Bỏ tiền tỷ để giữ hồn quê

Sau hàng chục năm miệt mài bỏ công sức, tiền của sưu tầm, giờ đây ông Nguyễn Quang Cương (63 tuổi) bước đầu đã thực hiện được mong ước lập bảo tàng lưu giữ hàng ngàn cổ vật để bảo tồn, phục vụ cộng đồng ngay trên mảnh đất quê hương ở thôn Chân Thành (xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Quang Cương bên các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hoa Cương
Ông Nguyễn Quang Cương bên các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hoa Cương

Nặng lòng với quê 

Ông Nguyễn Quang Cương, người con của xã An Lộc (nay là xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), hiện đang sống và làm việc tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Nói về căn duyên lập Bảo tàng Hoa Cương, ông cho biết, khi còn học sinh, những tấm giấy khen được ông xem như báu vật. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lúc bấy giờ, ông đã làm thất lạc. Lớn lên, muốn tìm về những kỷ vật, kỷ niệm thì không thấy nữa, từ đó càng thôi thúc ông nảy sinh ra ý tưởng phải lưu giữ quá khứ. Ông luôn tâm niệm rằng, lưu giữ quá khứ là lưu lại hồn dân tộc, hồn quê, xóm làng, tái sinh hồn quá khứ và phục sinh những giá trị truyền thống tốt đẹp. Từ tâm niệm đó, cùng với ý thức của một nhà giáo thâm niên 40 năm đã thôi thúc ông thực hiện ước mong xây dựng một bảo tàng gia đình hoặc bảo tàng làng xã, tại chính nơi ông chào đời.

Trong những năm sống và giảng dạy đại học tại tỉnh Bình Định, ông Cương luôn đau đáu nỗi nhớ mong trở về đóng góp xây dựng quê hương. Nghĩ là làm, năm 2004, ông đã đầu tư cả tỷ đồng xây dựng nhà khuyến học tư nhân Hoa Cương (ở xã Bình An, huyện Lộc Hà) trên diện tích 500m2 và trang bị gần 2 vạn đầu sách các loại. Nơi đây trở thành không gian văn hóa, góp phần tạo nên phong trào đọc sách, học tập có hiệu quả, rộng khắp đến người dân, học sinh các cấp trong và ngoài xã. Bộ VH-TT-DL đã tặng bằng khen thư viện Hoa Cương để ghi nhận sự đóng góp vào việc phát triển đời sống văn hóa cộng đồng, 

Năm 2017, ông Cương bắt đầu xây dựng Bảo tàng Hoa Cương tại xã Bình An. Đến tháng 7-2020 hoàn thành giai đoạn 1, đáp ứng các tiêu chí quy định của bảo tàng ngoài công lập và được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép hoạt động. Bảo tàng tọa lạc trên 2 khu đất liền kề, với diện tích 1.500m², nằm sát quốc lộ 281. Trong đó, trung tâm bảo tàng có diện tích gần 1.000m². Hiện tại, bảo tàng đã trưng bày 4.000 hiện vật, cổ vật quý hiếm và 3.700 đầu sách, tài liệu, bút tích, hình ảnh các loại phản ánh khá đa diện về đời sống, văn hóa truyền thống của người Việt. Hiện vật được phân loại, sắp xếp hệ thống theo 13 chủ đề, gồm: nông - ngư cụ truyền thống, nghề thủ công truyền thống, đồ dùng sinh hoạt truyền thống, tiền cổ Việt Nam và nước ngoài, hiện vật chống Mỹ và chống Pháp, hiện vật thời bao cấp, các loại xe đạp và xe máy cổ, nhạc cụ truyền thống. Bên cạnh đó còn có sách, tài liệu, hình ảnh, chum, ché, hũ, vại sành cổ, cối đá, trục đá, kệ đá cổ và hiện vật biển đảo Việt Nam.

Hàng ngàn cổ vật

Các hiện vật do ông Cương sưu tầm rất phong phú, đa dạng, gồm: đồ tre, đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ, đồ sắt, đồ hợp kim… Ngoài ra, còn có bộ sưu tập sinh vật biển đảo, dụng cụ đo lường… Trong số hiện vật, cổ vật (có lập hồ sơ, lý lịch) được trưng bày, đáng chú ý là hiện vật mộc hóa thạch niên đại hàng triệu năm sưu tầm ở Tây Nguyên, bộ dụng cụ bằng đá thời tiền sử niên đại hàng ngàn năm, cùng hàng ngàn hiện vật cổ xưa có từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cũng như các hiện vật thời chiến tranh và thời bao cấp. Đặc biệt, ông Cương còn dành một không gian riêng ngoài trời để trưng bày chuyên đề biển đảo Việt Nam.

Trong đó có 2 mô hình biểu tượng Hoàng Sa và Trường Sa được dựng trên các bệ đá nguyên khối nặng hàng trăm tấn cùng nhiều hiện vật ngư nghiệp truyền thống được sưu tầm từ Thái Bình đến Quảng Bình như: 15 chiếc thuyền cổ được làm bằng tre và gỗ, lưới đánh cá, mỏ neo thuyền bằng gỗ… Hình ảnh này sẽ tác động trực quan đến người tham quan, qua đó góp phần giáo dục, vun đắp thêm ý thức giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hoa Cương được xử lý bài bản, có khoa học bởi các cán bộ chuyên môn Bảo tàng Hà Tĩnh. Cùng với những tư vấn của các nhà sử học, văn hóa học trong nước, nên rất chỉn chu, quy cũ, chính quy, có tính khoa học cao.

“Việc xây dựng Bảo tàng Hoa Cương không chỉ lưu giữ, trưng bày hiện vật quá khứ, phục vụ cộng đồng, quê hương, xã hội mà còn giáo dục truyền thống cội nguồn đến cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ thông qua trực quan hiện vật lịch sử, văn hóa. Nơi đây sẽ trở thành điểm đến để học sinh các trường học trong và ngoài địa phương tổ chức học tập ngoại khóa, trải nghiệm thiết thực. Đồng thời cũng là địa chỉ văn hóa truyền thống phục vụ người dân và du khách khi đến tham quan du lịch Hà Tĩnh”, ông Cương chia sẻ.

Hiện tại, ông Nguyễn Quang Cương đang lên kế hoạch xây dựng khu ẩm thực truyền thống diện tích hơn 500m2, nhằm phục hồi những món ăn truyền thống để phục vụ du khách đến tham quan bảo tàng và du lịch trong tương lai. Ngoài ra, ông đang lập dự án thuê khoảng 4.000m2 đất để mở chuyên đề trải nghiệm bao gồm bách thảo, bách thú, hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn… nhằm bổ sung thêm hạng mục bảo tàng để phục vụ cộng đồng học tập, trải nghiệm.

Tin cùng chuyên mục