là “sản phẩm” của ông Đào Đình Bình. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã yêu cầu Bộ trưởng Đào Đình Bình phải báo cáo nguyên nhân và kiểm điểm trách nhiệm. Thủ tướng cũng yêu cầu tương tự đối với vị Bộ trưởng này.

Tuy nhiên, ông Đào Đình Bình đã đẩy hoàn toàn trách nhiệm cho lái tàu và cấp dưới của mình ở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Bộ trưởng cũng là người bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhắc nhở vì đã không trả lời chất vấn, đến ngày trả lời chất vấn thì đi công tác nước ngoài. Đi xa hơn, trong kỳ họp sau (kỳ thứ 8, tháng 11-2005), khi đại biểu Quốc hội chất vấn về những tiêu cực diễn ra trong ngành, ông Bình lại ngụy biện: “Tôi là Ủy viên Trung ương, chịu sự quản lý của Trung ương Đảng, các vụ việc báo chí nêu đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kết luận”.

Tuy nhiên, đến vụ PMU18 thì giọt nước đã tràn ly. Một văn bản của Thủ tướng đã được gửi lên Bộ Chính trị đề nghị đình chỉ công tác đối với ông Bình sau khi ông này tiếp tục thể hiện sự dửng dưng với tiêu cực của ngành và một lần nữa đùn đẩy, vô trách nhiệm. Và nay, trong lần đầu tiên dám thẳng thắn nhận trách nhiệm của mình (sau khi được Thủ tướng yêu cầu), Bộ trưởng Bình đã được chấp thuận từ chức.

Thủ tục nào để ông Bình rời chính trường?

Hôm qua, 4-4, một ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phóng viên SGGP biết, khi Thủ tướng chấp nhận lá đơn xin từ chức của Bộ trưởng Đào Đình Bình, sẽ có một số khả năng xảy ra. Vì thẩm quyền phê chuẩn việc từ chức của Bộ trưởng Đào Đình Bình là của Quốc hội, nên theo Luật Tổ chức Chính phủ, trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng sẽ trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Bộ trưởng Đào Đình Bình. Sau đó, Thủ tướng sẽ bổ nhiệm một cán bộ khác giữ quyền Bộ trưởng Bộ GT-VT. Khi Quốc hội tiến hành họp (kỳ họp thứ 9, dự kiến sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 5-2006), Thủ tướng sẽ trình Quốc hội việc phê chuẩn trường hợp xin từ chức của Bộ trưởng Đào Đình Bình.

Một trường hợp khác là theo Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội, “ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”.Do vậy, nếu xét thấy ông Bình không còn xứng đáng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phải có đề nghị bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Bình để ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành. Tuy nhiên, nếu bản thân ông Đào Đình Bình tự xin thôi nhiệm vụ ĐBQH thì có thể thực hiện theo Điều 57 Luật Tổ chức Quốc hội.

KIẾN QUỐC

Thông tin liên quan:

Đủ bằng chứng xử lý hình sự ông Nguyễn Việt Tiến

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến lại bị triệu tập đến Cơ quan điều tra

Đình chỉ công tác ông Nguyễn Việt Tiến

Thủ tướng Phan Văn Khải: Chấp thuận đơn xin từ chức của Bộ trưởng Đào Đình Bình

Thủ tướng yêu cầu: Bộ trưởng Đào Đình Bình phải tự nhận hình thức kỷ luật

Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình: Trách nhiệm vụ PMU18 thuộc 3 đời bộ trưởng

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Đào Đình Bình kiểm điểm lại

Bộ trưởng Đào Đình Bình: Tôi sẵn sàng nhận mọi hình thức kỷ luật

Tin cùng chuyên mục