Bình Định, Phú Yên: Điều tra các vụ phá rừng tự nhiên

Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng tại huyện Sơn Hòa (Phú Yên). 

Chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về các vụ phá rừng tại Sơn Hòa, xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm; yêu cầu Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Sơn Hòa; giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ động khảo sát, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các trường hợp là cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Sơn Hòa…

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, liên quan đến 2 vụ phá rừng phòng hộ sông Trà Bương và khu vực rừng dốc Suối Quanh (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) mà Báo SGGP đã phản ánh, hiện đơn vị chức năng đã xác định được diện tích tăng thêm 3,85ha rừng bị phá, nâng tổng diện tích lên 9,65ha.

Mới đây, đơn vị chức năng phát hiện thêm 1 vụ phá rừng tự nhiên khác ở khu vực di tích lịch sử quốc gia Hội trường Mùa Xuân (xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa), thiệt hại gần 2ha rừng.

* Ngày 13-9, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tây Sơn (tỉnh Bình Định) Nguyễn Ơn cho biết, đơn vị đang phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện mở rộng điều tra, truy tìm đối tượng phá hơn 5ha rừng tự nhiên tại lâm phần xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn). Khu vực rừng bị phá nằm ở các tiểu khu 248 và 258, do UBND xã Tây Thuận quản lý, bảo vệ.

* Cùng ngày, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Long cho biết, qua thống kê trên địa bàn tỉnh (thực hiện rà soát trong tháng 9-2021), có 14.600ha rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép.

Đứng đầu là huyện Minh Hóa với hơn 7.200ha, huyện Tuyên Hóa trên 3.200ha, huyện Lệ Thủy hơn 1.000ha, huyện Quảng Trạch 925ha, huyện Quảng Ninh 923ha, huyện Bố Trạch 871ha, thị xã Ba Đồn 329ha và TP Đồng Hới 1,32ha.

Diện tích rừng bị phá phần lớn là rừng tự nhiên, đất trống không có cây gỗ tái sinh. Diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chủ yếu thuộc đối tượng chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã quản lý và rừng giao cho hộ gia đình

Tin cùng chuyên mục