Ngày đầu tiên Quốc hội thực hiện chương trình chất vấn

Biện pháp khắc phục điểm “nóng” bức xúc: vẫn ở phía trước

Biện pháp khắc phục điểm “nóng” bức xúc: vẫn ở phía trước
Biện pháp khắc phục điểm “nóng” bức xúc: vẫn ở phía trước ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) chất vấn tại hội trường. Ảnh: M.Đ.

Hôm qua, 24-11, Quốc hội bắt đầu thực hiện chương trình chất vấn các thành viên Chính phủ. Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, các vị Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã lần lượt giải đáp những bức xúc của ĐBQH về tình hình tai nạn giao thông, quản lý đầu tư công trình giao thông, quy hoạch “treo”, giá đất đai, thu phí thủy lợi… Tuy nhiên, những biện pháp khắc phục bức xúc mà các vị bộ trưởng đưa ra vẫn còn ở phía trước...

Bộ trưởng Bộ GT-VT HỒ NGHĨA DŨNG:
Cần thời gian để xóa bỏ vai trò “ông chủ”

Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng tỏ ra khá bản lĩnh khi trả lời 17 câu hỏi hóc búa của đại biểu.

Dư âm của vụ tiêu cực PMU18 khiến nhiều đại biểu băn khoăn về mô hình ban quản lý dự án (PMU), nhưng Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì mô hình này.

Đại biểu Nguyễn Viết Chức (Hà Nội) nhắc lại: Nguyên Bộ trưởng GT-VT Đào Đình Bình từng nói: “Nếu vẫn giữ cơ chế như thế này thì ai thay tôi làm Bộ trưởng cũng sẽ mắc khuyết điểm!”.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Bộ GT-VT sẽ dần bỏ chức năng chủ đầu tư, chủ yếu chỉ còn chức năng quyết định đầu tư; đồng thời thành lập thêm Cục chuyên ngành thực hiện chức năng quản lý đầu tư.

Chưa hài lòng, đại biểu Trần Mạnh Đĩnh (Nam Định) hỏi thêm: “Chúng tôi thấy trả lời như vậy còn chung chung. Đề nghị Bộ trưởng đưa ra thời hạn cụ thể?”. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cam kết: “Bộ GT-VT sẽ cố gắng xóa bỏ được vai trò 2 “ông chủ” - một là chủ đầu tư, hai là chủ quản với doanh nghiệp. Để làm được phải có lộ trình, trong năm 2007, 2008 sẽ thực hiện. Đến 2008, Bộ sẽ cố gắng hoàn toàn không làm chủ đầu tư các dự án”.

Tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng là điểm “nóng” thứ hai mà Bộ trưởng Bộ GT-VT phải đối mặt. Dù Bộ trưởng đưa ra nhiều phân tích về nguyên nhân và giải pháp, nhưng đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) chất vấn thẳng thắn: “Nếu tai nạn giao thông không giảm vào năm 2007, ít nhất phải được 1/3, 1/4, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước dân thế nào?”.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phân trần: “Tai nạn giao thông gia tăng có trách nhiệm của Bộ GT-VT, nhưng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương. Trách nhiệm để xảy ra tai nạn giao thông thì tôi sẽ chịu, nhưng việc khắc phục không thể một sớm một chiều, không thể khẳng định giảm được bao nhiêu”.

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn tiếp tục tranh luận: “Mỗi bộ trưởng phải chịu trách nhiệm một lĩnh vực, không thể nói việc này do địa phương”. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tiếp tục giải thích: “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân với tư cách là Bộ trưởng. Nói nhiều nguyên nhân không có nghĩa là đổ trách nhiệm. Khuyết điểm đến đâu tôi chịu trách nhiệm đến đấy”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường MAI ÁI TRỰC:
Còn làm ngày nào, còn quyết liệt ngày đó

Vẫn với phong thái mạch lạc, dứt khoát, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực nói ông “còn làm ngày nào, còn quyết liệt ngày đó” để giải quyết những bức xúc về quản lý đất đai.

Trả lời nhiều đại biểu về “quy hoạch treo”, “dự án treo”, Bộ trưởng Mai Ái Trực tái khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm vấn đề này trước ngày 30-6-2007. Từ tháng 8-2006, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã bắt đầu tổng kiểm tra về “quy hoạch treo”, và yêu cầu tất cả địa phương, UBND các tỉnh phải báo cáo chậm nhất đến tháng 9-2006.

Đến nay đã có 37 tỉnh thành có báo cáo, và ở các địa phương này có hơn 2.300 khu quy hoạch đang trong tình trạng “treo”. Biện pháp xử lý “quy hoạch treo” mà Bộ trưởng đưa ra là: nếu thấy quy hoạch đó phù hợp, nhưng trước mắt không thực hiện được thì công bố rõ thời gian chưa thực hiện với dân; nếu xét thấy quy hoạch không khả thi, không hợp lý thì phải hủy bỏ quy hoạch đó.

“Những lần trả lời chất vấn trước rất hay, lần này cũng rất hay. Nhưng theo tôi, tình hình không có gì thay đổi, nói chính xác là có chuyển biến nhưng rất chậm” - đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) bắt đầu chất vấn Bộ trưởng Mai Ái Trực như vậy.

Đại biểu này đặt vấn đề: phải chăng những giải pháp mà Bộ Tài nguyên - Môi trường thực hiện chưa đúng, chưa đủ mạnh? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho hay, ngay trong ngày 24-11, ông sẽ ký trình Thủ tướng Chính phủ một nghị định gần 60 điều xung quanh vấn đề quản lý đất đai. “Còn mấy tháng nữa là tôi nghỉ, nhưng tôi rất buồn vì công việc chưa được giải quyết tốt như ý mình mong muốn, dù đã làm hết sức mình” - vị “tư lệnh” trên lĩnh vực đất đai tâm sự.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay 90% khiếu kiện có nguyên nhân từ đất đai, nhất là trong thu hồi, đền bù đất đai. Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) nêu thực tế là theo Luật Đất đai năm 2003, trước và sau ngày 1-7-2004 có hai giá đền bù khác nhau, và thực tế hiện nay, người dân đang còn khiếu nại liên quan đến mốc này.

Theo Bộ trưởng Mai Ái Trực, Luật Đất đai 2003 đưa giá đất sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường là “đạt đến mức hợp lý về mặt pháp luật”. Đại biểu Trần Thành Long (TPHCM) đặt vấn đề: “Giá đền bù sát giá thị trường, điều này người dân đồng tình, nhưng khi đưa ra giá lại không khớp nhau. Bộ trưởng xác định giá thị trường để đền bù như thế nào?”.

Một đại biểu khác của TPHCM - bà Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, hiện nay giá thị trường của đất là giá không thật. “Người dân cứ nhìn giá hiện nay với giá thị trường ảo để người ta đặt những yêu cầu, rồi người ta cảm thấy bị thua thiệt” - bà Nghĩa phân tích.

Chia sẻ băn khoăn của đại biểu về cách tính giá thị trường, nhưng Bộ trưởng Mai Ái Trực đặt vấn đề trở lại: “Nếu không theo giá thị trường thì chúng ta theo cái gì? Hơn nữa, trong luật nói rất rõ, giá thị trường trong điều kiện bình thường chứ không lấy giá ảo”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT:
Chưa thể miễn thủy lợi phí cho nông dân

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát là làm cách nào để có thể miễn thủy lợi phí cho nông dân. Đại biểu Vũ Minh Mão (Thái Bình) hỏi: “Bộ trưởng có nói là bỏ thủy lợi phí tạo sự không công bằng giữa nơi được đầu tư và không được đầu tư công trình thủy lợi. Thế nhưng thực tế có một số tỉnh đã bỏ hẳn khoản thu này trong 3 - 4 năm gần đây. Bộ trưởng cho biết vấn đề miễn, giảm để sau. Tôi đề nghị Bộ trưởng đưa rõ lộ trình bao nhiêu năm?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích, việc miễn giảm cần phải xem xét đến công bằng xã hội. Cả nước hiện có 9,4 triệu ha đất nông nghiệp, trong khi đó còn gần 70% diện tích đất nông nghiệp chưa có công trình thủy lợi, thậm chí có nơi thiếu cả nguồn nước sinh hoạt.

Việc bỏ thu thủy lợi phí sẽ làm triệt tiêu động lực của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Hiện nay, yêu cầu về đầu tư cho hệ thống thủy lợi là khoảng 60.000 tỷ đồng, song mới chỉ đáp ứng được 30.000 tỷ đồng.

Tiếp tục truy vấn, đại biểu Vũ Minh Mão cho rằng, Bộ NN-PTNT cần có kế hoạch sắp xếp lại 22.000 cán bộ quản lý vận hành cũng như có kế hoạch phổ biến kinh nghiệm tại những địa phương có hệ thống thủy lợi tốt đã bỏ hẳn khoản thu phí này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, hiệu quả công trình tốt là do hệ thống vận hành, tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cũng đang triển khai chương trình đổi mới doanh nghiệp thủy nông, tăng phân cấp cho các cấp quản lý, xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật. “Còn về miễn giảm thủy lợi phí, tôi được biết chỉ có Vĩnh Phúc đang thực hiện thí điểm và chúng tôi đang theo dõi, nghiên cứu để rút kinh nghiệm” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

MINH - PHƯƠNG - MY

Tin cùng chuyên mục