Nắng nóng và hạn hán

Cả vùng “khát” nước!

Cả vùng “khát” nước!

Cả vùng “khát” nước! ảnh 1

Hạn hán làm sản xuất hoa màu ở Bạc Liêu gặp khó khăn. Ảnh: CAO THĂNG -  MINH TRƯỜNG

Thành phố đã bước vào tâm điểm của mùa khô. Trên những cánh đồng đậu phộng, rau, củ, quả ở huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn…,  khắp nơi đang bị cơn thiếu nước tưới đe dọa. Hạn hán cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân các tỉnh ĐBSCL, Tây Ninh… do thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.

  • TPHCM: Cánh đồng thiếu nước
Cả vùng “khát” nước! ảnh 2

Nỗi lòng “giọt nước, cọng rau” với nông dân ngoại thành trong lúc này là vấn đề thời sự ở các huyện ngoại thành Bình Chánh, Củ Chi. Tại các vùng chuyên canh rau ở các xã Bình Chánh, Tân Quí Tây, Hưng Long, Qui Đức huyện Bình Chánh cảnh nông dân chờ xếp hàng thuê máy bơm để tưới rau giá 15.000 đồng/giờ cũng không phải là hiếm.

Ông Phan Văn Chùm, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh lau vội những giọt mồ hôi nói: “Đề phòng hạn hán, tôi bỏ vụ lúa đông xuân để dồn sức trồng hoa màu, nhưng thiếu nước tưới chừng mươi ngày nữa thì hoa màu cũng phải chào thua thôi”.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A Phan Văn Cư cũng lo lắng: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay toàn xã chỉ trồng khoảng 200ha rau, củ, quả (đã giảm 300ha) với khoảng 3.000 giếng khoan thủ công. Tưởng sẽ đáp ứng xuể, nào ngờ mạch nước ngầm tụt sâu đến gần cả chục mét”.

Nông dân Củ Chi đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch đậu phộng, nếu như các xã vùng cánh Bắc của huyện được sự trợ giúp nguồn nước từ kênh Đông thì các xã vùng cánh Đông như Tân Thạnh  Đông, Tân Phú Trung, Trung An, Hòa Phú… phải nhờ vào nguồn nước kênh mương từ sông rạch dẫn vào và phần lớn là mạch nước ngầm.

Thế nhưng trước hiện trạng khô hạn này, những cánh đồng đậu phộng ngút ngàn của xã Hòa Phú cũng đang có dấu hiệu héo úa thiếu sức sống trước sức tấn công của cơn hạn hán. Ông Nguyễn Văn Mèo không rời vòi phun nước trả lời: “Đầu tư bạc triệu ròng rã gần 3 tháng trời, đã đến miệng ăn mà bỏ sao được.

Ngày đêm không dám ngủ chờ nước rỉ ra được bao nhiêu thì tranh thủ bơm chứ không đủ nước trong lúc này thì làm sao có trái mà thu hoạch. Cả đời qua sống với cây đậu phộng, nhưng đâu năm nào khó như năm nay”.

Qua khảo sát nhiều tuyến kênh trên địa bàn huyện Bình Chánh, hiện nay nước đã cạn kiệt. Nông dân ở các xã này chờ đợi hệ thống thủy lợi nội đồng nên từ hai, ba năm nay họ đã bỏ hẳn vụ lúa đông xuân. Trong khi nông dân vẫn ngày đêm canh cánh trông về cánh đồng bỏ hoang mùa nắng hạn vì không có hệ thống nước tưới thì tại Trạm bơm công nghiệp Vĩnh Lộc A có công suất 10.000 m3/giờ cũng nằm hoang phế dưới cái nắng hạn gay gắt.

Và trên 4km tuyến kênh dẫn nước vào trạm bơm cũng bỏ mặc cho năng, cỏ mọc um tùm. Cùng chung cảnh trạng “trơ gan cùng tuế nguyệt” hàng chục năm này là Trạm bơm công nghiệp Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn.

Với người dân xã Bình Mỹ huyện Củ Chi thì việc tụt giảm mạch nước ngầm đã làm hệ thống giếng khoan bơm tay của UNICEF bị tầng nước phèn tấn công. Anh Lê Văn  Phước, ấp 4B thừa nhận: “Năm trước vào thời điểm này giếng bơm tay của nhà còn xài được. Còn năm nay nước bơm lên không thể sử dụng được vì phèn nặng”.

Nhiều người dân sống ven sông Sài Gòn như Nhị Bình, Bình Mỹ, Hòa Phú của huyện Củ Chi và Hóc Môn cũng lo ngại về tình trạng nước sông có vị mặn mấy ngày nay - chuyện hiếm có.

Dầu vậy, cái khổ của người dân ở đây cũng chưa đến nỗi nhiêu khê bằng người dân ở huyện Nhà Bè. Tại các xã Phú Xuân, Phước Lộc, thị trấn Nhà Bè, mấy ngày qua đội quân bán nước tăng lên đáng kể. Dù nhiều năm nay được trợ giá, bù giá nhưng nước đến người dân cũng 15.000 – 20.000 đồng/m3. Hầu hết dân các ấp sâu của xã Hiệp Phước như Sóc Vàm, Mương Lớn muốn có nước sinh hoạt ăn uống phải ra bờ sông chờ ghe bán nước dạo từ Đồng Nai hay Long An. Đường sá xa xôi, về tới nơi giá khối nước đội lên  50.000 đồng.

Cả vùng “khát” nước! ảnh 3

Một nhánh kênh Đông ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi đã cạn nước. (Ảnh chụp 1-3-2005).

  • Tây Ninh: Hồ Dầu Tiếng cạn dần

Kể từ khi chặn dòng sông Sài Gòn (năm 1985) để tích nước hồ Dầu Tiếng, đây là thời điểm có mực nước thấp nhất. Theo Giám đốc Nguyễn Xuân Thành: “Ngày 28-2, mực nước trong hồ chỉ còn 18,4m. Hồ đang chứa khoảng 612 triệu m3 và mực nước hiện cao hơn mực nước chết 1,4m.

Theo kế hoạch, ngày 30-3, chúng tôi sẽ đóng cửa hồ để tiến hành sửa chữa. Đây cũng chính là thời điểm các đồng ruộng ở tỉnh Tây Ninh đã thu hoạch xong và không cần nước tưới”. Theo tính toán của ông Thành, lượng nước trong hồ Dầu Tiếng đủ đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt cho TPHCM và tỉnh Tây Ninh. Hơn thế nữa, lượng nước này còn đủ phục vụ cho một số đất nông nghiệp ở tỉnh Tây Ninh và đương nhiên phải khống chế đầu kênh cấp 1 (kênh chính), cũng như kêu gọi nông dân phải hết sức tiết kiệm.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là sắp tới vụ hè thu không biết ra sao vì “vẫn chờ mưa”. Giải pháp căn cơ “sống chung với hạn” vẫn chưa có. Tình hình này không phải chỉ riêng của tỉnh Tây Ninh mà còn nhiều tỉnh, thành khác ở các tỉnh miền Đông và Trung Nam bộ.

  • ĐBSCL: Thiếu nước từ đầu nguồn đến cuối nguồn

Đến cuối tháng 2-2005, tình hình khô hạn, nước mặn xâm nhập ngày càng diễn biến phức tạp ở ĐBSCL. Nước mặn đã làm hàng ngàn hécta lúa ở Trà Vinh, Hậu Giang, Tiền Giang… bị thiệt hại và mất trắng. Một số huyện đầu nguồn sông Tiền như Tân Châu, An Phú (An Giang); Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), nguồn nước cũng đang thiếu; lượng nước trữ lại trên ao hồ rất thấp và ít, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và cả gia súc, gia cầm.

So với các tỉnh ĐBSCL, cuộc sống cơ cực vì thiếu nước ở Bến Tre thường đến sớm. Mùa khô năm nay, Bến Tre  phải đương đầu với nạn xâm nhập mặn dữ dội như cách đây 3 năm. Ở Bình Đại, độ mặn có thể sẽ lên đến hơn 20%0. Nước mặn sẽ theo gió chướng vào sâu trong đất liền 40 - 50 km, đe dọa cuộc sống của người dân.

Tại Cà Mau, diễn biến tình hình hạn hán càng thêm gay gắt do phần lớn nguồn nước trong ao hồ kênh rạch là nước mặn. UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp thực hiện ngay việc nạo vét kênh mương để dẫn nước tưới tiêu, lập dự án trạm cấp nước ở những vùng quá khó khăn để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đến nay, Cà Mau đã chuyển đổi khoảng 7.000ha đất trồng lúa sang trồng hoa màu để chủ động nguồn nước sản xuất.

Tuy nhiên, ở một số xã ven biển hay cuối nguồn, tình hình rất phức tạp. Tại xã Biển Bạch, huyện Thới Bình nhiều người dân đang lo lắng thiếu nước ngọt sinh hoạt do không khoan được nước ngọt. Hiện tại họ còn trữ nước để xài. Song, không ai dám chắc 1-2 tháng nữa tình hình sẽ ra sao

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục