
Ai đưa cỗ máy chiến tranh Mỹ đến Việt Nam là câu chuyện dài, rất dài, nhưng những ai khiến Nội các của Tổng thống Lyndon Johnson đi đến quyết định rút dần khỏi Việt Nam là câu chuyện chỉ xảy ra trong vài tháng, sau sự kiện Mậu Thân 1968. Câu chuyện cách đây gần 40 năm đã xảy ra như thế nào?
Theo Townsend Hoopes, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách không quân từ 1967-1969 (trong bài viết trên The Atlantic Monthly), sự kiện Mậu Thân đã làm thay đổi nghiêm trọng quan điểm về sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam. Tất cả bắt đầu vào ngày 26-2-1968, khi bức điện của tướng Earle Wheeler gửi về Washington từ Sài Gòn.

Lyndon B. Johnson và William Westmoreland.
Trước đó ít ngày, Wheeler được Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson phái sang Nam Việt Nam tìm hiểu xem tướng William Westmoreland thật sự cần gì? Nội dung bức điện ghi rằng Westmoreland cần bổ sung thêm 206.000 quân, chia làm ba đợt – đợt một với 107.000 quân gửi sang Việt Nam vào trước ngày 1-5-1968; đợt hai 43.000 quân vào trước 1-9-1968 và đợt cuối 56.000 quân vào trước tháng 12 cùng năm.
Trong đó, bộ binh gồm 171.000 người, không quân 22.000 và hải quân 13.000. Với những người tham gia cuộc họp về bức điện Wheeler, hầu hết đều ngạc nhiên. Tư lệnh hải quân Paul Ignatius lên tiếng: tại sao (theo báo cáo) lính Mỹ đã giết được hơn 30.000 kẻ thù sau sự cố Mậu Thân mà Westmoreland lại cần bổ sung quân?
Townsend Hoopes cũng có ý kiến tương tự. Phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara nói rằng nếu đáp ứng yêu cầu Westmoreland, Mỹ phải vét sạch lực lượng dự bị với tổn phí 10 tỷ USD trong 12 tháng đầu (thời điểm đó, McNamara đang lập bản kế hoạch ngân sách quốc phòng, năm tài khóa bắt đầu từ tháng 7-1968, với tổng ngân sách khoảng 90 tỷ USD trong đó 30 tỷ USD dành cho cuộc chiến Việt Nam).
- Sự cứng rắn của Lyndon Johnson
Trước đó, khi chuẩn bị thay McNamara ghế Bộ trưởng Quốc phòng, Clark Clifford đã được Tổng thống Johnson giao quyền chỉ huy nhóm Lực lượng đặc biệt về Việt Nam với mục đích điều tra yêu cầu Westmoreland. Bản thân Clifford luôn hoài nghi khả năng thành công quân sự tại chiến trường Việt Nam. McNamara cũng bắt đầu nhìn vấn đề theo khuynh hướng bi quan. Cùng suy nghĩ với McNamara và Clifford là Thứ trưởng Quốc phòng Paul Nitze.
Trong cùng thời gian, thông tin về yêu cầu bổ sung quân của Westmoreland được báo chí tiếp cận. Quốc hội chỉ trích Westmoreland. Thăm dò của Viện Gallup cho thấy 49% dân Mỹ bắt đầu nghĩ rằng sự tham chiến bằng cách đổ quân Mỹ sang Việt Nam là chính sách sai lầm. Tờ New York Times gọi đó là “một thảm họa”.
Ngày 15-3-1968, Tổng thống Johnson nhận bản ghi nhớ 8 trang tuyệt mật gửi từ Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Arthur Joseph Goldberg, ghi rằng Mỹ nên ngừng đánh bom Việt Nam để bắt đầu quá trình thương lượng. Trong cuộc họp bộ sậu chiến tranh vào thứ bảy 16-3-1968, Johnson – khi nhắc đến yêu cầu Goldberg – nói: “Có một điều tôi muốn làm rõ: Tôi sẽ không ngưng đánh bom. Tôi nghe quá nhiều tranh luận về chuyện này và bây giờ tôi không muốn bàn cãi thêm. Tôi đã quyết định. Tôi sẽ không ngưng”.
Cần nhắc lại, một năm trước, mùa xuân 1967, McNamara từng đề nghị ngưng đánh bom một phần nhưng Johnson lúc đó vẫn từ chối. Đêm 22-3-1968, trong trạng thái nửa tỉnh, nửa ngủ, (cố vấn tổng thống) Harry McPherson nảy ra một ý quan trọng. Sáng hôm sau, ông viết vội bản ghi nhớ ngắn gửi Johnson với nội dung ngưng ném bom không điều kiện Việt Nam tại vĩ tuyến 20 đồng thời yêu cầu Hà Nội không tấn công Sài Gòn cũng như nhiều thành phố lớn khác tại Nam Việt Nam. Trước sự ngạc nhiên của McPherson, Johnson chuyển bản ghi nhớ cho Ngoại trưởng Dean Rusk rồi chuyển tiếp cho Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Ellsworth Bunker.
Ngày 25 và 26-3-1968, nhóm cố vấn cấp cao về vấn đề Việt Nam họp tại Nhà Trắng. Trong cuộc họp, tất cả tin tức về chiến trường Việt Nam đều được trình bày, trong đó có thông tin từ Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao, CIA.
- Sự thay đổi bất ngờ
Hai ngày sau, 28-3-1968, Clifford gặp riêng (Cố vấn Tổng thống) Harry McPherson trong Văn phòng Ngoại trưởng Dean Rusk. Không nhân vật nào khác từ Lầu Năm góc hiện diện trong cuộc họp bàn về việc chỉnh sửa bài diễn văn cho Johnson (dự kiến đọc vào ba ngày sau).
Nội dung tất nhiên không đáp ứng yêu cầu tăng quân của Westmoreland mà theo đề nghị rút quân dần được đưa ra bởi nhóm “nghị hòa” (Townsend Hoopes, Paul Nitze, Phil G. Goulding...) dưới sự cầm chịch của Clark Clifford. Sáng thứ sáu 29-3-1968, Harry McPherson nộp bản diễn văn cho Johnson, với mảnh ghi chú nhỏ ghi rằng bài diễn văn “thể hiện quan điểm của các cố vấn hàng đầu tổng thống”.
9 giờ tối chủ nhật 31-3-1968, từ Nhà Trắng, Lyndon Johnson đọc bài diễn văn: “Chào các công dân Mỹ, tối nay, tôi muốn nói với các bạn về hòa bình tại Việt Nam và Đông Nam Á. Tôi bắt đầu thực hiện bước đầu tiên trong việc giảm dần tình trạng leo thang cuộc xung đột. Chúng tôi sẽ giảm mức độ thù địch, một cách đơn phương và lập tức”. “Chúng tôi sẽ ngừng đánh bom” – Johnson nói tiếp.
Tại sao Lyndon Johnson cuối cùng ngả theo chủ trương hòa hoãn cho cục diện chiến trường Việt Nam một cách bất ngờ, so với loạt tuyên bố hiếu chiến chỉ mới vài ngày trước? Theo Townsend Hoopes, sự thay đổi của Johnson có lẽ do sự thắng thế tại cuộc bầu cử sơ bộ của ứng cử viên Tổng thống Robert Kennedy; thái độ phản đối gay gắt cuộc leo thang chiến tranh Việt Nam trong Quốc hội và sự thù địch công khai của giới báo chí.
Trong sự kiện trên, vai trò của Clark Clifford rất đáng kể (chính Clifford là người đặt ra thuật từ “Việt Nam hóa chiến tranh”). Ông đã thực hiện chiến dịch vận động không chỉ trong Lầu Năm góc mà còn Bộ Ngoại giao cũng như nhiều thành viên quan trọng trong nhóm cố vấn cấp cao tổng thống.
Nhận xét về quyết định ngưng leo thang chiến tranh Việt Nam của Johnson, Clifford nói: “Các tổng thống luôn có những quyết định khó khăn và đi đến quyết định theo nhiều cách kỳ lạ. Tôi chỉ có thể biết rằng quyết định này, khi cuối cùng được tiến hành, là một quyết định đúng”. Chính xác hơn, chiến dịch (chủ hòa) của nhóm Clark Clifford chỉ là giọt nước tràn ly. Bản thân Lyndon Johnson – trong một khoảnh khắc trực nghiệm cá nhân nào đó –đã nhận ra rằng sự theo đuổi chính sách can thiệp Việt Nam trực tiếp bằng hành động quân sự là việc làm vô vọng.
ANH NGUYÊN