
Từ 1-7 vừa qua, khi chính sách BHYT mới ra đời, quyền lợi của người tham gia được nới rộng hơn rất nhiều. Nhưng sau nửa tháng thực hiện chính sách BHYT mới, tình hình ở các bệnh viện (BV) lớn của Hà Nội dường như chưa mấy thay đổi...
- Chưa có nhiều thay đổi
Khi Nghị định 63/2005/NĐ-CP về ban hành điều lệ BHYT mới có hiệu lực (từ ngày 1-7-2005), dự đoán trước là văn bản hướng dẫn thực hiện không thể ra đời kịp, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi tất cả các bệnh viện trong cả nước hướng dẫn thực hiện quy định BHYT mới trong khi chờ ban hành thông tư hướng dẫn.

Bệnh nhân có thẻ bảo hiểm đang được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện 115.
Theo đó, Bộ Y tế chỉ thị: chi phí sử dụng thuốc, vật tư tiêu hao và một số kỹ thuật cao vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành (chưa áp dụng theo điều lệ BHYT mới ban hành). Và thực tế là việc thực hiện chính sách BHYT mới trong nửa tháng qua ở các bệnh viện (BV) đã “y nguyên” như công điện này, tức là mới chỉ dừng ở việc thực hiện quy định “bệnh nhân không cùng chi trả 20% chi phí”.
Tại BV Việt-Đức, Hà Nội, một trong những BV tuyến cuối lớn của cả nước, theo ông Đinh Mạnh Huy, Phó Giám đốc BV, lượng bệnh nhân có thẻ BHYT đến BV trong 2 tuần qua ở mức gần 500 bệnh nhân, con số này tương đương với các tháng trước.
Lượng bệnh nhân đến BV Việt-Đức cũng đã được thực hiện quy định không cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh, tuy nhiên đó mới chỉ là khám chữa bệnh thông thường. Còn đối với khám chữa bệnh kỹ thuật cao, chi phí thuốc thải ghép, hóa chất… vẫn được thực hiện theo quy định cũ. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở các BV lớn khác như Bạch Mai, Đống Đa.
Ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, thông tư ra đời chậm là do ý kiến của các bộ ngành (mà cụ thể ở đây là Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam) khác nhau về danh mục khám chữa bệnh kỹ thuật cao cũng như tỷ lệ thanh toán là bao nhiêu nên các bộ phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Cũng vì thông tư chưa ra đời nên đến thời điểm này, việc cấp phát thẻ BHYT cho trên 10 triệu đối tượng hưởng mới cũng chưa thể thực hiện.
- Cần thiết phải có BHYT toàn dân
Ông Nguyễn Văn Biểu, Trưởng ban Giám định Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho rằng, trong khi chúng ta chưa thực hiện được BHYT toàn dân, BHYT vẫn có thể lo được toàn bộ chi phí bệnh nặng và chi phí kỹ thuật cao cho bệnh nhân nếu bệnh nhân tự chi trả chi phí cho các bệnh tật thông thường.
Theo phân tích của ông Biểu, thực hiện chính sách cũ, một bệnh nhân chạy thận nhân tạo và thực hiện cùng chi trả 20%, thì mỗi năm BHYT phải chi 40-50 triệu đồng/bệnh nhân. Nay với chính sách mới, số tiền trên sẽ là 60 triệu đồng/bệnh nhân. Như vậy, nếu trung bình mỗi người tham gia BHYT đóng mức ban đầu là 50.000đồng/người/năm thì phải cần tới 1.200 người đóng BHYT/năm mới đủ cho một bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Như vậy, khi chưa có BHYT toàn dân thì BHXH không thể gánh nổi cho tất cả các chi phí y tế kỹ thuật cao.
Thực tế ở các nước, BHYT thực hiện chi trả cho hầu hết các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Việt Nam nằm trong số ít quốc gia còn lại chưa thực hiện được điều này.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 13 nước có mức đầu tư cho y tế thấp nhất thế giới (trong khi các nước trên thế giới phấn đấu đạt mức đầu tư cho y tế hàng năm là 50-100 USD/người thì hiện Việt Nam đang phấn đấu đạt đến 10 USD/người/năm). Khi đầu tư cho y tế thấp, việc người nghèo khó tiếp cận với y tế kỹ thuật cao là dễ hiểu.
Theo các BV, quy định bỏ “trần” chi phí khám chữa bệnh BHYT từ 1-7-2005 có điểm ưu việt đặc biệt là “mở” rất nhiều quyền lợi cho cả BV lẫn bệnh nhân, mà rõ nhất là việc bệnh nhân không cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh, tức là đã xóa bỏ cơ chế “trần” BHYT. Nhưng cũng chính với quy định này mà các BV hiện nay đang lo liệu bảo hiểm xã hội có đủ tiền chi trả cho BV. “Những chi phí điều trị cao như nong mạch vành tới gần 100 triệu đồng; phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đến 3.000 - 5.000 USD; rồi mổ tim, ghép tạng, hay tiền thuốc hiếm… nếu thực hiện thực thanh thực chi như quy định mới thì Bảo hiểm xã hội làm sao đủ sức chi trả”, bác sĩ Phạm Mạnh Thân, BV Việt-Đức đặt câu hỏi.
Vì vậy, quan điểm chung của nhiều BV hiện nay là: thực hiện bỏ “trần” khám chữa bệnh BHYT đối với BV (tức là tạo điều kiện để bác sĩ điều trị hết phác đồ cho bệnh nhân) nhưng cần thực hiện “trần” đối với bệnh nhân. Ví dụ như đối với bệnh nhân khám chữa bệnh có thẻ BHYT, nếu đến một mức chi phí X thì bảo hiểm xã hội thanh toán toàn bộ, còn nếu X+1 thì phần chi phí thêm 1 đó sẽ do bệnh nhân chi trả. Chỉ như vậy thì bảo hiểm xã hội mới kham nổi về lâu dài, đồng thời BV cũng có điều kiện chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân.
QUANG PHƯƠNG