Tạo đòn bẩy để phát triển
Trước đây, so với cả nước, kể cả khu vực miền Trung, tỉnh Bình Định luôn là một địa phương có tốc độ tăng trưởng rất chậm. Thời điểm đó, Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội chỉ là một dải cát cằn cỗi, hoang vắng, khắc nghiệt. Bán đảo Phương Mai hoang vu, biệt lập giữa những đồi cỏ cằn cỗi, bạt ngàn cát trắng.
Khi ấy, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Định rất trăn trở, đau đáu làm thế nào để đưa tỉnh phát triển nhanh, vượt kịp các tỉnh lân cận. Khát vọng trở thành động lực để thực hiện những ý định, giấc mơ ấp ủ. Từ năm 2016 đến nay, chỉ trong 5 năm, với việc đưa ra những “nước cờ” hết sức đúng đắn, tỉnh Bình Định bắt đầu vực dậy, trở thành ngôi sao sáng của cả khu vực.
Nhờ đó, nhiệm kỳ 2015 đến 2020, tổng thu ngân sách của Bình Định tăng trưởng khá, hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm, tổng thu ngân sách của tỉnh ước thực hiện được 48.526 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu khoảng 9.705 tỷ đồng. Trong đó, tốc độ tăng thu bình quân 15,8%/năm và đặc biệt năm sau luôn tăng cao hơn so với năm trước. Dự kiến, thu ngân sách nhà nước năm 2020 của tỉnh đạt khoảng 11.986 tỷ đồng, tăng 8,9% kế hoạch đề ra (11.000 tỷ đồng), tạo nguồn lực tăng khả năng cân đối ngân sách địa phương và tăng chi đầu tư phát triển.
Đáng chú ý, địa phương đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh, tạo diện mạo mới cho đô thị và nông thôn trên địa bàn. Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt khoảng 25.160 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2015 (12.600 tỷ đồng).
Quá trình thu hút, kêu gọi đầu tư, nhờ nắm bắt được những trăn trở của các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn nên tỉnh Bình Định quyết định dồn sức, tập trung đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Trong đó, tỉnh Bình Định chú trọng quy hoạch bài bản, khoa học và mở rộng không gian của TP Quy Nhơn trở thành trung tâm để phát triển, kết nối giữa các khu trung tâm kinh tế, đô thị, du lịch, công nghiệp, khoa học, cảng biển, sân bay và vùng phụ cận… Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tranh thủ các nguồn vốn để từng bước đầu tư, xây dựng, kiện toàn các hệ thống giao thông.
Nhờ sự quyết tâm cao, khát vọng muốn bứt phá, đến nay, hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Định được đánh giá tốt nhất của khu vực. Trong đó, thành công lớn nhất về hạ tầng giao thông, gồm có việc nâng cấp, khơi thông các tuyến đường “xương sống” trọng điểm, như: quốc lộ 1D; đường phía Tây tỉnh ĐT.638 đoạn Canh Vinh - Quy Nhơn; quốc lộ 19 mới đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao quốc lộ 1; dự án đường trục KKT Nhơn Hội nối dài; triển khai một số đoạn của tuyến đường ven biển, mở rộng đường vào sân bay Phù Cát đoạn từ QL 1 đến sân bay Phù Cát; nút giao thông Đống Đa - Hoa Lư; cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông nội tỉnh…
Đặc biệt, trong giai đoạn năm 2019 - 2020, tỉnh Bình Định đón hàng loạt sự kiện quan trọng nhằm tạo đòn bẩy để phát triển các tiềm năng, lợi thế vốn có, như: thay đổi chiến lược đầu tư tại KKT Nhơn Hội, mở rộng lên 14.308ha; thành lập hãng bay hàng không Bamboo Airways và mở được chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Quy Nhơn; khởi công dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, dự án có vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng, diện tích 1.425ha, tại cực Tây KKT Nhơn Hội (đầu tư hạ tầng thông minh, hiện đại thu hút các dự án công nghiệp kết nối đô thị); mở rộng cảng biển Quy Nhơn lên gần 88ha…
Mới đây, làm việc với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã kiến nghị đến Bộ xem xét, tham mưu với Chính phủ sớm chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam (đoạn Quảng Ngãi – Bình Định) trong giai đoạn 2021-2025 và cho chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; bố trí vốn cho các dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 19B, 19C; quan tâm hỗ trợ địa phương đầu tư dự án cầu Thị Nại 2 (khoảng 1.888 tỷ); dự án tuyến đường từ Quốc lộ 19C kết nối Cảng Quy Nhơn 1.452 tỷ đồng; tuyến đường ven biển... |
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Bình Định, trong nhiệm kỳ 5 năm, bên cạnh việc đầu tư, kiện toàn hạ tầng, Bình Định đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhờ vậy, từ năm 2016 đến tháng 9-2020, tỉnh đã thu hút đầu tư 407 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 128.611,08 tỷ đồng. Đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài, trong 5 năm qua, tỉnh đã thu hút được 32 dự án có vốn FDI với tổng vốn đầu tư 309,52 triệu USD, lũy kế đến nay, tỉnh thu hút được 83 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 979 triệu USD.
Trong đó, một số dự án nổi bật đại diện các lĩnh vực đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, bao gồm: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn, quần thể du lịch có vốn đầu tư lớn nhất tại tỉnh; Khách sạn cao nhất Quy Nhơn – Pullman; Nhà máy điện năng lượng mặt trời Fujiwara; Nhà máy điện năng lượng mặt trời Fujiwara; Nhà máy điện năng lượng mặt trời Fujiwara; dự án Công viên sáng tạo TMA và Đại học FPT phân hiệu AI Quy Nhơn…
Đặc biệt, nhờ liên tục phấn đấu cải thiện các điều kiện về hạ tầng và môi trường đầu tư, nên những năm qua, tỉnh Bình Định đã thu hút được một số dự án từ các nhà đầu tư lớn, như: Tập đoàn C.P (Thái Lan), CJ (Hàn Quốc), Fujiwara, Marubeni (Nhật Bản), Tập đoàn Vinacapital, FLC, Hưng Thịnh, Hoa Sen, Halcom Việt Nam… và đặc biệt nhất là Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định của Tổng công ty Becamex IDC và VSIP Group – được kỳ vọng là những “cú đấm thép” của tỉnh Bình Định trong lĩnh vực công nghiệp ở cực Tây KKT Nhơn Hội.
Ngoài ra, địa phương cũng đang xúc tiến, kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư trong các lĩnh vực về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch, công nghiệp, sản xuất phần mềm, xây dựng khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp…
Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Định Nguyễn Thành Hải cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hóa các kênh xúc tiến thông qua các cơ quan, diễn đàn, tổ chức kinh tế có uy tín trong và ngoài nước để tiếp cận, mời gọi đầu tư. Trong đó, địa phương sẽ tiếp tục tập trung vào mời gọi các nhà đầu tư trong các lĩnh vực mũi nhọn, như: du lịch - dịch vụ, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất phần mềm... Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh cao…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, quan điểm của địa phương không phải là bằng mọi giá để thu hút đầu tư, mà cần chú trọng vào chất lượng và sự phát triển bền vững. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện hạ tầng, môi trường đầu tư, thiện chí thu hút đầu tư, địa phương cũng sẽ tập trung để phát huy sức lan tỏa của các nhà đầu tư lớn đã và đang đầu tư tại địa phương. Làm sao tạo môi trường đầu tư tốt nhất để các nhà đầu tư lớn phát huy, triển khai đầu tư hiệu quả tại tỉnh Bình Định… |