

Diễn ngâm bài thơ “Ngậm ngùi” của cố nhà thơ Huy Cận tại TPHCM - trình bày: Thanh Tú. Ảnh: AN DUNG
Sáng 23-2, “Ngày thơ Việt Nam” toàn quốc được khai mạc tại địa chỉ văn hóa thiêng liêng Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội. Hơn một vạn người yêu thơ Việt Nam và du khách quốc tế đã chứng kiến lễ khai mạc hoành tráng, hấp dẫn, báo hiệu một mùa thơ sung sức.
Sau lễ kéo cờ là trình diễn bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. Như thường lệ, bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ được dùng cho mở đầu ngày hội thơ. Tiếp đó, hàng trăm quả bóng được thả lên không trung mang theo những lời thơ đầy xúc cảm và tâm huyết đã sống bền bỉ qua nhiều thế kỷ.
Năm nay, “Ngày thơ Việt Nam” thực sự gây bất ngờ cho người yêu thơ. Bởi lẽ, tại đây, người ta có thể hòa cùng không khí thơ ca của mùa xuân dân tộc. Sân thơ dành cho các nhà thơ đã thành danh đậm tính truyền thống với các đề tài ngợi ca tình yêu con người, mùa xuân đất nước với mong ước đánh thức tâm thức và sự đồng điệu của người yêu thơ qua các sáng tác thơ. Đồng thời, biểu dương giá trị truyền thống lịch sử.
Người yêu thơ có dịp giao lưu với các nhà thơ như: Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Việt Chiến, Dương Thuấn… Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn đã đọc hai bài thơ “Tràng giang” và “Ngậm ngùi” để tưởng nhớ nhà thơ lớn Huy Cận vừa qua đời.

Hàng ngàn học sinh trường Nguyễn Du, Gò Vấp, TPHCM chăm chú nghe các nghệ sĩ diễn ngâm các bài thơ nổi tiếng Việt Nam. Ảnh: K.P
Có lẽ, ấn tượng nhất trong “Ngày thơ Việt Nam” lần này là sân thơ trẻ. Hoạt động này được ví như sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Các nhà thơ trẻ đã chiếm lĩnh ngày hội thơ và họ đã thổi vào “Ngày thơ Việt Nam” luồng sinh khí mới mẻ. Họ đã có diễn đàn riêng để thể hiện sức trẻ của một lực lượng kế cận.
Nhà văn Cao Tiến Lê nhận xét: “Qua các sáng tác trẻ, tôi thấy các cây bút trẻ có nhiều tâm sự sâu sắc và ngày càng chín chắn hơn. Họ bộc lộ về tình yêu khá nhưng tính khái quát chưa cao, đặc biệt là trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước trong thơ còn thiếu”.
Những gì đã thấy ở “Ngày thơ Việt Nam” lần thứ III làm cho người yêu thơ có được cảm giác thơ Việt Nam được tôn vinh, nâng lên một tầm cao mới.
Như ông Hữu Thỉnh, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban tổ chức, đầy hứng khởi nói: “Ngày thơ Việt Nam có một bước chuyển lớn về chất. Từ một ngày hội thơ nó đã trở thành lễ hội thơ của Việt Nam; đã đáp ứng được thị hiếu của người yêu thơ các lứa tuổi. Tôi cho rằng, phải phát huy được giá trị tinh túy trong thơ ca thì quần chúng mới chấp nhận. Riêng diễn đàn thơ trẻ lại là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, nó làm cho các thế hệ yêu thơ gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Từ đó, thế hệ trẻ biết tiếp thu, phát huy những truyền thống quý giá của đất nước để truyền tải vào thơ ca”.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai trực tiếp bình bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: K.P
* Tối 23-2, tại Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp, Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TPHCM phối hợp cùng nhà trường tổ chức đêm thơ dành riêng cho thiếu nhi nhân kỷ niệm 3 năm Ngày thơ Việt Nam. Đông đảo các nhà thơ thành phố; các giáo sư, tiến sĩ văn học đang giảng dạy tại các trường đại học cùng hàng ngàn giáo viên, học sinh trường tham dự.
Trong khung cảnh ấm cúng của đêm rằm tháng Giêng, dưới ánh trăng soi vằng vặc, thầy trò nhà trường đã cùng nhau dâng hương tưởng nhớ đại thi hào của dân tộc- Nguyễn Du và nghe các nghệ sĩ ngâm các bài thơ của Bác Hồ, của các nhà thơ tên tuổi Việt Nam.
Đăc biệt, đêm thơ cũng giới thiệu các bài thơ của học sinh trường sáng tác đoạt giải trong cuộc thi thơ Mừng Đảng, mừng xuân 2005 của trường.
Đêm thơ càng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc hơn khi các em học sinh được nghe giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai trực tiếp bình bài thơ “Nguyên tiêu” (Rằm tháng Giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây quả là buổi sinh hoạt ngoại khoá bổ ích, giúp học sinh càng yêu hơn môn văn học trong nhà trường hiện nay.
Nhóm PV