Bị mạo danh, họa sĩ Nguyễn Thụ kêu cứu

Ngày 21-3, thông tin từ nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết, họa sĩ Nguyễn Thụ vừa lên tiếng kêu cứu vì có người mạo danh ông, làm tranh sơn mài mang đi đấu giá ở Pháp.

Cùng với đó, họa sĩ Nguyễn Thụ cũng gởi cho ông thông tin, hình ảnh 2 tác phẩm sơn mài cùng một video clip lên tiếng cảnh báo về vụ việc.

Theo thông tin cung cấp của họa sĩ Nguyễn Thụ, ngày 21-6-2018, một bức sơn mài được đưa lên sàn Nhà đấu giá nghệ thuật Lynda Trouvé tại trung tâm đấu giá danh tiếng Drouot, Paris.

Chi tiết về bức sơn mài này được giới thiệu như sau: Lô 216, NGUYỄN Thụ: “Gánh hàng hoa”. Sơn mài cẩn trứng, kích thước 61 x 122,5 cm (“Les marchandes de fleurs”. Panneau de laque polychrome et incrustations de coquilles d’œuf). Giá khởi điểm được đề nghị là 300-500 euro. Tuy nhiên, bức tranh đã không bán được.

Bị mạo danh, họa sĩ Nguyễn Thụ kêu cứu ảnh 1
Bị mạo danh, họa sĩ Nguyễn Thụ kêu cứu ảnh 2 Bức "Gánh hàng hoa" và bản giới thiệu trên sàn nhà Lynda Trouvé
Mới đây, ngày 12-3-2020, trên sàn đấu online của Nhà đấu giá nghệ thuật Aguttes, Pháp lại tiếp tục xuất hiện một bức sơn mài có thông tin: Lô 36, NGUYỄN Thụ (sinh năm 1930), “Thuyền buồm dưới ánh trăng”, sơn mài thếp vàng, ký tên phía dưới bên phải, kích thước 39,7 x 59,7 cm (“Jonques au clair de lune”, laque et rehauts d’or, signée en bas à droite). Bức này được bán với giá 400 euro.
Bị mạo danh, họa sĩ Nguyễn Thụ kêu cứu ảnh 3
Tác phẩm sơn mài "Thuyền buồm dưới ánh trăng" mạo danh họa sĩ Nguyễn Thụ 
Trong video clip gởi nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, họa sĩ Nguyễn Thụ nói: “Chào anh Ngô Kim Khôi. Tôi là họa sĩ Nguyễn Thụ. Tôi nghe nói người ta mạo danh tôi, làm tranh sơn mài mang đi đấu giá ở Pháp, mà tôi chuyên vẽ tranh lụa. Mong anh lên tiếng giúp tôi, cảm ơn anh”.
Ngay sau đó, cô Yên Quang, con gái họa sĩ Nguyễn Thụ cũng lên tiếng khẳng định rằng ông không làm sơn mài, mà phần lớn tác phẩm của ông là tranh lụa.

Nhà nghiên cứu Mỹ Thuật Ngô Kim Khôi nhấn mạnh: “Vấn nạn tranh giả đã không ngừng đưa tranh Việt vào sự hỗn loạn và tiếp tục lũng đoạn thị trường, làm cho tiếng nói của tranh Việt không thể vươn cao. Đa số trường hợp tranh giả là do người Việt hại chính người Việt. Họa sĩ Việt Nam chép tranh, giả tranh của danh họa thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương rồi đưa vào các phòng trưng bày bên Pháp. Các nhà sưu tập Việt Nam tưởng rằng tranh ở Pháp đã được kiểm chứng nên mua về. Trong khi đó, mối quan hệ của phòng trưng bày với những người chép tranh, môi giới rất phức tạp. Mong các nhà sưu tập lưu ý!”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cũng đưa ra một giả thiết khác cho hiện tượng này: “Các nhà đấu giá tại Pháp đôi khi không hiểu hết các tên tiếng Việt, nhất là các dấu trong ngôn ngữ Việt Nam, cứ thấy ký NgThu thì cố tìm ra một người họa sĩ có tên giống như thế mà gán vào, lại không hỏi hay tìm hiểu thêm. Họa sĩ Nguyễn Thụ là một tên tuổi sáng giá, phải chăng vì vậy tên của ông đã bị gọi và gán vào tranh sơn mài của một nghệ nhân hay hãng sơn mài nào đó có tên NgThu, NgThư, NgThứ… chăng”?

Họa sĩ Nguyễn Thụ là một trong 15 học viên khóa 1 (1957-1962) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giảng viên của trường và giữ cương vị hiệu trưởng của trường từ năm 1985 đến năm 1991.

Ngay những ngày đầu, Nguyễn Thụ đã bén duyên tranh lụa bởi ông tìm thấy trong tranh lụa sự nhẹ nhàng, lãng mạn, gần gũi như chính con người mình. Đặc tính mềm, mỏng, trong của lụa đòi hỏi người nghệ sĩ nuôi dưỡng và trau chuốt trong suốt quá trình làm việc.

Nguyễn Thụ là một trong số ít họa sĩ dành cả cuộc đời để vẽ tranh lụa và ghi dấu ấn sâu sắc với thể loại này. Tranh của Nguyễn Thụ cô đọng về ý, tinh lược về hình, lúc nhấn, lúc thả, đẹp dịu dàng, nên thơ, trong trẻo… như một cuộc dạo chơi lãng đãng giữa thiên nhiên, đất trời.

Tin cùng chuyên mục