Bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt: yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các quốc gia thành viên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Ủng hộ mạnh mẽ

Nghị quyết trên được đệ trình theo sáng kiến của Vanuatu và nhóm nòng cốt gồm 18 nước, trong đó có Việt Nam. Việc nghị quyết được 132/193 nước thành viên LHQ đồng bảo trợ và được thông qua bằng hình thức đồng thuận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này.

Theo Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, với nghị quyết này, Đại hội đồng LHQ yêu cầu ICJ làm rõ 2 vấn đề liên quan biến đổi khí hậu. Một là, xác định nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nói chung và các công ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu nói riêng như Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS)…, nhất là liên quan việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính do các hoạt động của con người gây ra. Hai là, trên cơ sở các nghĩa vụ đó, Đại hội đồng LHQ đề nghị ICJ xác định trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra phát thải lớn và dẫn tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các nước khác, cũng như đối với thế hệ hiện tại và tương lai.

Trên thực tế, cộng đồng quốc tế đã có những cơ chế quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như UNFCCC, Hiệp định Paris. Tuy nhiên, nhiều quy định trong các thỏa thuận này còn chưa thực sự cụ thể, dẫn tới việc các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu của các quốc gia chưa được như mong muốn. Nhiều mục tiêu chung của quốc tế khó có thể đạt được. Vì vậy, nếu ý kiến tư vấn của ICJ đưa ra làm rõ hơn được trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia, cộng đồng quốc tế sẽ có thêm nhiều cơ sở để đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới, góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu cũng như giúp các quốc gia thích ứng tốt hơn.

Vai trò tích cực của Việt Nam

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Việt Nam là một trong 5 thành viên đầu tiên của nhóm các quốc gia nòng cốt. Việt Nam đã tích cực tham gia trong quá trình xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết với gần 50 cuộc họp của nhóm từ tháng 9-2022 tới nay, cũng như trong 3 vòng tham vấn chính thức với toàn bộ các nước thành viên LHQ cùng nhiều cuộc tiếp xúc không chính thức khác. Nhiều góp ý của Việt Nam được đưa vào nghị quyết, trong đó có việc đưa nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng khác biệt”, đề cập các tác động của biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển, các nước dễ bị tổn thương, các sáng kiến của Việt Nam đề xuất tại Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu…

Do vị trí địa lý đặc thù cùng đường bờ biển dài hơn 3.000km, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề nước biển dâng. Trong bối cảnh đó, việc tích cực tham gia nhóm nòng cốt xây dựng nghị quyết giúp đề cao các chính sách và nỗ lực của Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cam kết giảm phát thải ròng về mức bằng 0 vào năm 2050, cũng như vai trò tích cực của Việt Nam trong các cơ chế, diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu, góp phần cùng các nước tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này, từ đó tranh thủ thêm hỗ trợ của quốc tế đối với các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam. Lâu dài hơn, việc ICJ đưa ra ý kiến tư vấn có khả năng giúp có thêm những biện pháp, nguồn lực mạnh hơn cho ứng phó biến đổi khí hậu, vừa giúp giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, vừa giúp thúc đẩy hỗ trợ trực tiếp cho các nước đang phát triển như Việt Nam trong ứng phó ở cấp độ quốc gia.

Tin cùng chuyên mục