
Chiều mùng 3 Tết, những dòng người du xuân vẫn nghìn nghịt đổ về trung tâm TPHCM. Đường hoa Nguyễn Huệ chuẩn bị bế mạc sau những ngày đón tiếp hàng vạn lượt khách trong nước và nước ngoài đến tham quan còn rất ăn khách. Những khu vui chơi như Đầm Sen, Tao Đàn, Suối Tiên, Thảo Cầm viên Sài Gòn… khoác trên mình chiếc áo mới đón chào mùa xuân của đất trời.
TPHCM: Biểu diễn nghệ thuật trên đường phố
Nhờ chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phục vụ Tết sớm, các chương trình văn hóa ngày tết tại TPHCM đã mang lại hiệu quả xã hội cao, có những nét mới, thể hiện rõ bản sắc dân tộc, phong phú và lành mạnh. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên đường phố tạo ấn tượng tốt, được nhân dân hoan nghênh. Năm nay văn hóa tết diễn ra trên diện rộng, từ nội thành ra ngoại thành, vùng sâu vùng xa.

Đông đảo người dân TPHCM đón giao thừa tại trung tâm TPHCM. Ảnh: AN DUNG
Các sự kiện đã làm nên một mùa xuân văn hóa trên địa bàn TP có thể kể đến Hội Hoa xuân tại Tao Đàn kéo dài đến mùng 7 Tết với 800 nghệ nhân ở các nơi đem về trưng bày hàng ngàn hiện vật, hoa kiểng quý hiếm. Lễ hội đón giao thừa Bính Tuất 2006 gồm các chương trình biểu diễn của Công ty Tổ chức biểu diễn nghệ thuật TPHCM; các Nhà hát Bông Sen; Giao hưởng vũ kịch; Trần Hữu Trang; Đoàn Xiếc TP; Đoàn múa Những Ngôi sao nhỏ; Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP đã phục vụ liên tục tại công viên 23-9, công viên 30-4, quảng trường trước Nhà hát TP, sân khấu vòng xoay Nguyễn Huệ- Lê Lợi và nhiều nơi khác.
Lễ hội bánh tét xuân Bính Tuất 2006 diễn ra thật tưng bừng trước sự chứng kiến của Chủ tịch HĐNDTP Phạm Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Văn Đua cùng hơn 10 ngàn khách trong và ngoài nước vào tối mùng 2 Tết.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ lễ hội trước khi mở bánh tét nói lên đầy đủ ý nghĩa trang trọng, sự may mắn trong sinh hoạt dân gian Nam bộ mừng năm mới. Song song đó, những buổi diễu hành nghệ thuật trên đường phố, xe hoa tuyên truyền cổ động với chủ đề “Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng TP Anh hùng”, triển lãm “Đảng CSVN 76 mùa xuân chiến thắng”, triển lãm “Hoa đăng lung linh nét Việt”, “Băng đăng Đầm Sen 2006”, trưng bày các loại thực vật lạ, hoa xuân tại Thảo Cầm viên, “Rừng phù thủy” và “Bí mật kho báu người tiền sử” tại Suối Tiên, chương trình “Sắc xuân” tại khu du lịch Văn Thánh, liên hoan các món ăn ngọt tại Bình Quới, ca múa nhạc- hài kịch của công ty Nụ Cười Mới tại công viên Lê Thị Riêng, ca múa nhạc “Dịu dàng sắc xuân” tại CLB Lan Anh, “Những người thích đùa” tại Nhà hát Bến Thành, liên hoan “Vũ điệu mừng xuân” tại Cung văn hóa Lao động… đã góp phần tạo nên một diện mạo văn hóa mới lành mạnh, sang trọng và hoành tráng của Xuân Bính Tuất.
Nhộn nhịp với không khí mang đậm sắc xuân, các điểm vui chơi giải trí ở Củ Chi cùng với các trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục thể thao huyện tổ chức vui đón xuân với nhiều chương trình khá phong phú, với những hội thi mang đậm âm hưởng dân gian trong những ngày Tết cổ truyền… Bắn pháo bông đêm giao thừa tại Khu Du lịch địa đạo Bến Dược Củ Chi thu hút hàng trăm ngàn người dân không chỉ ở trong huyện mà còn những huyện khác trong TP, kể cả các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương… xem và vui đón giao thừa.
Trong các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, các hội thi như đua thuyền vượt sông Sài Gòn, giải bóng đá du kích Củ Chi, hội thi cờ tướng, hội thi duyên dáng sắc xuân lần lượt diễn ra đã thu hút hàng ngàn thanh niên ở 21 xã, thị trấn Củ Chi tham gia. Huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phong phú phục vụ bà con.
Hà Nội: Vui xuân trong tiết trời ấm áp
Tiết trời Hà Nội trong những ngày đầu năm mới ấm áp, trời hơi se lạnh vào buổi sáng và ấm áp và trải đầy nắng vào vào buổi trưa. Do vậy người Hà Nội cũng đổ ra đường du xuân nhộn nhịp ngay từ ngày đầu tiên của năm mới.
Như mọi năm, trong những ngày đầu tiên của năm mới các gia đình ở Hà Nội thường đi lễ cầu một năm mới bình an. Nếu như chùa Hà, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ được mở cửa suốt đêm, chật ních người ngay sau thời khắc giao thừa thì tại Phủ Tây Hồ, đền Ngọc Sơn, chùa Bồ Đề sáng mồng 1 mới bắt đầu đón lễ. Đi lễ đầu năm, đồ lễ thường gọn gàng, gồm ít hoa quả và không quên nhận lại chút lộc nho nhỏ như bánh oản đỏ, bao diêm hồng của chùa để lấy hên cả năm.
Khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám trong ngày đầu xuân cũng trở nên nhộn nhịp và tấp nập. Nếu những cô cậu tuổi còn cắp sách đến trường cầu một năm mới học hành suôn sẻ thì người lớn tuổi mong tìm lại không khí thanh tịnh của ngày đầu xuân với hội cờ tướng, cờ người, với hình ảnh của những ông đồ già “muôn năm cũ” bên giấy đỏ, mực tàu. Nếp xin chữ và cho chữ đầu năm mới được khôi phục vài năm trở lại đây và đang ngày càng phát triển. Chỉ tính từ chiều 29- 1 (tức mùng 1 Tết) đến hết ngày 31-1 (mùng 3 Tết) đã có gần 30.000 lượt khách quốc tế và người dân khắp nơi vào thăm khu di tích này.
Các tụ điểm văn hóa cũng nhờ tiết trời ấm áp mà đông vui ngay từ ngày mùng 1 Tết. Ngoài những trò chơi thường ngày, hàng loạt các hoạt động như vui xuân, hái lộc, tái hiện cảnh đón xuân Hà Nội xưa được các gia đình tích cực hưởng ứng. Đông nhất là công viên Hồ Tây, công viên Thống Nhất và Vườn thú Hà Nội. Các rạp chiếu phim cũng nhộn nhịp khai xuân với những bộ phim được quảng cáo rầm rộ từ trước Tết như “Đẻ mướn”, “2 trong 1”... Tại các sân khấu ngoài trời diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ chuyên và không chuyên.
Tây Nguyên, ĐBSCL: Rộn ràng vui Tết
Nhờ tích cực chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nên những ngày Tết Bính Tuất ở Tây Nguyên đã diễn ra rất bình yên và đầm ấm tình đoàn kết. Đồng bào đã coi Tết Nguyên đán là Tết truyền thống chung của cả dân tộc và các tỉnh đều dành sự quan tâm tối đa đến đồng bào nghèo thông qua hình thức thăm hỏi, tặng quà cho các già làng, trưởng bản, nhân sĩ trí thức tiêu biểu; cấp gạo, tặng tiền cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo để không ai không thiếu đói trong dịp Tết. Tại Gia Lai, tỉnh trích ngân sách tặng cho 160 làng, mỗi làng 2 triệu đồng và 7 xã biên giới, 7 đồn biên phòng biên giới mỗi đơn vị 2 triệu đồng để tổ chức vui xuân mới cùng đồng bào tại chỗ và các đơn vị Campuchia kết nghĩa.
Tại Đà Lạt và Buôn Ma Thuột, ngành VH-TT đã tổ chức hội chợ Xuân qui mô lớn thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham gia. Lực lượng CSGT đã đảm bảo thường xuyên tuần tra, kiểm soát giao thông nên đã hạn chế được các vụ TNGT nghiêm trọng trong những ngày Tết. Lần đầu tiên sau nhiều năm, lượng khách quốc tế đón giao thừa ở Đà Lạt nhiều hơn khách nội địa với 186 khách, chiếm hơn 60% tổng lượng khách. Do CBCNV được nghỉ Tết dài ngày nên lượng khách du xuân qua đăng ký tại các khách sạn sẽ tăng vọt trong vài ngày tới.
Hôm qua, 31-1 (mùng 3 Tết Bính Tuất), không khí vui xuân ở miền Tây vẫn nhộn nhịp, trên các đường phố, trước cửa nhà của người dân vẫn rực sắc hoa vàng. Các điïa điểm du lịch nổi tiếng như Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang), bến Ninh Kiều (Cần Thơ), các ngôi chùa ở Trà Vinh, Sóc Trăng vẫn là địa điểm thu hút đông đảo người dân vui xuân. Trước đó, trong lễ hội đón giao thừa, nhiều điïa phương như Cần Thơ, Hậu Giang đã tổ chức bắn pháo hoa để người dân vui đón năm mới. Không khí đón Tết ở miền Tây năm nay gắn liền với nhiều hoạt động văn hóa nhộn nhịp. Nhiều tỉnh, trong đó có Hậu Giang đã cấp phí đến các xã tổ chức sân khấu ca nhạc cho người dân ca hát, vui xuân.
Do chưa thu hoạch lúa đông – xuân, “hầu bao” nông dân ít ỏi, phần lớn nông dân ở miền quê ĐBSCL đón Tết khá tiết kiệm. Các điïa phương có đông hộ nghèo như Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang đều tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến thăm và tặng quà cho các gia đình nằm trong diện nghèo, gia đình chính sách có công với cách mạng đã tạo được không khí nồng ấm trong dịp đón năm mới.
Nhóm PV