Bệnh viện Đà Nẵng: 1 tháng tiếp nhận điều trị 400 người bị đột quỵ

Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, những ngày qua, Bệnh viện Đà Nẵng ghi nhận số bệnh nhân bị đột quỵ cấp cứu tăng, đến từ các tỉnh thành miền Trung. Điều đáng báo động là tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng liên tục chăm sóc, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng liên tục chăm sóc, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhân H. (SN 1969, trú xã Hoà Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, mất thăng bằng. Những ngày sau Tết Nguyên đán, thời tiết trở lạnh đột ngột, bệnh nhân H. bị choáng váng, mệt mỏi sau vài phút. Sau khi đo huyết áp khoảng 160, người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu và được chuyển đến Khoa Đột quỵ điều trị ngay sau đó. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã tiến triển, hồi phục khoảng 60% theo nhận định của bác sĩ.

Một số bệnh nhân có tình trạng nặng, phải thở máy. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Một số bệnh nhân có tình trạng nặng, phải thở máy. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Cũng tại đây, bệnh nhân R. (31 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng mới được nhập viện chưa đầy một ngày. Mẹ bệnh nhân cho biết, sáng ngủ dậy, bệnh nhân thấy đầu đau dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu dần không thể cầm nắm, miệng ú ớ và sau đó rơi vào hôn mê. Bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu và kết luận bị xuất huyết não. Người nhà cho biết thêm, tháng trước, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu và đã đi khám nhưng không phát hiện bất thường.

Bệnh nhân R. đang được điều trị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bệnh nhân R. đang được điều trị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo thống kê, hiện Khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng đang tiếp nhận, điều trị 100 bệnh nhân bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi, đến từ nhiều tỉnh thành ở khu vực miền Trung.

Bác sĩ Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong 1 tháng qua, đơn vị tiếp nhận, điều trị trung bình hơn 400 bệnh nhân đột quỵ. Một ngày, bệnh viện tiếp nhận 15-20 bệnh nhân. Đây là con số đáng báo động, bởi không chỉ bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền mới bị đột quỵ mà rất nhiều người trẻ (dưới 40 tuổi) đã mắc bệnh này, chiếm hơn 20%. Nhiều bệnh nhân hôn mê sâu thở máy phải dùng các biện pháp điều trị can thiệp.

Trước khi khởi phát, đột quỵ đã có một quá trình diễn biến âm thầm, kéo dài từ biến chứng của xơ vữa động mạch gây thiếu máu não. Khi mảng xơ vữa ngày càng dày, bong ra, kết hợp với các yếu tố hình thành cục huyết khối (máu đông) kẹt lại trong nhiều mạch máu não gây tắc, vỡ mạch dẫn đến đột quỵ. Bên cạnh đó, đột quỵ đặc biệt nguy hiểm đối với người lớn tuổi mắc các bệnh nền như huyết áp, đái tháo đường. Nếu duy trì các thói quen sinh hoạt như sử dụng rượu, bia, đi lại trong thời tiết giá lạnh sẽ khiến người bệnh bị rối loạn nhịp tim, khó thở, đánh trống ngực… dễ dẫn đến thuyên tắc mạch.

“Những trường hợp trẻ tuổi bị đột quỵ thường rơi vào những người có bệnh lý nền, có bất thường dị dạng bẩm sinh tùy theo như những người có túi phình, dị dạng mạch máu não trước đó. Không chỉ vậy, một trong những nguyên nhân khiến người trẻ mắc đột quỵ chính là thói quen sinh hoạt không điều độ khi thay đổi thời tiết đột ngột, đặc biệt là lạm dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá trong các bữa tiệc trong dịp tết vừa qua”, bác sĩ Hải lý giải thêm.

Tất cả bệnh nhân nhập viện đều được điều trị theo phác đồ chuẩn, tùy theo nguyên nhân bệnh lý gây ra đột quỵ ở mỗi người. Ngoài ra, nhờ trang thiết bị, kinh nghiệm, các bác sĩ tìm ra nguyên nhân để người bệnh tránh nguy cơ tái phát bệnh lần nữa, gây ra hậu quả nặng nề hơn.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đảm bảo giãn cách như khoảng cách giường giữa bệnh nhân với bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân đều mang khẩu trang. Những bệnh nhân nặng sẽ được nhân viên chăm sóc toàn diện từ cho uống thuốc, ăn uống và vệ sinh, tắm rửa đều do nhân viên bệnh viện làm. Chỉ có những trường hợp cần thiết thì sẽ cho vào thăm nuôi.

Người thân bệnh nhân túc trực ở sảnh bệnh viện. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Người thân bệnh nhân túc trực ở sảnh bệnh viện. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ngoài ra, bác sĩ Hải lưu ý, khi thấy người xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột rối loạn ngôn ngữ (không nói được hoặc ú ớ, kích thích la hét), yếu tay, yếu chân cùng một bên, méo miệng, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức… cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để khám, cấp cứu. “Giờ vàng” cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ chỉ kéo dài khoảng 4 đến 5 giờ. Ngược lại, bệnh nhân được phát hiện, can thiệp muộn sẽ gây ra các tổn thương não, liệt tay, chân, khó vận động, thậm chí tử vong.

Tin cùng chuyên mục