
- Ủng hộ WTO và vòng đàm phán Doha là ưu tiên số một
Sau 2 ngày làm việc, chiều 13-11, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC kỳ tổng kết (CSOM) đã kết thúc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội.

Phóng viên quốc tế đặt câu hỏi với các đại biểu tham dự CSOM.
Ảnh: MINH ĐIỀN
Trong 2 ngày qua, các quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế APEC đã thảo luận các biện pháp hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực của APEC. Đó là những vấn đề thiết thực về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh con người, chống khủng bố, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hợp tác văn hóa, du lịch, chống tham nhũng và cải cách APEC.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng – Chủ tịch SOM APEC - các đại biểu đã đi đến thống nhất cao về việc trình ra 6 nội dung (gồm: Ủng hộ WTO và vòng đàm phán Doha; Thông qua chương trình hành động Hà Nội về thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư; Thông qua Gói cải cách APEC; Thông qua kết quả các hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành; Thông qua 8 sáng kiến chống khủng bố; Thông qua báo cáo tổng kết cuối năm các Ủy ban của APEC) để các vị bộ trưởng và lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC xem xét trong các chương trình nghị sự sắp tới trong khuôn khổ Tuần lễ APEC Việt Nam.
Tại hội nghị, các quan chức cao cấp APEC tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của mình đối với hệ thống thương mại đa phương toàn cầu, coi việc ủng hộ WTO và vòng đàm phán Doha là ưu tiên số một của APEC. Trong bối cảnh vòng đàm phán Doha bị ngưng trệ và có nguy cơ bị đổ vỡ hoàn toàn, các thành viên đã nhất trí cao về việc các nhà lãnh đạo APEC sẽ ra Tuyên bố riêng về Vòng đàm phán Doha trong Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC ngày 18 đến 19-11 tới đây.
Theo các quan chức cao cấp APEC, tuyên bố đặc biệt này sẽ khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ và thiết thực của các thành viên APEC nhằm thúc đẩy sớm nối lại Vòng đàm phán Doha. Chủ tịch SOM APEC Lê Công Phụng cho biết thêm, nhiều ý kiến cho rằng, Hội nghị APEC lần này có ý nghĩa quyết định và là cơ hội cuối cùng để các nhà Lãnh đạo APEC cứu vãn tình thế bế tắc của vòng đàm phán này. Vai trò của Việt Nam trong vấn đề trên, với tư cách là chủ nhà của APEC, được trông đợi và đánh giá rất cao.

Quan chức cấp cao APEC tham dự CSOM chụp ảnh lưu niệm.
Ảnh: MINH ĐIỀN
Nội dung quan trọng số 2 được CSOM thông qua là Chương trình hành động Hà Nội thực hiện lộ trình Busan hướng đến mục tiêu Bogor về thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư do Việt Nam chủ trì xây dựng. Các nền kinh tế thành viên đánh giá rất cao bản kế hoạch này và cho rằng kế hoạch Hành động Hà Nội không chỉ là cơ sở và kim chỉ nam cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong 15 năm tới để hoàn thành mục tiêu Bogor vào năm 2020 mà còn tạo điều kiện tăng cường hoàn thiện các cơ chế hợp tác của APEC.
Hội nghị cũng nhất trí đệ trình lên các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC xem xét thông qua những kết quả lớn của các Hội nghị bộ trưởng chuyên ngành được tổ chức trong năm 2006 tại Việt Nam bao gồm các chiến lược dài hạn và các kế hoạch hợp tác cụ thể trước mắt của APEC trong các lĩnh vực: chống cúm gia cầm, tài chính, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác du lịch – văn hóa. Riêng lĩnh vực hợp tác du lịch và văn hóa, hai lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, theo đánh giá của các quan chức cao cấp APEC, đã được thực hiện tốt trong năm 2006 vì mục tiêu thúc đẩy liên kết cộng đồng, tăng cường hơn nữa hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Về vấn đề cải cách APEC, Chủ tịch SOM APEC Lê Công Phụng cho biết, các đại biểu đã thông qua cả gói cải cách APEC nhằm giúp APEC năng động và hiệu quả hơn trong giai đoạn mới. Trong đó, với vai trò là chủ nhà, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến trong cải cách APEC và được các thành viên APEC đánh giá năm 2006 là năm “cải cách APEC”.
Hội nghị cũng đã thông qua báo cáo của nhóm đặc trách chống khủng bố của APEC, trong đó thông qua 8 sáng kiến trong khuôn khổ chống khủng bố năm 2006 và nhất trí bổ nhiệm Đại sứ Park Sang-ki của Hàn Quốc làm Chủ tịch nhóm trong nhiệm kỳ 2 năm tới. Đây là kết quả rất quan trọng và chỉ đạt được vào phút chót của hội nghị, là kết quả của việc nêu cao vai trò chủ nhà của Việt Nam trước một lĩnh vực rất nhạy cảm.
CSOM cũng đã thông qua báo cáo tổng kết cuối năm các Ủy ban của APEC như Ủy ban Thương mại và Đầu tư, Ủy ban về hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Quản trị ngân sách. Trong đó, nổi bật là báo cáo của Ủy ban Thương mại và Đầu tư nêu rõ các nền kinh tế thành viên thông qua chương trình hành động thuận lợi hóa thương mại nhằm giảm 5% chi phí giao dịch giai đoạn 2006 – 2010. Việc thông qua chương trình này đánh dấu kết quả đáng ghi nhận của nước chủ nhà Việt Nam và rất có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp trong APEC.
Ngoài ra, kết thúc hội nghị, CSOM cũng đệ trình 9 điều khoản tham chiếu về xây dựng thương mại tự do song phương và khu vực đang được xem xét để trình lên Bộ trưởng và lãnh đạo các nền kinh tế APEC; thông qua chủ trương hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông qua ý tưởng thành lập khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương.
THÀNH NAM
° Năm 2004, APEC đã đề ra Mục tiêu Bogor để xây dựng khu vực thương mại và đầu tư tự do và mở cửa vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và vào năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. |