Ngày 4-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời báo chí về những mục tiêu, kỳ vọng trong năm học mới cũng như những khó khăn, thách thức và giải pháp khắc phục thời gian trước mắt và lâu dài.
* PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, năm nay, trước ngày khai giảng, mưa lũ đã khiến ngành giáo dục một số địa phương thiệt hại nặng nề. Ngành giáo dục đã có biện pháp gì để các địa phương đảm bảo mọi học sinh đều được đến trường trong năm học mới?
- Bộ trưởng PHÙNG XUÂN NHẠ: Bộ GD-ĐT cũng như toàn ngành và các địa phương đã rất khẩn trương, nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cơ bản trước khai giảng năm học mới, trong đó có cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên. Năm nay, nhiều địa phương khu vực phía Bắc, Bắc miền Trung, các tỉnh vùng ĐBSCL mưa lũ rất lớn, gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học. Trước tình trạng đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị chu đáo điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, đảm an toàn khi khai giảng năm học.
Mới đây tôi đã trực tiếp lên thăm tỉnh Sơn La và cùng địa phương rà soát các điều kiện chuẩn bị cho năm học mới. Trong các đợt mưa lũ vừa qua, nhiều trường, trong đó có Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) gần như bị phá hủy hết, từ chỗ ở, chỗ học, sách vở, thiết bị...
Hình ảnh các thầy cô với sự giúp đỡ của lực lượng quân đội, an ninh ở khu vực rất cố gắng, quyết tâm sửa sang, khôi phục cảnh quan nhà trường để kịp năm học mới thực sự rất cảm động.
Bộ GD-ĐT đã làm việc với các địa phương, động viên thầy cô giáo, các em học sinh vượt qua khó khăn, cố gắng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới.
* Cứ đầu năm học, vấn đề thiếu trường, lớp, thiếu giáo viên lại đặt ra với ngành giáo dục. Trong cuộc họp Chính phủ vừa rồi, Thủ tướng đã chỉ đạo không để thiếu giáo viên, thiếu lớp học khi bước vào năm học mới. Bộ trưởng có khẳng định chỉ đạo này sẽ được ngành giáo dục và các địa phương thực hiện tốt?
- Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ rất quan tâm đến các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học. Trong phiên họp vừa rồi, Thủ tướng đã nhấn mạnh trong năm học mới ngành giáo dục cố gắng không để thiếu lớp học và thiếu giáo viên.
Thực ra, vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ ở địa phương tồn tại nhiều năm nay. Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết vấn đề này. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải tính toán để đảm bảo số giáo viên cho các lớp học theo định biên, quy định của ngành.
Thủ tướng cũng chỉ đạo rất quyết liệt trong việc đảm bảo kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt các vùng khó khăn, vùng núi và những vùng gần đây bị bão lũ. Bộ GD-ĐT đã tham mưu trình Chính phủ Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Hy vọng Đề án này sẽ sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần quan trọng nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp học.
* Năm học 2018-2019, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp trọng tâm đã được đề ra từ 2 năm trước. Nhiệm vụ nào sẽ được ưu tiên thực hiện trong năm học này?
- Hàng năm, ngành giáo dục bám sát vào nhiệm vụ của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết 44 của Chính phủ, tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp.
Năm học 2018-2019 này, chúng tôi ưu tiên trước hết là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non cho đến đại học, sắp xếp, quy hoạch các điểm trường một cách hợp lý. Chú trọng đến tính khoa học, hợp lý trong bố trí giáo viên cũng như cơ sở vật chất, tránh tình trạng làm cơ học.
Đối với việc quy hoạch các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đây là trách nhiệm của từng địa phương, bộ đã quy định các chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn cách tổ chức triển khai quy hoạch, theo đó các địa phương tham khảo.
Thứ hai là về phát triển đội ngũ, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thành bại của đổi mới giáo dục là ở nhiệm vụ này. Trong năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ đã ban hành Thông tư về chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng, đây là bước tiến rất lớn. Vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên cũng như đội ngũ quản lý giáo dục thì việc đầu tiên là phải sửa các chuẩn. Tránh tình trạng hiện nay một số địa phương cứ nói thừa chuẩn, vượt chuẩn nhưng chuẩn đó chưa phản ánh đúng yêu cầu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài, tiến hành khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến góp ý của đội ngũ giáo viên qua nhiều vòng để ban hành được các chuẩn này. Bước đầu, sau khi ban hành, đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục đã rất quan tâm theo hướng tự soi, tự sửa để tự học, tự phát triển. Ngành sẽ có chương trình bồi dưỡng, hỗ trợ họ.
Năm học mới, căn cứ vào lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, căn cứ vào các chuẩn giáo viên và hiệu trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ này, chú trọng kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Một nhiệm vụ cũng sẽ được quan tâm trong năm học này là tiếp tục chỉ đạo các địa phương kiên cố hóa trường lớp, cơ sở vật chất chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình dù rất tốt, giáo viên dù được bồi dưỡng, nhưng điều kiện để thực hiện chương trình, đặc biệt với cấp tiểu học không đủ 2 buổi/ngày thì thời lượng để thầy cô truyền tải, tổ chức dạy học sẽ rất khó khăn.
Chúng tôi đã trình Chính phủ Đề án về kiên cố hóa trường lớp, kết hợp với chương trình mục tiêu nông thôn mới, chương trình về trái phiếu chính phủ, chương trình giáo dục miền núi... để tập trung ưu tiên cho các khu vực khó khăn này.
Một nhiệm vụ khác cũng được tập trung trong năm học này là nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh theo hướng không chỉ giáo dục trong nhà trường mà còn ngoài nhà trường, để làm sao Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (trước kia là đến 2020, giờ trình Chính phủ điều chỉnh lại là Đề án đến 2080), theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Với giáo dục đại học, nhiệm vụ chủ yếu trong năm học này là đẩy mạnh tự chủ. 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ sau 3 năm cho thấy kết quả tốt. Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ Nghị định về tự chủ đại học. Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới đây. Đẩy mạnh tự chủ đại học để nhờ đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, gắn đào tạo với sử dụng.
* Một nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học này là chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020. Đến thời điểm này, còn những khó khăn gì có thể làm ảnh hưởng đến lộ trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?
- Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được ngành giáo dục thực hiện công phu, bài bản từ năm 2015. Chương trình tổng thể, Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục sau một thời gian xây dựng và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và sẽ sớm được ban hành đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, 2 điều kiện rất quan trọng để triển khai chương trình là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp vẫn là vấn đề cần phải quan tâm. Chương trình có tốt đến mấy nhưng người thực hiện là đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu cũng khó thành công.
Lần đổi mới này có khác biệt là chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, vì vậy, đội ngũ giáo viên cũng phải chuyển mình. Nếu giáo viên không được bồi dưỡng kiến thức, không được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, rủi ro sẽ rất cao.
Về cơ sở vật chất trường lớp, nhất là với lớp 1 phải đảm bảo dạy và học được 2 buổi/ngày mới giảm tải được. Nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 1/3 địa phương chưa đảm bảo 2 buổi/ngày.
*Vậy sẽ giải quyết các khó khăn này như thế nào?
*Trên thực tế, 2 điều kiện là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thì Bộ GD-ĐT đều không quyết định trực tiếp được. Về giáo viên, Bộ GD-ĐT phải làm việc với Bộ Nội vụ. Hiện nay tình trạng thiếu thừa giáo viên chưa được giải quyết, cộng thêm chế độ đãi ngộ với giáo viên còn hạn chế nên động lực để các thầy cô đổi mới rất khó khăn. Điều này Chính phủ cũng biết và chúng ta sẽ phải đợi trong Đề án cải cách chính sách tiền lương tới đây.
Về cơ sở vật chất, phần nhiều phụ thuộc vào Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT. Bộ GD-ĐT đang cùng các bộ liên quan tìm phương án giải quyết, tuy nhiên theo phân cấp, thực hiện đầu tư cơ sở vật chất lại là các địa phương, nên rất cần cả sự đồng thuận và vào cuộc của các tỉnh thành.
Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới trong thời gian Quốc hội cho phép nhưng quan trọng phải đảm bảo chất lượng. Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện chương trình hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất trường lớp. Tinh thần chung là phải làm chắc chắn.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, theo đó phân công trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương. Chỉ khi tất cả làm tốt phân công một cách đồng bộ, nhịp nhàng chương trình mới thành công được.
* Ngày mai cả nước sẽ đồng loạt khai giảng năm học mới, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì tới đội ngũ nhà giáo, học sinh, các bậc phụ huynh trong dịp đặc biệt này? - Ngày 5-9 hàng năm là ngày hội với ngành giáo dục và toàn dân. Năm học mới ngành giáo dục sẽ có rất nhiều nhiệm vụ, nhiều thách thức, tuy nhiên cũng có nhiều cơ hội và thuận lợi. Tôi mong muốn cũng như tin tưởng các thầy cô tiếp tục phát huy kết quả đạt được của năm học trước, bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm học mới. Trước khó khăn, thách thức của đổi mới, các thầy cô hết sức bình tĩnh để cùng toàn ngành vượt qua. Tôi tin rằng các thầy cô với sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm sẽ thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình. Tôi cũng chúc và mong các em học sinh một năm mới với nhiều nhiệm vụ học tập, với định hướng đổi mới và nhiều cơ hội phía trước sẽ chăm ngoan, học giỏi và có một năm học thành công. Mong các bậc phụ huynh cùng đồng hành với ngành giáo dục để chúng ta kết hợp giữa giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội, tạo ra được hệ sinh thái tốt cho phát triển giáo dục. |