Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Bộ luật Thi hành án

Bộ Tư pháp sẽ quản lý trại giam?

Hôm qua, 24-8, thảo luận dự án Bộ luật Thi hành án, các ĐBQH chuyên trách cơ bản thống nhất giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án. Tuy nhiên, việc có nên chuyển lực lượng cảnh sát tư pháp về Bộ Tư pháp và giao cho bộ này quản lý hệ thống trại giam hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Do còn nhiều ý kiến, Ban soạn thảo đã đưa ra 3 phương án: (1) Bộ Tư pháp trực tiếp tổ chức thực hiện thi hành án hình sự; chuyển giao toàn bộ tổ chức, nhiệm vụ thi hành án hình sự mà Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đang đảm nhiệm sang Bộ Tư pháp; (2) chuyển giao tổ chức, bộ máy và nhiệm vụ thi hành án phạt tù, trục xuất, tử hình từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp, còn thi hành án trong quân đội vẫn giữ như hiện nay; (3) giữ mô hình tổ chức thi hành án hình sự như hiện nay.

Đại biểu Đỗ Ngọc Quang (Bắc Ninh) băn khoăn: nếu giao cho Bộ Tư pháp quản lý thi hành án hình sự và hệ thống trại giam thì liệu có bảo đảm an toàn xã hội hay không? Đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng không nên giao cho Bộ Tư pháp trực tiếp thi hành án hình sự. Ông lo ngại: nếu dân sự hóa thi hành án phạt tù, các đối tượng phạm nhân phá trại thì làm thế nào?

Thực tế, chỉ quản lý thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã quá tải, mà biểu hiện là tồn đọng thi hành án rất nhiều. Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhất quyết giữ quan điểm không nên chuyển giao thi hành án hình sự sang Bộ Tư pháp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu cho biết: “Chúng tôi đã 2 lần báo cáo Chính phủ, và đa số thành viên Chính phủ đồng ý phương án này. Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước, nhưng không được trực tiếp quản lý thi hành án phạt tù thì làm sao hoạch định được chiến lược, tham mưu về thể chế chính sách? Nếu không “nắm” về tổ chức, cán bộ thì quản lý nhà nước sẽ không hiệu quả. Khi xảy ra bạo loạn, phá trại giam, có thể huy động lực lượng công an, quân đội vào cuộc.

BẢO MINH
 

Tin cùng chuyên mục