Tạm dừng thanh toán 48 trường hợp
Theo ông Lê Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD), hiện trên địa bàn tỉnh đang có 4.078 dự án ĐMTMN, đấu nối lưới điện với tổng công suất 780.134 kWp, hàng năm hòa vào lưới điện quốc gia hơn 829 triệu kWh, chiếm 5,8% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh. Nhờ đó, các công trình không những góp phần đảm bảo nguồn điện năng mà còn giúp các doanh nghiệp được cấp “chứng chỉ xanh” trong việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sản xuất hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Thực hiện theo yêu cầu của EVN và EVNSPC trong việc bổ sung hồ sơ pháp lý liên quan hệ thống ĐMTMN, PCBD đã tổ chức rà soát và yêu cầu chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN bổ sung hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình bổ sung hồ sơ pháp lý (an toàn xây dựng, an toàn PCCC), chủ đầu tư các dự án, hệ thống ĐMTMN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và đơn vị phải tạm dừng thanh toán với gần 2.600 hệ thống ĐMTMN kể từ tháng 3-2022 (vẫn ghi nhận sản lượng).
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư ĐMTMN, PCBD đã có nhiều văn bản kiến nghị Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét hướng dẫn hồ sơ thủ tục xây dựng và an toàn công trình xây dựng lắp đặt ĐMTMN theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hệ thống này được phép tồn tại, tiếp tục khai thác sử dụng. Trong lúc chờ ngành chức năng có hướng giải quyết cụ thể, đến tháng 7-2022, PCBD đã triển khai thanh toán trở lại. Trong trường hợp ngành chức năng có kết luận cá nhân, doanh nghiệp vi phạm thì mới tạm ngưng thanh toán. Thống kê đến ngày 26-10-2022, PCBD đã tạm dừng thanh toán đối với 48 hệ thống ĐMTMN chưa bổ sung đủ hồ sơ, vi phạm tự ý tăng công suất dự án/hệ thống ĐMTMN.
Nhà đầu tư gặp khó
Là nhà đầu tư, ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH điện Đại Toàn Phát (huyện Bắc Tân Uyên) bày tỏ lo lắng, việc bổ sung hồ sơ xây dựng gần như không thể thực hiện do công trình đã hoàn thành. Trước tình cảnh này, doanh nghiệp đã phải rao bán một hệ thống ĐMTMN có công suất 1MWp để giảm bớt áp lực tài chính. Trong khi đó, chị Võ Thị Kim Hoàng, Công ty TNHH Minh Hoàng Phú (TP Thuận An), cho biết, công ty đã đầu tư khoảng 6 tỷ đồng xây dựng hệ thống ĐMTMN, chủ yếu phục vụ sản xuất cho công ty, lượng điện dôi dư trong ngày chủ nhật được bán lên lưới điện, mỗi năm thu về chưa tới 200 triệu đồng. Tuy lượng điện bán được không nhiều nhưng vẫn bị yêu cầu các hồ sơ về an toàn công trình xây dựng, PCCC, dù khi làm nhà xưởng, công ty đã xin giấy phép xây dựng và đầu tư hệ thống PCCC rất bài bản.
“Các đòi hỏi bổ sung hồ sơ của ngành chức năng là không cần thiết, làm phát sinh chi phí không đáng. Chẳng hạn, mới nhất chúng tôi phải thuê đơn vị thẩm định an toàn công trình với chi phí hàng chục triệu đồng, chưa kể các chi phí làm PCCC cho hệ thống quang năng cũng rất tốn kém”, chị Kim Hoàng giãi bày.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, ông Bồ Kỹ Thuật, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, thông tin, sau khi đoàn công tác của Bộ Công thương kiểm tra, khảo sát đối với các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh thì yêu cầu bổ sung các thủ tục nói trên. Ngành xây dựng muốn tháo gỡ nhưng nhà đầu tư phải đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu, như: có giấy kiểm định về chất lượng công trình, công trình hiện hữu phải có đầy đủ giấy phép theo quy định, đáp ứng điều kiện về PCCC.
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc nói trên, tại cuộc họp với các sở, ban ngành liên quan mới đây, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương,. đã giao Sở Xây dựng có hướng dẫn để các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố biết về các thủ tục, quy định trong việc cấp phép đối với công trình ĐMTMN, nêu rõ cụ thể từng loại công trình; chủ trì hướng dẫn doanh nghiệp và người dân hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo hướng đơn giản nhất…